Hội thảo quốc tế GEOTEC HANOI 2011: "Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững"

Thứ sáu, 23 Tháng 9 2011 12:05
In

Trong những thập kỷ gần đây, vai trò và tầm quan trọng của Địa kỹ thuật ngày càng được nâng cao và đề cập đến trong nhiều hội thảo có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bên cạnh các công trình nghiên cứu mới nhất về Địa kỹ thuật, nhiều vấn đề mới cũng phát sinh với các mức độ khác nhau từ phạm vi địa phương, phạm vi khu vực đến phạm vi quốc tế. Sạt lở đất, hố sụt và sụt lún các tầng địa chất là hậu quả của nền móng yếu cũng như việc áp dụng các phương pháp xây dựng chưa phù hợp ngày càng gia tăng. Để phát triển bền vững và bảo vệ con người khỏi các rủi ro về điều kiện địa chất, việc nghiên cứu để áp dụng các phương pháp tính toán, thiết kế, thi công tối ưu trong mỗi điều kiện địa chất, điều kiện công trình cụ thể là vô cùng quan trọng.



Nhận thức được tầm quan trọng đó, Công ty CP kỹ thuật nền móng & công trình ngầm FECON, Hội Cơ học đất & Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), phối hợp cùng Hội Xây dựng, cơ học & vật liệu Việt Nam tại Pháp (GCMM) tổ chức Hội thảo GEOTEC HANOI 2011 - hội thảo quốc tế về khoa học Địa kỹ thuật, sẽ diễn ra trong 2 ngày 06 và 07/10/2011, tại khách sạn Fortuna Hà Nội.

Hội thảo đã nhận được sự bảo trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), sự đồng hỗ trợ tổ chức của 8 đơn vị khác là các trường đại học (Đại học Xây dựng, ĐH Mỏ địa chất, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thủy lợi, công ty (Công ty tư vấn thiết kế CDC) và hội nghề nghiệp uy tín trong ngành xây dựng tại Việt Nam (Hội Địa chất công trình và Môi trường), Pháp (Hội Khoa học và Chuyên Gia Việt Nam tại Pháp), Nhật Bản (Hiệp hội địa kỹ thuật Nhật bản) và Trung Quốc (Ủy ban kỹ thuật Trung Quốc về Xử lý nền).

GEOTEC HANOI 2011 thực sự là một cơ hội quý báu để các nhà khoa học quốc tế và trong nước, các nhà tư vấn thiết kế cùng các nhà quản lý trong và ngoài nước về các vấn đề xây dựng nói chung và địa kỹ thuật nền móng, công trình ngầm nói riêng chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm và những thành tựu công nghệ liên quan đến thiết kế, xây dựng nền móng và cơ sở hạ tầng để đạt mục tiêu bền vững cho các loại công trình. Những kết quả tích cực thu được từ Hội thảo chắc chắn sẽ là đem lại một cái nhìn tổng quan về thực tại phát triển của Khoa học Địa kỹ thuật trong nước và thế giới, nhờ đó định hướng cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho phát triển ngành khoa học này một cách thiết thực.



Với quy mô tổ chức mang tầm cỡ quốc tế, chỉ trong vòng 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8/2011, sau khi thông báo số 1 được Ban tổ chức chính thức gửi đi, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia địa kỹ thuật làm việc tại các các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty tư vấn thiết kế và  xây dựng, trong và ngoài nước. Tổng cộng 125 báo cáo hoàn chỉnh đã được chuyển đến Ban Khoa học của Hội thảo từ 23 quốc gia trên thế giới gồm: Việt Nam (46 bài), Nhật Bản (42), Iran (21), Ấn Độ (15), Pháp (10), Malaysia (5), Hàn Quốc (5), Đài Loan (4), Mỹ (3), Thụy Điển, Hà Lan, Úc… Hội thảo cũng đã vinh dự nhận được 6  bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực Địa kỹ thuật của 6 chuyên gia địa kỹ thuật bậc thày thế giới, gồm Giáo sư Sven Hansbo (Thụy Điển), Giáo sư Harry Poulos (Úc), Giáo sư Kenji Ishihara (Nhật Bản), Giáo sư Pieter Vermeer (Hà Lan), Giáo sư Alain Guilloux (Pháp), và Tiến sỹ Hiroshi Yoshida (Nhật Bản).

Quy mô tổ chức, uy tín của các thành viên Ban tổ chức, Ban Khoa học và chất lượng các báo cáo tham luận chính là các yếu tố then chốt để cuốn tuyển tập của Hội thảo được Cục Xuất bản đồng ý cấp mã ISBN: 978-604-82-000-8. Ban tổ chức đã cộng tác với Nhà xuất bản Xây dựng để xuất bản tuyển tập của Hội thảo thành sách bao gồm 108 bài báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có chất lượng cao và có nhiều ứng dụng thực tiễn nhất, trong đó có 23 báo cáo của các tác giả Việt Nam và 85 báo cáo của các tác giả nước ngoài. Đây không những là một tài liệu quý báu mang tính thực tiễn cao dành cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công ty tư vấn thiết kế trong lĩnh vực xây dựng, mà còn được sử dụng làm tư liệu giảng dạy về địa kỹ thuật, đặc biệt về nền và móng công trình theo hướng phát triển bền vững tại các trường đại học chuyên ngành tại Việt Nam.

Với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa kỹ thuật có uy tín trong nước và quốc tế, Hội đồng khoa học đã phải dành nhiều thời gian và tâm huyết, và cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển chọn ra 62 bài báo cáo có chất lượng cao nhất để trình bày trực tiếp tại Hội thảo, trong đó có 10 báo cáo trong nước và 52 báo cáo nước ngoài. Các báo cáo được tuyển chọn tập trung vào 06 chủ đề quan trọng của lĩnh vực Địa kỹ thuật sau đây:

· Gia cố và cải tạo nền đất yếu
· Nền móng công trình
· Hầm và không gian ngầm
· Địa kỹ thuật môi trường và phát triển bền vững
· Mô hình hóa, thiết kế và quan trắc địa kỹ thuật
· Các công trình thực tế.

Bên cạnh các báo cáo tại Hội thảo, một không gian triển lãm với 18 gian hàng tiêu chuẩn 6m2 cũng được thiết lập. 18 đơn vị nước ngoài, trong đó có Nhật Bản (6 công ty), Hà Lan (2), Malaysia (2), Mỹ (2), Anh (1), Trung Quốc (1), Đài Loan (1), Thụy Sỹ (1), Tiệp Khắc (1), Singapore (1) đã được tạo mọi điều kiện tối ưu cho việc trưng bày giới thiệu sản phẩm liên quan đến lĩnh vực địa kỹ thuật nhằm mục đích phát triển và mở rộng mạng lưới kinh doanh tại thị trường xây dựng Việt Nam...

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn những vấn đề còn tồn tại về địa kỹ thuật sẽ được thảo luận và làm sáng tỏ, từ đó cung cấp cái nhìn toàn diện hơn, thực tế hơn về mối liên hệ giữa ngành địa  kỹ thuật nói riêng và ngành  xây dựng nói chung với mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng chính là khát vọng và trách nhiệm của Hội Địa kỹ thuật Việt Nam cũng như của các công ty trong ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực nền móng công trình.

Bên cạnh đó Hội thảo cũng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của 06 nhà tài trợ khác từ các nước Hà Lan (Công ty Geomil Equipment, Công ty A.P Van den Berg), Trung Quốc (Công ty TMP Geosynthetic, Uỷ ban Kỹ thuật Trung Quốc về Xử lý nền), Hàn Quốc (Công ty SungWoo TM), Việt Nam (Công ty Teinco) đều chung một mong muốn Hội thảo thành công tốt đẹp và mang lại nhiều đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển ngành địa kỹ thuật Việt Nam và vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: