Rio+20 là cơ hội vàng thúc đẩy phát triển bền vững

Thứ năm, 14 Tháng 6 2012 14:49 TTXVN
In

Ngày 13/6, đại diện của 193 nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội dân sự, giới học giả và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã đến thành phố Rio de Janeiro, Brazil, để tham dự hội nghị trù bị thứ ba và cũng là cuối cùng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) sẽ diễn ra trong các ngày 20-22/6.

Liên hợp quốc nêu rõ rằng với hơn 50.000 đại biểu tham dự trong vòng 10 ngày đầy ắp các sự kiện bên lề và trong chương trình nghị sự của Hội nghị, Rio+20 là hội nghị lớn nhất trong lịch sử của Liên hợp quốc và được coi là sự kiện chỉ có một lần trong một thế hệ.

Hơn 130 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước trên thế giới, khoảng 20.000 đại diện các nhóm quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các nhà kinh doanh, nông dân, các nhà khoa học, người bản xứ, chính quyền các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, công đoàn, thanh niên, phụ nữ sẽ tham dự Rio+20.

Các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò lớn chưa từng thấy trong các cuộc thương lượng tiến tới và đạt được đồng thuận trong các vấn đề của Rio+20. Đây cũng là hội nghị quan trọng đầu tiên của Liên hợp quốc có sự tham dự của đại diện các tổ chức xã hội dân sự từ các nước đang phát triển đông đảo hơn từ các nước phát triển.

Liên hợp quốc nhấn mạnh để hoàn tất văn bản chính trị cuối cùng quan trọng nhất của Rio+20, Hội nghị trù bị cuối cùng từ ngày 13-15/6 sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận về nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa đạt được, đặc biệt về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sau năm 2015, năm kết thúc tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Phát biểu tại hội nghị trù bị này, Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff đã kêu gọi "tất cả các quốc gia trên thế giới cam kết" đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của môi trường và xã hội.

Bốn “Ngày đối thoại” sau đó được Chính phủ Brazil bảo trợ sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực then chốt cần hành động mạnh mẽ để thúc đẩy sự bền vững. Hơn 2.000 nhà lãnh đạo kinh doanh trên thế giới tham dự "Diễn đàn bền vững công ty" sẽ chia sẻ các biện pháp đổi mới và cam kết về phát triển bền vững.

Ngoài văn bản chính trị cuối cùng, tại Rio+20, nhiều chính phủ, các nhà kinh doanh và các tổ chức quốc tế cũng sẽ phát động hoặc thông báo các cam kết hoặc sáng kiến thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu “Năng lượng bền vững cho tất cả," “Vận tải bền vững," “Quyền tiếp cận nước sạch," “Bảo vệ các đại dương và an ninh lương thực”…

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và là Tổng Thư ký của Rio+20 Sha Zukang, nêu rõ rằng Rio+20 cung cấp nguồn hứng khởi và các định hướng cho tiến triển của các chương trình phát triển bền vững.

Trong khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức bức xúc như khủng hoảng kinh tế, khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, Rio+20 là cơ hội vàng để cộng đồng quốc tế định hướng chính sách và hành động thúc đẩy phát triển bền vững, biến các chính sách bền vững thành thực tiễn trên cơ sở thúc đẩy đồng bộ và toàn diện cả tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.

Trung tâm của văn bản chính trị cuối cùng của hội nghị bao gồm lời kêu gọi đổi mới các cam kết chính trị về phát triển bền vững; các đề nghị về cách thức nền kinh tế xanh hỗ trợ phát triển bền vững và xóa đói nghèo; các thể chế cần thiết để thúc đẩy và hỗ trợ phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu.

Tổng Thư ký Rio+20 nêu rõ thương lượng để đạt được đồng thuận về các vấn đề trong văn bản chính trị cuối cùng không hề dễ dàng. Các cuộc thương lượng vẫn phải tiếp tục để đạt được đồng thuận về các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như phát triển các khuôn khổ thể chế về phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả của các thể chế toàn cầu, giúp biến các mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực thông qua tăng cường Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và thay thế Ủy ban về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc để có thể xử lý hiệu quả hơn và kịp thời hơn với các vấn đề phát triển bền vững hiện hành hoặc đang nổi lên.

Các nhà thương lượng cũng đang phải tìm kiếm thỏa thuận về định nghĩa và các biện pháp thúc đẩy hành động tiến tới nền kinh tế xanh cũng như cách thức tận dụng nó để thúc đẩy phát triển bền vững./.

(TTXVN)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: