Người Sài Gòn sẽ tiếp tục phải chia tay nhiều cây cổ thụ

Thứ sáu, 26 Tháng 9 2014 17:34 TBKTSG
In

Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 sẽ bị đốn và bứng đi để xây cầu Thủ Thiêm 2. Ngoài ra, nhiều cây xanh, kể cả cây cổ thụ, sẽ bị đốn bỏ để xây dựng cầu, đường ở TPHCM. 

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, sắp tới khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, tổng số cây xanh nằm trong phạm vi dự án là 272 cây; trong đó có 84 cây phải đốn hạ, 37 cây sẽ được di dời và 151 cây được giữ lại.  


Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 sẽ bị đốn và bứng đi để xây cầu Thủ Thiêm 2
(Ảnh: Anh Quân) 

Theo ông Dũng các loại cây xanh được đề nghị đốn hạ là cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và gần các trụ cầu. Đây là những cây lớn, có đường kính thân từ 80 cm trở lên, nếu bứng dưỡng thì khả năng cây chết rất cao và đòi hỏi chi phí thực hiện lớn. 

Hơn nữa, theo ông Dũng, lượng cây bị đốn hạ chủ yếu là cây sọ khỉ (hay còn gọi là xà cừ). Loại cây này nằm trong danh mục cây mà UBND TPHCM cấm trồng do loại cây này rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất gây hư hỏng vỉa hè mặt đường và có thể ảnh hưởng đến giao thông. Ngoài ra, xà cừ là loại cây có bộ rễ chùm rất dễ đổ khi có gió to hoặc bão.

Ông Dũng cũng cho biết, khi cầu xây dựng xong theo phương án thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2, ngoài cây xanh trồng bổ sung trên vỉa hè thì còn tận dụng các phần đất dạ cầu để bổ sung mảng xanh tạo mỹ quan cho công trình.

Ngoài dự án cầu Thủ Thiêm 2, mới đây Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TPHCM đã đề nghị đốn bỏ 215 cây sọ khỉ trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 để để mở rộng đường và đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Các cây được đề xuất đốn bỏ chủ yếu có bộ rễ nổi làm nứt vỉa hè, cây nghiêng ra đường và có nguy cơ ngã đổ. Việc đốn 215 cây sọ khỉ trên đường Nguyễn Văn Hưởng được đề xuất chia làm 3 năm, trong đó năm 2014 đốn 50 cây, năm 2015 đốn 100 cây và năm 2016 đốn 65 cây. Do các cây sọ khỉ nằm trong danh mục cấm trồng nên khi đốn bỏ sẽ trồng thay thế bằng cây bằng lăng. 

Ngoài hai dự án kể trên, một dự án khác nằm ở trung tâm là nhà ga ngầm các tuyến metro tại khu vực vòng xoay Bến Thành khi khởi công xây dựng cũng có 57 cây xanh của một góc công viên 23-9 sẽ bị bứng và đốn đi. Do nhà ga ngầm trung tâm Bến Thành là nhà ga đầu mối để kết nối với các tuyến metro nên quy mô của nhà ga phải mở rộng sang tận phía công viên 23-9.

Hồi tháng 7 năm nay, 41 cây cổ thụ trước cửa nhà hát thành phố cũng phải đốn bỏ và 10 cây phải bứng đi để thi công ga ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Trước thực trạng nhiều cây xanh phải đốn bỏ để xây dựng công trình giao thông, khiến mảng xanh bị thu hẹp thêm, ông Dũng cho biết, đối với từng dự án xây dựng, Sở GTVT đều nghiên cứu nhiều phương án, giải pháp khác nhau để giảm thiểu việc đốn hạ, di dời cây xanh, mảng xanh hiện hữu.

Đối với những trường hợp bất khả kháng phải thực hiện viêc đốn hạ cây xanh, việc tận dụng tối đa phần diện tích của công trình để bố trí mảng xanh, cây xanh phù hợp là một trong những mục tiêu trọng tâm của dự án. Cùng với đó là việc kết hợp chỉnh trang cây xanh vỉa hè đồng bộ trên tuyến.

Hiện tại, Sở GTVT đang lập đồ án quy hoạch ngành công viên cây xanh TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Dự kiến đồ án quy hoạch này sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2014. 

b


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: