Giải ngân ODA được cải thiện nhưng vẫn còn chậm

Thứ năm, 05 Tháng 2 2015 08:06 TBKTSG
In

Giải ngân vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã đạt kỷ lục năm 2014 với trên 5,6 tỉ đô la Mỹ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi do một thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký nêu ra con số trên và nhận định “tình hình giải ngân có những cải thiện đáng kể.”

Trong số giải ngân đó, ODA vốn vay là 5,25 tỉ đô la Mỹ, và ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu đô la Mỹ, cao hơn 9% so với năm 2013.


Theo ADB, cao tốc Hà Nội - Lào Cai đội vốn 15% so với dự toán.
(Ảnh TL SGT.)

Trong tổng số vốn giải ngân, khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ là vốn xây dựng cơ bản, khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ thuộc nguồn vốn cho vay lại, khoảng 270 triệu đô la Mỹ thuộc nguồn vốn hành chính sự nghiệp, và khoảng 732 triệu đô la Mỹ là các khoản hỗ trợ ngân sách.

Báo cáo nhận xét, các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA) với 1,773 tỉ đô la Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) với 1,386 tỉ đô la Mỹ; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với 1,058 tỉ đô la Mỹ.

Với mức giải ngân cao, một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã được hoàn thành, như dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – cảng hàng không Nội Bài; dự án cầu, đường ô tô cao tốc Tân Vũ – Lạch Huyện, dự án cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long...

Báo điện tử Chinhphu.vn trích dẫn Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỉ đô la Mỹ. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu đô la Mỹ chi phí cơ hội, ông Hải nói.

Trong một cuộc họp gần đây của 6 ngân hàng là các nhà tài trợ chính của Việt Nam như WB và ADB với Ban chỉ đạo quốc gia về ODA, Việt Nam được đánh giá là nước tiếp nhận và sử dụng ODA tương đối tốt.

ADB đánh giá rằng, các dự án của ADB tại Việt Nam đạt tỷ lệ thành công 82,1%, cao hơn tỷ lệ của nhiều nước như Ấn Độ (65,2%), Indonesia (63,2%).

Ngân hàng KfD đánh giá tỷ lệ thành công ở các dự án của KfD ở đạt mức trung bình so với thế giới.

Báo cáo của nhóm 6 ngân hàng này cũng đưa ra so sánh cho thấy lợi ích của vay ODA. Nguồn vốn ODA cho Việt Nam có lãi suất trung bình là 1,6%/năm và thời gian đáo hạn trung bình là 12,8 năm.

Trong khi đó, vốn trái phiếu chính phủ trong nước có lãi suất trung bình là 7,7% và thời gian đáo hạn ngắn chỉ 2,6 năm; và vốn trái phiếu chính phủ nước ngoài là 4,85% với thời gian đáo hạn 10 năm.

Tuy nhiên, nhóm 6 ngân hàng này cũng cho rằng, quá trình thực hiện các dự án ODA còn nhiều vướng mắc như thời gian phê duyệt danh mục tài trợ của các cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quá dài, thời gian chuẩn bị chương trình, dự án ODA kéo dài (kể từ lúc đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước cụ thể thường mất tới hai, ba năm).

Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính trong nước đối với các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi và những khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.

ADB thậm chí còn lưu ý, dự án chậm tiến độ thường dẫn đến phụ trội chi phí. Ví dụ, như dự án thủy lợi Phước Hòa, chi phí tăng 101%, dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng 15% và dự án mạng giao thông miền Trung tăng 51%.

Sáu ngân hàng này cùng kiến nghị Chính phủ cần giải trình với Quốc hội về những vấn để của ODA với các dẫn chứng cụ thể, và họ sẵn sàng cung cấp tài liệu.

Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội có chuyên đề giám sát ODA do lo ngại nguồn vốn này được quản lý không chặt chẽ.

Cuộc gặp của nhóm ngân hàng này với Ban chỉ đạo ODA là nhằm giải thích băn khoăn đó.

Tư Giang (TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: