Phát hiện làm thay đổi nhận thức về Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long

Thứ bảy, 31 Tháng 12 2016 00:25 Vietnam+
In

Quá trình khai quật khảo cổ học năm 2016 đã đưa đến nhiều phát hiện quan trọng, cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực điện Kính Thiên-Đoan Môn; đồng thời góp phần làm rõ thêm các giá trị to lớn của di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu.”

Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên-Đoan Môn năm 2016” diễn ra sáng 28/12 tại Hà Nội.  


Di tích Đoan Môn (Ảnh: TTXVN) 

Thay đổi nhận thức về cổng Đoan Môn

Trao đổi với báo chí, giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Một trong những kết quả quan trọng nhất của đợt khai quật này là làm thay đổi nhận thức về di tích Đoan Môn.” 

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, giáo sư Phan Huy Lê cho biết, trước đây, giới khoa học cho rằng, di tích Đoan Môn là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15). Tuy nhiên, kết quả khai quật lần này cho thấy, thành Đoan Môn còn lại hiện nay là công trình được xây lại vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18). 

Từ đó, vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học là phải tiếp tục tìm, xách định xem cổng Đoan Môn của thời Lê Sơ nằm ở đâu trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long,” Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh.

Đoan Môn là cổng thành phía Nam, lối đi chính để vào bên trong Cấm thành - nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của nhà vua.

Những phát hiện mới

Bên cạnh đó, quá trình khai quật lần này cũng đưa đến nhiều phát hiện quan trọng khác, tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên (vào thời Lê Trung Hưng, Lê Sơ) và một phần không gian kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long thời Lý.


Dấu tích đường nước thời Lý. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Cụ thể, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích đường nước thời Lý tại phía Nam hố khai quật. Hiện trạng cho thấy, kích thước rộng 2m, thành gạch đã bị phá hủy nhiều, còn lại một số hàng gạch bó thành và hệ thống cọc gỗ gia cố phía trong.

Phát hiện này kết hợp với những phát hiện trong các đợt khai quật khảo cổ học trước đây (năm 2013, 2014 và 2015) cho thấy, đường nước thời Lý (trục Bắc-Nam) chạy ra ngoài tường thành tại khu vực Đoan Môn.

Việc phát lộ những hàng cột, kết cấu móng và đường bó nền… đã bước đầu làm rõ hình thái kiến trúc thời Lý là dạng kiến trúc hành lang chạy dài theo hướng Đông-Tây và có thể kéo nối theo hướng Bắc-Nam. Từ đó, có thể dự đoán, dấu tích kiến trúc thời Lý ở đây có một cổng lớn ở trục chính tâm. Kiến trúc này phương vị với tổng thể kiến trúc của khu trung tâm Hoàng thành và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu,” phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết.

Nói khác đi, kết quả khai quật đã làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc thời Lý phát lộ kéo dài về phía quảng trường Đoan Môn và phát hiện thêm nhiều loại móng cột mới.

Nối tiếp các cuộc khai quật trong thời gian từ năm 2012-2015, cuộc khai quật lần này đã làm rõ phần cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có: sân đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng (từ thế kỷ 15-18). 


Di vật tìm được sau đợt khai quật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Di vật thu được thuộc nhiều loại hình khác nhau (vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất…) có niên đại từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20.

Đợt khai quật năm 2016 tiếp tục xác định tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-20 ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Qua đó, có thể thấy, dấu tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm. Tuy nhiên, nhiều bí ẩn vẫn còn nguyên dưới lòng đất, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu lâu dài, tổng thể,” đại diện Viện Khảo cổ học cho hay.

Trong năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn (thuộc khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long) với tổng diện tích gần 1.000m2./. 

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin (ngày 31/7/2010) với các tiêu chí:

- Minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam.

- Minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng. Đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ thế kỷ 7 cho đến tận ngày nay.

- Liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa-lịch sử quan trọng. 

An Ngọc 
(Vietnam+)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: