Quy hoạch mới ĐBSCL: Chủ động sống chung với lũ

Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 06:27 Báo Xây dựng
In

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu cùng những giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.  


Quy hoạch mới của ĐBSCL phải chuyển từ "sống chung với lũ" sang "chủ động sống chung với lũ". 

Rà soát lại các quy hoạch đã có

Nghị quyết nêu rõ, ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công. 

Theo đó, Nghị quyết đưa các giải pháp tổng thể để ĐBSCL phát triển bền vững. Cụ thể, về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn…).

Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Trước hết, cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn; khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học. 

Đảm bảo tính liên kết vùng

Cùng với phát triển nông nghiệp, Nghị quyết đề ra mục tiêu ĐBSCL phải phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hoá, con người với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và vùng ĐBSCL làm trọng tâm xuyên suốt.

Cụ thể, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hoà lợi ích của các bên liên quan, hài hoà giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hoá, con người; chú trọng nâng cao tính liên kết về hạ tầng, chuỗi sản phẩm giữa các tiểu vùng sinh thái trong khu vực và giữa vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Mê Công.

Khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, phối hợp thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước, thiếu các cơ chế, chính sách phát huy sức mạnh tổng hợp của cả vùng, tạo nên các liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản vùng đồng bằng… 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: