Cuộc di dân lịch sử rời Kinh thành Huế: 4.000 hộ sẽ được ở đất riêng, không ở chung cư

Thứ bảy, 23 Tháng 3 2019 19:45 Một Thế Giới
In

Hơn 4 ngàn hộ dân đang sống treo ở di tích kinh thành Huế sẽ được di dời phục vụ dự án tôn tạo. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cam kết rằng khi đến nơi ở mới bà con sẽ được bố trí ở những khu đất riêng, chứ không phải ở chung cư.


Cuộc di dân lịch sử để tu bổ, tôn tạo kinh thành Huế sẽ bắt đầu từ tháng 9/2019.
Ảnh: Nhật Lam

Khung chính sách đặc biệt

Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế được chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 năm 2019 – 2021, 2022 – 2025 và gia đoạn 3 tiếp sau đó. Có khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) thuộc 4 phường nội thành và 3 phường tiếp giáp bên ngoài kinh thành Huế chịu ảnh hưởng, di dời giải tỏa.

Đề án do UBND tỉnh phê duyệt cũng đưa ra tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.097 tỉ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỉ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỉ đồng), trong đó giai đoạn 1 dự án để bồi thường, giải phóng mặt bằng và bồi thường hỗ trợ tái định cư kinh phí khoảng 2.826 tỉ đồng. Một khu tái định cư lớn với hàng ngàn lô đất cũng đã và đang được xây dựng ở P.Hương Sơ phía bắc TP.Huế để đón người dân đến tái định cư, sinh sống.

Để đảm bảo tính pháp lý, UBND tỉnh đã ban hành khung chính sách để thực hiện dự án và đây được xem là bước đột phá mà chính Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cũng nhìn nhận nếu không có khung chính sách này việc di dời dân cư, tu bổ kinh thành Huế bao năm qua chưa thể thực hiện.

Đặc biệt, khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại văn bản số 1771 ngày 10/12/2018. Và căn cứ để UBND tỉnh xây dựng khu chính sách này chính là điều 17 và điều 25 của Nghị định số 47/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.


Ngày vui trong một con hẻm đường Xuân 68, nội thành Huế. Ảnh: Nhật Lam


Đời sống chật chội, bức bối của người dân khu kinh thành Huế sẽ sớm được giải quyết với đại dự án tu bổ, tôn tạo kinh thành Huế.
Ảnh: Nhật Lam

“Không ai bỗng dưng lên trên thành dựng tấm tôn mà ở”

Theo kế hoạch đề ra, tháng 9 tới việc di dân để tu bổ, tôn tạo kinh thành Huế sẽ chính thức bắt đầu.

Sáng 22.3, tại nhà văn hóa TP.Huế, hàng trăm hộ dân ở khu vực nằm trong diện di dân đợt đầu tiên đã đến dự cuộc gặp mặt do UBND TP.Huế tổ chức. Đây là cuộc gặp quy mô lớn đầu tiên kể từ khi dự án được khởi động và cuộc gặp có cả Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ đồng chủ trì, rất nhiều sở ngành cùng tham gia, ghi chép.

Tại cuộc gặp này, đơn vị được giao thực hiện dự án là UBND TP.Huế đã trình bày khá chi tiết, rành mạch chủ trương, chính sách, ý nghĩa của dự án. Đặc biệt khung chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt cũng được đại diện cơ quan này trình bày trước đông đảo người dân.

“Năm 1984 gia đình tôi cũng như một số gia đình khác nữa, khi xây dựng nhà được chủ tịch phường chấp thuận nhưng ghi vào tờ giấy rằng sau này nếu nhà nước di dời, giải tỏa thì không được bồi thường. Vậy giờ gia đình tôi sẽ như thế nào, di dời có được hỗ trợ bồi thường gì không?”, ông Nguyễn Đức Thọ (63 tuổi, ở tổ 18, P.Thuận Lộc) đặt câu hỏi với ban chủ trì cuộc gặp.

Câu hỏi của ông Thọ là câu hỏi của rất nhiều bà con ở khu vực 1 kinh thành Huế khi hàng chục năm trước họ được làm nhà ở nhưng chỉ là “ở tạm” như vậy. Có nhiều gia đình “ở tạm” qua hàng chục năm, nay đã có 3 – 4 thế hệ trong một gia đình do không thể tách thửa, tách hộ, trong khi di tích thì ngày càng bức bối, “méo mó” cùng với sự phát triển của dân số tự nhiên, đời sống hằng ngàn hộ dân.

“Theo quy định thì những trường hợp như anh Thọ là không được bồi thường, nhưng theo khung chính sách của dự án này đã ban hành thì gia đình anh được hỗ trợ 100%”, Chủ tịch UBND TP.Huế Nguyễn Văn Thành nói.


Cụ Lê Đình Châu, tổ 17, P.Thuận Lộc phát biểu ý kiến, còn người của các phòng ban thành phố và tỉnh cẩn thận ghi chép vào sổ.
Ảnh: Nhật Lam

Giải đáp thắc mắc của người dân cũng như trình bày về khung chính sách của dự án, đại diện UBND TP.Huế cho biết, trừ các trường hợp có giấy tờ hợp pháp bồi thường theo quy định hiện hành, các trường hợp người dân sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ ngày 19.5.1976 (đã khoanh vùng bảo vệ di tích) đến 15.10.1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.

Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200m2. Thậm chí những trường hợp đất lấn, chiếm (giao không đúng thẩm quyền) ở trước ngày 1.7.2004 đều tùy mức mà được nhà nước hỗ trợ.

Không chỉ thế, đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120.000.000 đồng mà phải di chuyền chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi ở mới; kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm; tiền thuê nhà ở khi di dời… đều được cấp cho người dân. Riêng con em các hộ dân đi học thì tùy theo nguyện vọng chuyển đến nơi học mới hay ở lại trường cũ đều được thành phố quan tâm giải quyết theo nguyện vọng.


Kinh thành Huế sẽ sớm được tu bổ, tôn tạo.
Ảnh: Nhật Lam

“Bà con sống trong khu vực 1 kinh thành Huế, ở thượng thành, eo Bầu hay những điểm khác trên kinh thành mỗi thời điểm xây dựng khác nhau và mỗi người một hoàn cảnh. Không ai bỗng dưng lên trên kinh thành rồi tự dựng mấy tấm tôn ở như thế cả”, Bí thư Thành ủy TP.Huế Huỳnh Cư chia sẻ với người dân và cho biết, cùng với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố cũng sẽ nỗ lực để triển khai dự án làm sao đảm bảo các quyền lợi cho bà con, mong bà con đồng thuận và giám sát chặt chẽ cán bộ, phòng ban khi thực thi công việc.

Còn ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thì cam kết rằng khi đến nơi ở mới bà con sẽ được bố trí ở những khu đất riêng, chứ không phải ở chung cư.

“Đây là một chủ trương lớn của Thủ tướng Chính phủ dành cho chúng ta… Bà con yên tâm, mỗi một hồ sơ của bà con có đến 12 chữ ký của cơ quan, bộ phận liên quan nên sẽ rất minh bạch, chặt chẽ”, ông Thọ nói.

Nhật Lam

(Một Thế Giới)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: