Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners và tỉnh Bình Thuận hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi

Thứ tư, 22 Tháng 7 2020 11:29 Ashui.com
In

Ngày 22/7, tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ Thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất lên đến 3,5 GW. Lễ ký kết diễn ra tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam năm 2020 dưới sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc các cơ quan bộ ban ngành Trung ương và khối cộng đồng doanh nghiệp.

Là nhà đầu tư và phát triển dự án hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Copenhagen Insfrastructure Partners đã huy động được hơn 10 tỷ USD từ các quỹ chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả quỹ mới nhất CI IV, tổ chức được kỳ vọng sẽ trở thành quỹ dành cho các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ Thị trường Mới I, CIP đặc biệt hướng vào các nền kinh tế mới đang phát triển nhanh, mà trọng tâm hiện tại chính là thị trường Việt Nam.

Với công suất tiềm năng lên đến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực cũng như trên thế giới.

"Các phát hiện từ dự án hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam cho thấy Việt Nam có đến 160 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi có thể khai thác. Điều này đã đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong danh sách các thị trường điện gió ngoài khơi tiềm năng. Việt Nam sẽ cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các nước khác để có thể gặt hái được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại. 30 năm trước, vào năm 1991, Đan Mạch đã phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới, và chúng tôi tự hào là quốc gia dẫn đầu đầu thế giới trong lĩnh vực này. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được chia sẻ những kiến thức, bí quyết và công nghệ tiên tiến của chúng tôi với Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với chi phí hiệu quả nhất," ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ.

Với công suất dự kiến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận nền công nghệ điện gió hiện đại và tiên tiến nhất, đồng thời hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia có hệ thống điện với tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao và phát thải carbon thấp.

"Việc ký kết Biên bản Ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và tỉnh Bình Thuận hôm nay là một cột mốc hết sức quan trọng và sẽ không thể tiến hành nếu không có sự hỗ trợ quý báu và hợp tác chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các đối tác. CIP là tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á Thái Bình Dương với các dự án tại Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Đội ngũ của CIP bao gồm những chuyên gia điện gió ngoài khơi có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhất trong ngành với những hiểu biết sâu sắc trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Với dự án này, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác tại địa phương để biến dự án này thành một hình mẫu của dự án chuyển giao công nghệ thành công song song với việc sử dụng tối đa các nguồn lực và chuyên môn tại địa phương," Ông Michael Hannibal, thành viên sáng lập CIP cho biết.

Với chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỷ USD, dự án được hy vọng sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho cả tỉnh Bình Thuận và Việt Nam. Sự hợp tác thành công giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và Bình Thuận trong dự án này cũng có thể sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Với việc ký kết Biên bản Ghi nhớ này, các đối tác trong dự án sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan bộ ban ngành trung ương để phát triển dự án, xây dựng phương án đầu tư chi tiết sau khi dự án được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện của Việt Nam.

Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch

Trong chương trình hợp tác giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 2013, chương trình tập trung hỗ trợ Việt Nam quản lý năng lượng hiệu quả. Giai đoạn thứ hai của chương trình (2017 - 2020) tập trung vào việc nâng cao năng lực của các cơ quan Việt Nam về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, vận hành có hệ thống điện với tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao, chuyển hóa carbon thấp và tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Để biết thêm thông tin về Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, vui lòng truy cập: http://vietnam.um.dk/; https://www.facebook.com/dkvietnam

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)

Copenhagen Infrastructure Partners là một tập đoàn Đan Mạch chuyên đầu tư và phát triển các cơ sở hạ tầng năng lượng. Được thành lập vào năm 2012, CIP hiện là tập đoàn dẫn đầu thế giới, nhà tiên phong trên thị trường toàn cầu và nhà đầu tư lớn nhất với các dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng chuyên dụng. CIP có khoảng 110 nhân viên với các văn phòng tại Copenhagen, New York, London, Utrecht và Tokyo.

CIP điều hành bảy quỹ với hơn 10 tỷ USD vốn cam kết. Các quỹ hiện đã thực hiện hơn 20 danh mục đầu tư vào các tài sản cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn với tổng công suất gần 8GW trên khắp Hoa Kỳ, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Đài Loan. Ngoài ra, quỹ cũng đang có hơn 15 dự án cơ sở hạ tầng năng lượng đang trong quá trình chuẩn bị quyết định đầu tư cuối cùng và dự kiến sẽ khởi công trong vòng 2-3 năm tới.

Để biết thêm thông tin về CIP, vui lòng truy cập: http://cipartners.dk/about/

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: