Thành phố Huế muốn đẩy mạnh đầu tư vào những địa phương mới được sáp nhập

Chủ nhật, 18 Tháng 7 2021 10:18 KTSG Online
In

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) muốn được ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án tại các xã, phường mới được nhập vào thành phố Huế mở rộng.

Trước đây, thành phố Huế không có biển, bây giờ mở rộng, có biển thì cần mở rộng không gian đô thị và phát triển hạ tầng dọc bờ biển Thuận An và Hải Dương. Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy thành phố Huế, nêu ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8, được tường thực trực tuyến chiều ngày 16/7.

Ông Định mong muốn thành phố có thêm cơ chế để tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy đầu tư phát triển các dự án khi thành phố Huế mở rộng nhằm tạo sự đồng bộ để thành phố trở thành khu đô thị du lịch thực thụ trong tương lai.


Một bến đò ngang tại thị xã Hương Trà - một trong những địa phương mới được sáp nhập vào thành phố Huế.
(Ảnh: Hiếu Trương)

Cụ thể các xã, phường sau sẽ nhập vào thành phố Huế là xã Thủy Vân và xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; phường Hương Hồ, phường Hương An, xã Hương Thọ, xã Hương Phong, xã Hương Vinh và xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang. Trong đó thị trấn Thuận An có biển và các xã còn lại chủ yếu hoạt động nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Theo tìm hiểu một trong dự án hạ tầng lớn đang triển khai tại khu vực biển Thuận An là cầu vượt cửa biển, thuộc dự án đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc với tổng chiều dài phải làm là 85 km. Trong đó, cầu vượt cửa biển Thuận An nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An dài 1,5 km, kinh phí dự kiến 1.200 tỉ đồng.

Theo ông Định, việc mở rộng thành phố còn tạo cho thành phố Huế có nhiều dư địa để phát triển, cùng với diện tích đất tăng lên gấp 3,7 lần và dân số tăng lên gần gấp đôi, chiếm 1/2 dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những tài nguyên khoáng sản, đặc điểm địa lý khác cũng đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho thành phố có thể phát triển các mặt kinh tế, xã hội. Đây rõ ràng là một lợi thế rất lớn mà thành phố Huế mở rộng đang được hưởng.

Tuy nhiên, thành phố cũng đứng trước sự thách thức đó là sự định hướng, khả năng lãnh đạo để đạt được mục tiêu phát triển thành phố như mong đợi của hệ thống chính trị là một vấn đề đặt ra. Đã hàng chục năm từ khi giải phóng đến nay, phần lớn bộ máy hệ thống chính trị của thành phố được thiết kế để quản lý phạm vi thành phố cũ. Việc mở rộng này với rất nhiều đặc điểm mới mà thành phố trước đây chưa có ví dụ như có thêm đầm phá, biển, có thêm ngành nông nghiệp vốn trước đây là một lĩnh vực yếu của thành phố.

“Sự phát triển thành phố Huế trong giai đoạn sắp tới hết sức quan trọng trong mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương cho nên việc hoạch định định hướng phát triển của Huế cần phải có sự xem xét, đánh giá thấu đáo. Hiện nay, thành phố cũng đang đặt vấn đề với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước để xây dựng lại quy hoạch phát triển của thành phố”, ông Định cho biết và nói thêm việc quy hoạch này sẽ gắn liền với quy hoạch chung của toàn tỉnh, quy hoạch tích hợp mà tỉnh đang triển khai. Đây là việc đòi hỏi phải có thời gian và cần có sự cân nhắc thấu đáo.

Nhân Tâm

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: