Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ năm, 01 Tháng 12 2022 09:11 Báo Xây dựng
In

Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, được tổ chức ngày 30/11. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền các đô thị…

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến, kết nối với các đầu cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng nhận định: Đây là Hội nghị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện; chào mừng, hưởng ứng ngày 8/11 là Ngày Đô thị Việt Nam và cũng là Ngày Đô thị hóa thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế. Trong tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành.

Thủ tướng nêu rõ: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm. Trên cơ sở đó, chúng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.


Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chương trình hành động 148 bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 06-NQ/TW

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai xây dựng Chương trình hành động.

Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan và các địa phương trong cả nước, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chương trình hành động 148 đã bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 06-NQ/TW để xây dựng 33 nhóm nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào các nội dung trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; và xây dựng các đề án chuyên ngành… cùng sự phân công tổ chức, trách nhiệm thực hiện rõ ràng của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp gắn với tiến độ, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm trong giai đoạn đến năm 2030.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định: Chương trình hành động 148/NQ-CP được xây dựng với cách tiếp cận cụ thể, sáng tạo nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Nghị quyết 06-NQ/TW.

“Chương trình hành động 148/NQ-CP khi được triển khai đồng bộ sẽ kịp thời thể chế hóa những chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW. Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện quyết liệt của các ban, bộ, ngành và địa phương…, chúng ta sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 148 của Chính phủ” – Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Phát biểu trực tuyến chào mừng Hội nghị Đô thị toàn quốc Việt Nam năm 2022, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Tổng Giám đốc UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif nhận định: Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa to lớn, góp phần xác định con đường phát triển của đô thị Việt Nam trong những năm tới.

Với vai trò là cơ quan của Liên hợp quốc về phát triển đô thị và hỗ trợ sự chuyển đổi các thành phố, UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự đô thị mới thông qua việc ban hành Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia để triển khai Nghị quyết 06–NQ/TW.


Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif phát biểu trực tuyến chào mừng Hội nghị Đô thị toàn quốc Việt Nam năm 2022.

Bà Maimunah Mohd Sharif cho biết thêm: Tháng 06/2022, UN-Habitat đã tổ chức thành công Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 11 tại Katowice, Ba Lan, với sự tham gia của đại biểu đến từ 158 quốc gia, trong đó có đoàn Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các bên đã nhất trí rằng lãnh đạo các thành phố cần hướng tới mục tiêu đạt được sự thay đổi về phương thức quản trị, môi trường và đời sống dân cư đô thị. Đặc biệt là các quốc gia đang trong quá trình đô thị hóa nhanh như Việt Nam.

Với mức tăng trưởng trung bình khoảng một triệu dân số đô thị mỗi năm, Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong phát triển đô thị tập trung vào các sáng kiến phát triển bền vững. Hoàn thiện khung chính sách đô thị quốc gia và giải quyết các vấn đề xuyên suốt như giảm nghèo, nhà ở, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng trong tăng trưởng. Điều đó sẽ mang lại quá trình đô thị hoá toàn diện và bao trùm hơn, để không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau.

Bà Maimunah Mohd Sharif nhấn mạnh: Chúng ta không còn nhiều thời gian để đạt được 169 mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030. Chỉ còn 7 năm để thực hiện Chương trình Nghị sự đô thị mới và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Do đó, đây là thời điểm mà chúng ta phải hành động ngay. “UN-Habitat cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công cuộc thúc đẩy đô thị hóa bền vững” – bà Maimunah Mohd Sharif nói.

Những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị một lần nữa nhấn mạnh: Với Nghị quyết 06–NQ/TW, lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng cho biết: Để Nghị quyết 06–NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 06–NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện địa với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng cho biết: Chương trình hành động 148 thống nhất và tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.

Về mục tiêu, Chương trình hành động 148 xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về Hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Một số chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950 - 1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000 - 1.200 đô thị năm 2030.

Đến năm 2025, 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2030.

Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32m2 năm 2030. Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, Chương trình hành động 148 đã cụ thể hóa bằng 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TW

5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Thứ nhất, thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Thứ ba, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ tư, xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành. Thứ năm, xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Chương trình hành động 148 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan đầu mối

Bộ trưởng cũng cho biết: Về tổ chức thực hiện, các Bộ ngành Trung ương và địa phương được yêu cầu nghiên cứu, quán triệt, tâp trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động 148.

Theo đó, Bộ Xây dựng được giao là cơ quan đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tổng hợp, đề xuất, xây dựng Chương trình hành động quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương điều phối, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 06–NQ/TW tại các tỉnh thành phố; Chủ trì hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình hành động, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng tổng mức và cân đối vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước; Xây dựng định hướng thu hút và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi; Hướng dẫn các cơ quan chủ quản xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên vận động ODA, vốn vay ưu đãi, ưu tiến bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện mục tiêu Chương trình; chỉ đạo tổ chức định kỳ điều tra, thống kê quốc gia việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể được yêu cầu tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ tin tưởng: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và với quyết tâm triển khai thực hiện của các Bộ ngành Trung ương, các chính quyền địa phương, đô thị Việt Nam sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đáp ứng yêu cầu bền vững trong giai đoạn tới, xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng của đô thị.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, đại phương đã phát biểu tham luận nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 148/NQ – CP của Chính phủ…


Toàn cảnh Hội nghị.

Quý AnhThanh Huyền

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: