Phát hiện mới từ tháp cổ Bình Lâm

Thứ sáu, 07 Tháng 11 2008 10:43 Lao Động
In
Kết quả khai quật chân tháp Bình Lâm (Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định) do Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học (Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) và Ban quản lý di tích Bình Định công bố mới đây cho thấy, di tích còn sót lại của thành Thị Nại là một hiện tượng độc đáo trong hệ thống 14 cụm tháp Chăm Bình Định.


Tháp Bình Lâm.

Đợt khai quật đã "thu hoạch" được nhiều hơn là đặc điểm, "số đo" kiến trúc nhằm phục vụ cho một đồ án trùng tu sau này, như mục tiêu ban đầu.

Đã có một khối lượng lớn các di vật được phát hiện gồm  hiện vật đá, đất nung, gốm, sứ... 91 mảnh tượng đá vùi lấp ở độ sâu từ 1,2m đến 1,5m trước tháp được xác định là chi tiết vỡ ra từ tượng tròn, phù điêu, tượng rắn Naga, đều có niên đại khoảng thế kỷ X - XI.

Ở mặt trước và hai bên sảnh vòm cửa chính của tháp, các nhà nghiên cứu tìm thấy 127 tai đá lửa khá đa dạng về chất liệu, môtíp hoa văn, hợp thành bộ sưu tập có niên đại trải dài từ thế kỷ XI - XII, qua giai đoạn chuyển tiếp (cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII) đến giai đoạn muộn (thế kỷ XIII - XIV).
Tư liệu trên, theo TS Bùi Chí Hoàng, cho thấy Bình Lâm từng được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử tồn tại của mình; là sự kế thừa, thâu góp thành quả của nhiều giai đoạn phát triển. Đây là khác biệt thú vị so với kết quả khai quật khảo cổ ở cụm tháp Dương Long, hoặc Cánh Tiên, Bánh ẹt trước đó - nơi loại hình tai lửa khá thuần nhất về vật liệu, chủng loại, kiểu dáng.

Một bất ngờ khác đến từ hố thám sát số 2. Đó là các mảnh đầu ngói ống trang trí hoa sen 8 cánh, ngói mặt hề, ngói lá in dập hoa văn hình ô vuông. Việc phát hiện nhóm vật liệu kiến trúc có niên đại rất sớm (thế kỷ I - III, tương đương với triều đại Hán), nói như nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, đã bù đắp một quãng "đứt gãy" lớn trong nỗ lực tìm hiểu sự tồn tại của các tiểu quốc lân cận xưa kia.

"Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, đầu ngói ống Trung Quốc từng thấy ở Trà Kiệu, Cổ Luỹ, Thành Hồ, nhưng với Bình Định thì phải đợi đến đợt khai quật Bình Lâm lần này, dấu tích ấy mới được xác nhận. Điều đó phản ánh mối liên hệ chặt chẽ của các nền văn minh xưa, phản ánh đặc điểm nổi trội của các tiểu quốc trong xu thế giao thương hướng biển".
So với các cụm tháp còn lại ở Bình Định, Bình Lâm còn độc đáo ở vị trí tọa lạc. Thay vì xây trên đồi cao, Bình Lâm được đặt ở một gò đất bồi rộng, gắn với quần thể kiến trúc có quy mô lớn hơn, phân bổ cạnh các nhánh sông đổ ra cửa biển. Bình Lâm là một bộ phận không tách rời với thương cảng Thị Nại, với thành Thị Nại cổ.

TS Bùi Chí Hoàng nhận xét: "Bình Lâm được xây dựng trên một cơ tầng đã phát triển đến đỉnh cao của cộng đồng cư dân Champa xưa và có thể đã phát triển đột biến khi Champa rời Amaravati tiến dần về phía nam. Khu vực này được xây dựng từ rất sớm với những công trình bằng gỗ như đã từng xuất hiện ở Trà Kiệu và cả Mỹ Sơn vào thế kỷ III - IV sau công nguyên".

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: