Phát triển giao thông thủ đô: Cần trên 1 triệu tỉ đồng

Thứ bảy, 14 Tháng 7 2012 14:43 Lao Động
In

Ngày 13/7, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, để thực hiện quy hoạch đồ án giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 - tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ phải đầu tư số tiền khổng lồ lên tới 1.145.043,9 tỉ đồng.

Đại lộ Thăng Long sẽ là cao tốc đô thị

Theo đồ án, Hà Nội sẽ hình thành hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến, đồng thời xây 5 cầu đường sắt đô thị qua sông Hồng gồm: Cầu Long Biên mới (tuyến số 1), cầu Nhật Tân (tuyến số 2), cầu Vĩnh Tuy (tuyến số 4), cầu Thượng Cát (tuyến số 7), cầu Lĩnh Nam (tuyến số 8). TP cũng quy hoạch 9 tuyến xe buýt nhanh có độ dài từ 14,3 - 53,2km.

Các đường cao tốc được quy hoạch 9 tuyến đường với 6-8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn. Đại lộ Thăng Long và Pháp Vân - Cầu Giẽ được quy hoạch là cao tốc đô thị. Sẽ cải tạo, mở rộng 9 tuyến quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng mới đường vành đai 4; xây dựng đường vành đai 5.

Ngoài ra, sẽ xây 4 trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 85km, rộng 40 - 60m, cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới. Xây 27 trục đường tỉnh, đường liên huyện có tính chất quan trọng, với tổng chiều dài 554km theo quy mô đường cấp III và cấp II đồng bằng, trên cơ sở các đường tỉnh theo quy hoạch và bổ sung các trục mới gồm: Đường trục phát triển kinh tế bắc - nam, đường trục phát triển kinh tế phía nam, trục Đỗ Xá - Quan Sơn, đường trục Miếu Môn - Hương Sơn...

TP sẽ cải tạo và có mới 150 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với các đường ngang với số lượng nút cho mỗi khu vực.

Theo quy hoạch, sẽ có 16 công trình đường bộ vượt sông Hồng, trong đó có 4 cầu đã xây dựng, 2 cầu đang triển khai (cầu  Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh); cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu đô thị; xây mới 10 cầu, xây 4 cầu qua sông Đuống.

Giảm 40% thời gian ùn tắc

Liên quan đến quy hoạch hạ tầng đường sắt, đường sắt đô thị và xe buýt nhanh, TP dự kiến quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực TP.Hà Nội sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi song song với đường sắt Thống Nhất hiện tại, có xem xét tránh KĐT vệ tinh Phú Xuyên và kết thúc sau khi đi qua địa phận huyện Phú Xuyên.

Theo chương trình này, Hà Nội phấn đấu giải quyết được ít nhất 27 điểm ùn tắc; giảm 40% thời gian ùn tắc tại 62 điểm còn lại; không để phát sinh điểm ùn tắc mới và dựng 8 cầu vượt bằng thép tại những nút giao quá tải.

Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho cả 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay) lên tới con số khổng lồ: 1.145.043,9 tỉ đồng (trong đó giai đoạn 2013-2015 là 171.261,27 tỉ đồng; giai đoạn 2015-2020 là 473.328,57 tỉ đồng). Nguồn vốn thực hiện quy hoạch sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn như: Vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại...

Để thực hiện thành công chương trình này, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức xã hội hóa, BT, PPP và BOT, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, xây dựng các chính sách về giá vé, giá cung cấp dịch vụ đỗ xe thay cho phí trông giữ như hiện nay, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới giao thông tĩnh của TP.

Ngoài ra, TP sẽ đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, nhằm tăng thêm thẩm quyền xử lý của lực lượng thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng và cảnh sát giao thông trong chế tài xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Tăng mức xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, đặc biệt là các hành vi tái phạm, hành vi trực tiếp gây ùn tắc để nâng cao hiệu quả răn đe, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông...

Thu Huyền


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: