Chính phủ nói về “tính đúng đắn” của mở rộng Hà Nội

Thứ hai, 02 Tháng 12 2013 15:39 VnEconomy
In

Thực tế phát triển của thành phố Hà Nội trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của quyết định về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô của Quốc hội, Chính phủ đánh giá tại báo cáo giải trình, bổ sung về quá trình và kết quả điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.  

Cuối tháng 10 vừa qua, tại báo cáo lần đầu về nội dung này, Chính phủ cũng đã có khẳng định tương tự như trên. Song theo cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - thì không những chưa thực sự được hưởng đầy đủ những giá trị thiết yếu cho cuộc sống, mà người Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Ủy ban này cũng đề nghị báo cáo bổ sung về diễn biến tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn hạn chế và bức tranh tổng thể về Hà Nội sau 5 năm được điều chỉnh địa giới hành chính, về những tác động đến bản sắc văn hóa riêng của từng vùng, sự giao thoa văn hoá xứ Đoài với văn hoá Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Tâm tư, tình cảm, đời sống của nhân dân, những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là nhân dân ở những xã của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được điều chỉnh về Hà Nội... 

Báo cáo bổ sung những nội dung này, Chính phủ cho hay, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2008 - 2012 của Thủ đô đạt 9,51%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2012, GDP bình quân đầu người tăng 1,33 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 1,86 lần, thu ngân sách tăng 2 lần so với năm đầu tiên mở rộng.

Cũng lấy mốc năm 2012, với dân số chiếm 7,84% của cả nước, Hà Nội đã đóng góp 10,6% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp, 19,73% thu ngân sách, và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.

"Thủ đô tiếp tục giữ vị trí là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia", Chính phủ nhìn nhận.

Về bản sắc văn hóa, báo cáo của Chính phủ cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô không những không làm suy giảm, mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng vùng mà ngược lại, sự giao thoa văn hóa xứ Đoài với văn hóa Thăng Long càng có điều kiện để làm tốt hơn công tác tôn tạo, bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa hóa, nghệ thuật đặc sắc của mỗi vùng thủ đô.

Chính phủ cũng khẳng định, 5 năm qua, đại đa số người dân Thủ đô, đặc biệt là nhân dân các huyện, xã thuộc tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và các xã của tỉnh Hòa Bình được hợp nhất về Hà Nội đều rất phấn khởi. Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới mang lại đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ngày càng cao so với trước khi hợp nhất. 

Bên cạnh những nội dung có tính khái quát, một số vấn đề cụ thể được Ủy ban Pháp luật đề nghị cũng được Chính phủ thông tin rõ hơn.

Liên quan đến băn khoăn về số xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, thừa nhận đây là thực tế nhưng Chính phủ phân trần rằng, 5 năm qua các huyện, xã thuộc khu vực nông thôn trước khi hợp nhất cũng có nhiều thay đổi theo hướng văn minh hiện đại. Nhiều xã đã đô thị hóa đạt các tiêu chuẩn của phường, một số huyện đã đạt nhiều tiêu chí đô thị của quận.

Với sắp xếp bố trí bộ máy cán bộ, trong khi cơ quan thẩm tra còn băn khoăn thì Chính phủ khẳng định đây là một trong những kết quả nổi bật, được triển khai nhanh gọn, bảo đảm sự đoàn kết. Một ví dụ điển hình là khi mới hợp nhất Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 13 phó giám đốc, nay chỉ còn 6 phó giám đốc. 

Còn biên chế hành chính của thành phố trong 5 năm qua tăng thêm 1.500 người, theo báo cáo, chủ yếu là do phải tăng số cán bộ, công chức làm công tác quản lý đô thị ở các khu vực ngoại thành đã đô thị hóa. "Việc tăng này là cần thiết và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", Chính phủ khẳng định./. 

Nguyễn Lê 

Từ Liêm đã chọn được tên cho hai quận mới  

“Trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập hai quận và 23 phường đã xác định tên hai quận là Bắc Từ Liêm và “Nam Từ Liêm”.

Thông tin được Bí thư huyện uỷ Từ Liêm Lê Văn Thư đưa ra trong bức thư gửi cán bộ, nhân dân huyện Từ Liêm cuối tuần qua xung quanh việc chia tách huyện này thành hai quận mới.

Theo lãnh đạo Từ Liêm, việc địa phương này lựa chọn tên cho hai quận mới nói trên để trình lên thành phố và Chính phủ phê duyệt là nhằm “tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước,...”.

Cùng với việc lựa chọn, đề xuất hai tên cho hai quận mới, huyện cũng đã xác định tên các phường mới đều được gắn với tên truyền thống của các xã, thị trấn hiện nay.

Trong bức thư, lãnh đạo huyện Từ Liêm cũng cho biết, từ năm 2006, huyện Từ Liêm đã tiến hành xây dựng đề án tách huyện Từ Liêm thành hai đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, năm 2008 Thủ đô Hà Nội tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính và tiếp theo cả nước chuẩn bị cho việc đón chào sự kiện lịch sử “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” nên đề án tách huyện Từ Liêm để thành lập hai đơn vị hành chính mới tạm ngừng triển khai. Đến năm 2011, việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm để thành lập quận mới, các phường mới tiếp tục được triển khai.

Theo đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, quận Bắc Từ Liêm là phần đất ở phía bắc huyện, bao gồm diện tích của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ. Quận sẽ có quy mô dân số là 319.818 người, với diện tịch 4.335,34ha, mật độ dân số khoảng 7.377 người/km2.

Còn quận Nam Từ Liêm sẽ bao gồm toàn bộ phía nam huyện Từ Liêm với các xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, phần lớn diện tích xã Xuân Phương, một phần thị trấn Cầu Diễn. Quy mô dân số là 233.490 người, diện tích 3.227,36ha, mật độ dân số khoảng 7.234 người/km2.

Ngày 26/11 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành hai quận và 23 phường mới. Với quy mô dân số khá lớn, đạt trên 550.000 người, theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, huyện Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm của Thủ đô. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều công trình quan trọng của quốc gia, nhiều chuỗi đô thị và khu đô thị lớn.

Dự kiến tên gọi chính thức của hai quận mới sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8, khoá 14 khai mạc vào sáng nay (2/12), trước khi trình Chính phủ thông qua. 

Từ Nguyên 

(VnEconomy) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: