Có một "Thiên đường" ở Quảng Bình

Chủ nhật, 06 Tháng 10 2013 08:49 TBKTSG Online
In

Quảng Bình được biết đến với động Phong Nha nằm trong hệ thống Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003. Cùng thuộc hệ thống Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn có động Thiên Đường, một kỳ quan thiên nhiên mới được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2011, cũng có một vẻ đẹp quyến rũ không kém.  


Động Thiên Đường. 


Cảnh núi non trên đường từ động Phong Nha sang động Thiên Đường rất thuận tiện. 

Nếu động Phong Nha là một động nước, nghĩa là khách chỉ cần ngồi trên thuyền và người chèo đò sẽ đưa bạn vào đến tận hang tham quan, thì động Thiên Đường là hang động khô trên núi và đường đến với hang cũng vất vả hơn.Khởi hành từ Huế từ lúc 7 giờ sáng nhưng đến tận 12 giờ trưa khi mặt trời đã lên cao, chúng tôi mới vào khuôn viên của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. 

Sau khi dừng chân dùng cơm trưa xong, đoàn chúng tôi chia thành hai nhóm: Một nhóm sẽ tham quan động Phong Nha và nhóm còn lại sẽ đến động Thiên Đường. Vì lý do địa lý nên nếu du khách muốn tham quan cả hai động Phong Nha và Thiên Đường thì phải mất hai ngày, còn nếu đi trong ngày rồi về thì chỉ có thể tham quan một trong hai động mà thôi. 

Với những ai tham quan động Phong Nha thì chỉ cần bước vài bước từ nhà hàng ăn là đến ngay bến thuyền đi sông Son đến với động Phong Nha. Còn nhóm tham quan động Thiên Đường phải lên xe tiếp tục vượt đoạn đường 30 cây số nữa mới đến được động Thiên Đường.

Con đường vào động Thiên Đường khá đẹp với những dãy núi trùng trùng điệp điệp, những cánh rừng già xanh ngát rồi đến những cánh đồng đang đến mùa gieo mạ. Thi thoảng bắt gặp những dòng suối nhỏ róc rách chảy quanh những kẽ núi hệt như một bức tranh thủy mạc. Vì con đường vào hang động được nâng cấp phục vụ cho du lịch nên xe chạy bon bon chừng khoảng nửa tiếng là đến nơi. 


Lối lên dốc vào cửa hang 


Lối đi bên trong động được làm bằng gỗ táu 

Khi vào đến khu vực động Thiên Đường, có hai cách để di chuyển vào động. Một là đi xe điện trên đoạn đường 1,5 km với chi phí hai lượt đi và về dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng rồi leo bộ lên núi khoảng 500 mét. Hai là nếu ai muốn thử sức dẻo dai và tiết kiệm hơn thì có thể đi bộ với tổng chiều dài là 2 km. 

Chiếc xe điện ở đây giống như kiểu xe ở các sân golf, trung chuyển du khách từ bãi đậu xe vào tận cửa hang động. Hai bên đường cây cối xanh um, mát rượi, lại còn nghe tiếng chim hót, tiếng ve kêu thật vui tai. Đi hết quãng đường một cây số rưỡi, xe dừng lại để chúng tôi tiếp tục cuốc bộ leo núi. Thầm nghĩ trong đầu, đi bộ có 500 mét thì sá gì mệt nhọc nên vì thế mà hăng hái lắm. Thế mà càng vào sâu, dốc càng cao nên đi chừng một đoạn đã bắt đầu thấy mỏi chân. Tuy vậy, không khí lên cao thật trong lành, mát dịu, và đường lên núi được xây dựng lại rất dễ dàng, thuận tiện cho du khách đến khám phá, cộng thêm tiếng hát của muôn loài chim, ve nên du khách được động viên để không bỏ cuộc giữa chừng, gắng sức mà đi tiếp. 

Sơn, hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi, vừa leo núi vừa kể câu chuyện về quá trình tìm ra động Thiên Đường. Vào năm 2005, trong một lần tình cờ lên núi làm rẫy, ông Hồ Khanh, một người dân địa phương đã thấy một luồng hơi mát thổi ra. Lần đi theo luồng hơi đó, ông Khanh đã tìm thấy một cái hang với miệng hang hẹp. Ông cố gắng lách người vào trong và càng đi sâu vào bên trong, ông Khanh thấy cả một vùng rộng lớn với rất nhiều những khối thạch nhũ to, đủ hình dạng kích thước. 

Thông tin này được các nhà thám hiểm, khảo cổ trong và ngoài nước quan tâm và không lâu sau đó, một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đã đến và khám phá hang động. Họ đã đánh giá đây là hang động khô dài nhất châu Á với những măng đá, nhũ đá ở đây mang vẻ đẹp kỳ ảo, lạ lùng. Và cũng chính vì lẽ đó mà cái tên Thiên Đường được đặt cho hệ thống hang động này.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã đến cửa hang Thiên Đường. Miệng hang nhỏ chỉ đủ cho từng người một lần lượt bước xuống. Càng đi vào trong, vòm hang càng rộng ra và dần dần hiện lên những tác phẩm vĩ đại của tạo hóa lung linh đầy hình dạng màu sắc dưới ánh đèn và tỏa ra hơi nước mát lạnh. 


Quần Tiên hội tụ 


Cổ Tháp 


Thác Thiên Hà  

Những khối thạch nhũ và măng đá ở động Thiên Đường được đặt với những cái tên nào là Thạch Thiên Cung, Cổ Tháp, Thác Thiên Hà, Quần Tiên hội tụ, Tháp Liên hoa, Đèn chùm, Nhà rông, Trụ trời, Tháp chỉ thiên… Trước mắt chúng tôi là những khối đá có hình thác nước từ trên trời đổ xuống, hình các tiên ông đang hội tụ, hay hình chú voi ma mút to lớn, rồi Cung Giao trì là nơi ngọc hoàng thiết triều, hình ảnh của ba vị Phúc Lộc Thọ, cho đến nhà rông của đồng bào Tây nguyên, hay hình ảnh của một chú cá voi từ dưới biển sâu đang nhào lộn… Những hình thù kỳ lạ của thạch nhũ sẽ làm thỏa mãn trí tưởng tượng của du khách. 

Cùng với vẻ đẹp của tạo hóa, nhiệt độ trong động Thiên Đường chỉ dao động chỉ 20-21 độ C khiến bao mệt mỏi của đoạn đường lúc nãy bỗng dưng tan biến đâu hết. Chúng tôi nói đùa với nhau rằng, để đến được Thiên Đường người ta cần phải trải qua nhiều ải cực khổ. 

Động Thiên Đường có chiều dài chừng 31 km nhưng hiện đưa vào khai thác phục vụ cho du lịch chỉ khoảng 1 km với hệ thống cầu thang bằng gỗ táu. Anh Sơn nói với chúng tôi rằng nếu ai có nhu cầu khám phá thêm vẻ đẹp kỳ ảo của tạo hóa ở động Thiên Đường này thì hướng dẫn viên của động sẽ tổ chức tour theo yêu cầu của nhóm. Song dạng tour này không phổ biến lắm vì đường vào sâu trong hang sẽ vất vả và khó khăn hơn nhiều.

Động Thiên Đàng nằm ẩn mình sâu trong lòng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thuộc địa hình cattơ cổ, có niên đại hình thành vào khoảng 350 đến 400 triệu năm trước. Vị trí động Thiên Đường nằm ở Km 16 cách rìa nhánh Tây đường Hồ Chí Minh gần 4 km thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 70km về hướng Tây Bắc. Cách động Phong Nha chừng 30 km, đường đi rất thuận tiện. 

Tường Vi 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: