Những bảo vật ngàn năm ở Nara (Nhật Bản)

Chủ nhật, 22 Tháng 12 2013 20:21 DNSG Cuối tuần
In

Là một thành phố có chưa đến nửa triệu dân nhưng cố đô Nara lưu giữ cả kho tàng vô giá về kiến trúc, mỹ thuật của Nhật Bản. Từ năm 784 trở về trước, thành phố này nổi tiếng là đẹp nhất xứ sở Mặt trời mọc, lịch sử gọi thời đó là thời kỳ Nara.

Kỳ vĩ đền Todaiji

Vừa đặt chân đến xứ sở hoa anh đào, chúng tôi được những người bạn Nhật giới thiệu ngay một cách trân trọng về đền Todaiji, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và gọi là “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara”.


Một góc quần thể đền Todaiji

Todaiji trong tiếng Nhật mang nghĩa “Đền lớn phía Đông”. Đền tọa lạc ngay trên nền kinh đô cũ Heijo-kyo vào thời Nara, vì vậy cũng được gọi là kinh đô Nara. Heijo-kyo được mô phỏng theo kiến trúc kinh đô Trường An nhà Đường và thành Lạc Dương nhà Bắc Ngụy – Trung Quốc, làm thành một sản phẩm phát triển độc đáo riêng của Nhật Bản.

Đặc biệt đây là trạm cuối cùng của con đường tơ lụa, nên Heijo-kyo sớm trở thành một thành thị quốc tế sầm uất. Vì lẽ đó mà ở vùng này không chỉ có người Nhật Bản mà còn có nhiều người ngoại quốc từ những nơi xa xôi di cư đến như Trung Quốc, Triều Tiên…

Đền Todaiji xây dựng vào năm 743 – giai đoạn mà nước Nhật phải hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên nhiên và các bệnh dịch hạch. Do vậy hoàng đế Shomu, vốn là người sùng đạo, đã ban hành đạo luật thành lập một hệ thống đền thờ Phật trên khắp Nhật Bản.

Ông tin rằng, lòng thành kính của mình có thể tác động tới Phật tổ và đức Phật có thể rộng tay cứu giúp dân thoát khỏi bể khổ. Trong đó Todaiji là ngôi đền cổ nhất của Nhật và hiện được xem là ngôi đền gỗ hoành tráng nhất thế giới.


Đại Phật điện

Đền Todaiji rộng 50m, dài 57m, cao 48m; sở hữu một pho tượng Phật vô giá bằng đồng lớn nhất thế giới mang tên Vairocana. Tượng đại Phật có chiều cao 14,98m, nặng 550 tấn.

Theo truyền thuyết, đã có đến 420.000 người cúng tiền và 2.180.000 người tham gia xây dựng đền. Dù Todaiji có kích thước đồ sộ nhưng người ta vẫn cho rằng đại Phật điện vẫn chưa đủ rộng để chứa pho tượng. Khách tham quan phải rất chật vật khi tìm khoảng rộng để ngắm nhìn được toàn bộ pho tượng.

Ngoài đại Phật điện, quần thể Todaiji còn có hai ngôi tháp bảy tầng, một giảng viện và khu tịnh xá và hàng loạt công trình lịch sử, trong đó có kho báu Hoàng gia – nơi chứa các báu vật của hoàng đế Shomu.

Sau nhiều lần đại tu, đền hiện nay tuy chỉ còn bằng hai phần ba so với nguyên thủy nhưng vẫn gây ấn tượng choáng ngợp bởi kích thước đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc chạm khắc tinh vi và hàng trăm hiện vật quý hiếm.


Cổng vào đền

Rất khó để lý giải về sự sùng kính đối với Todaiji của những người bạn Nhật khi đưa chúng tôi đến đây. Không phải kiểu cách của những tín đồ, mà là sự tự hào về di sản dân tộc thì đúng hơn.

Anh Suga Hiroaki, người dẫn đoàn cho hay Nhật Bản đồng thời tồn tại các phong tục tập quán có nguồn gốc và theo những phong cách tôn giáo khác nhau. Vào năm mới họ đến lễ ở các đền, hoặc đi thăm các chùa chiền của đạo Phật vào mùa xuân; nhưng lại tổ chức tiệc tùng và tặng quà nhau vào dịp lễ Noel theo cách của đạo Thiên Chúa.

Các đám cưới thường được tổ chức theo nghi lễ của Thần đạo hoặc đạo Thiên Chúa, nhưng thủ tục ma chay lại tiến hành theo nghi lễ của đạo Phật. Có những người một lúc theo hai hoặc ba đạo.

Todaiji có những chi tiết nhỏ nhưng rất đáng để lưu ý. Chẳng hạn, người ta đặt bể nước suối trong chảy từ nguồn ra để rửa sạch tay trước khi vào đại diện lễ Phật.

Nhang đặt trước cổng vào đại diện rất ngắn, ít khói và ai cũng tự giác chỉ đốt một cây. Không khí đông đúc nhưng tuyệt nhiên thanh tịnh và yên bình.


Nara ngày nay

Những vẻ đẹp chỉ có ở xứ Phù Tang

Hằng năm, tại đền Todaiji đều diễn ra lễ hội truyền thống Omizu-Tori. Khi đó, các vị sư sẽ thắp sáng một ngọn đuốc lớn khoảng 60 ký lô làm bằng lá cây tùng rất thơm và kéo nhanh nó dọc theo hành lang cao của ngôi đền. Những tia lửa sáng rực bắn xuống bên dưới tạo thành một hình ảnh vô cùng đẹp mắt và ấn tượng.

Theo truyền thống, mục đích của nghi lễ này là để cầu mong sức khỏe, hòa bình và hạnh phúc. Đặc biệt, nếu ai nhặt được những lá tùng chưa cháy hết sẽ may mắn suốt năm. Lễ hội tổ chức lần đầu tiên vào năm 751, diễn ra hằng năm từ ngày mùng 1 đến ngày 14 tháng Ba và được xem là lễ hội của Phật giáo lâu đời nhất tại Nhật.

Trong số những sự kiện khác nhau được tổ chức trong dịp lễ hội này thì lễ Otaimatsu hoành tráng nhất. Otaimatsu diễn ra mỗi buổi tối sau hoàng hôn. Những ngọn đuốc khổng lồ có chiều dài từ 6m đến 8m sẽ được mang lên ban công của sảnh và treo trên đầu đám đông.

Các đóm than hồng cháy và rơi xuống được cho là đem lại một năm bình an cho mọi người. Do đó, đây là thời điểm đền Todaiji thu hút một lượng khách khá lớn đến cầu xin sự may mắn.

Vào ngày 14, tức là ngày cuối cùng của lễ hội Omizu-Tori, buổi lễ chỉ kéo dài trong khoảng năm phút nhưng 10 ngọn đuốc đều được mang lên ban công cùng lúc, khi đốt cháy tạo nên một cảnh tượng đặc biệt hoành tráng; nhìn xa như một khối pháo hoa khổng lồ.


Nơi rửa tay trước khi vào lễ Phật


Tượng Phật khổng lồ

Bên cạnh những đền chùa đồ sộ, công viên Nara cũng là điểm đến hấp dẫn của cố đô. Cảnh sắc ở đây tuyệt đẹp và thanh bình, có thể gọi là đỉnh cao của nghệ thuật vườn Nhật Bản. Công viên rộng thênh thang nên muốn khám phá cho hết, du khách thường phải nhờ đến xe kéo.

Điều thú vị là hầu hết những người kéo xe đều rất trẻ và có cả nam lẫn nữ. Những thiếu nữ kéo xe trong trang phục cổ cùng đôi giày đế mang hình móng nai, trông vừa đáng yêu vừa ngộ nghĩnh. Họ cũng chính là những hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu cho du khách về lịch sử thành phố quý phái này.

Ngoài cây xanh, hoa tươi muôn màu, hồ nước long lanh, công viên Nara còn nổi tiếng bởi có rất nhiều nai sinh sống tự nhiên ở đây. Theo truyền thuyết Thần đạo, nai là hiện thân của những vị sứ giả trên trời nên được người Nhật yêu quý và chăm sóc kỹ lưỡng.

Có lẽ vì thế mà những chú nai ở Nara khá dạn dĩ. Nếu trong túi xách của du khách có thức ăn chúng sẽ chẳng ngại gì mà không xán đến ngửi và xin xỏ. Để dành cho những ai thích giao lưu với loài động vật đáng yêu này, công viên có bán những túi bánh quy được làm hợp với khẩu vị của nai. Bảo đảm chỉ cho chúng ăn vài cái thôi là du khách tha hồ chụp hình và vuốt ve bộ lông mịn như tơ của chúng.


Một bức tượng cổ


Đàn nai trong công viên

Những ngày cuối tháng 11, thời tiết xuống 6-7 độ nhưng trời nắng vàng rực làm cảnh cố đô đẹp như một bức tranh cổ. Từng bầy nai được thả rong đi thơ thẩn quanh khu vực đền chùa, dưới những tán lá vàng xen với mùa lá đỏ làm ngất ngây lòng người đến chiêm bái.

Minh Tuệ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: