Tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư xưa

Chủ nhật, 16 Tháng 2 2014 21:29 SGTT
In

Dòng nước trong veo màu ngọc bích được đổ từ trên núi cao cứ len lỏi qua những khối đá được điêu khắc hình ảnh về sự kính lễ của nhà vua đối với các vị thần. Trong thời cổ đại, dòng nước chính là nữ thần Anahita bảo hộ cho người Ba Tư. Vào ngày giao thừa, các vị vua lên đỉnh núi cao đốt lửa để tế thần lửa Ahura Mazda trong sự giao hòa của trời và đất. 

Tôi men theo dòng suối chảy róc rách nằm dọc theo con đường nhựa nhỏ ở thành phố Kermanshah – Iran để đến ngôi đền Tagh e Bostan. Ở những khúc gập ghềnh, dòng nước đổ dồn tung bọt trắng xoá và tạo những âm thanh vui nhộn.  


Ngọn núi Zagros linh thiêng – di sản văn hoá được công nhận bởi UNESCO. 

Ngọn núi linh thiêng 

Với những người Ba Tư cổ, nước và lửa là hai yếu tố quan trọng trong cuộc sống bởi bao quanh quốc gia là sa mạc rộng lớn chỉ có cát vàng. Trong thời cổ đại, họ chỉ tâm linh và thờ hai vị thần duy nhất: nữ thần nước Anahita và thần lửa Ahura Mazda. Những người Ba Tư cổ thường chọn những ngọn núi có nguồn nước trong veo từ đỉnh đổ xuống mới tiến hành lập đền thờ bởi kính trọng sự trong trắng của nữ thần Anahita. 

Tôi say mê ngắm nhìn những nét sống động và tuyệt đẹp được điêu khắc trên khối đá của ngọn núi. Theo những gì tôi tìm hiểu, không chỉ là nơi tôn thờ thần lửa và thần nước, các vị vua Ba Tư còn điêu khắc những cảnh sinh hoạt thường nhật tại ngọn núi này như dàn cung nữ chơi nhạc với cây đàn Chang truyền thống và những hình ảnh săn bắn của nhà vua. Một vài bức tranh đá đã nhạt nhoà nét điêu khắc theo vết lăn trầm của thời gian.

Những nét điêu khắc theo trường phái nghệ thuật Sassanid vào ngọn núi Zagros đã có hơn 1.700 tuổi đời nằm cạnh ngay trạm dừng chân của con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa. Các vị vua Ba Tư đều muốn đoàn người ngựa đi ngang qua hiểu biết thêm văn hoá tâm linh, cũng như những trang sử vàng chói lọi của các triều đại Ba Tư trên những vó ngựa kiêu hùng ở ba lục địa Á – Âu – Phi.

Bức tranh thứ nhất được điêu khắc bởi vua Adrashir II diễn tả thần nước và thần lửa là hai vị thần duy nhất trong văn hoá tâm linh của người Ba Tư. Hai tượng nằm trong hang động nhỏ là tượng của vua Shapur II và Shapur III. Hình ảnh vua Khosrau II trên vó ngựa kiêu hùng nằm trong hang động lớn kế bên. Phía trên tượng vua Khosrau II vẫn là thần lửa và thần nước. Bên trái hang động lớn là hình ảnh sinh hoạt trong ngày tết cổ truyền với ba màu cơ bản được sơn phết trên ba vị thần khác: màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, màu trắng tượng trưng giàu có và màu xanh tượng trưng cho may mắn.

Dòng suối trong veo đổ từ núi cao cứ len lỏi qua những khối đá như nữ thần Anahita âm thầm từng bảo hộ cho thành phố. Ngọn núi Zagros biến thiên sắc màu theo ánh sáng mặt trời làm những nét điêu khắc vô cùng sống động theo những thời khắc khác nhau. Một vài người địa phương chỉ cho tôi những bậc thang nằm ẩn phía sau ngôi đền. Vào ngày giao thừa, các vị vua theo các bậc thang lên đỉnh núi cao đốt lửa để tế thần lửa Ahura Mazda trong sự giao hoà của trời và đất.


Món Kebab - món ăn ưa thích của người Iran, đặc biệt với thịt cừu dê.

Ngày tết cổ truyền

Tôi ghé ngang quán nhỏ ven đường nằm đối diện với ngôi đền Tagh e Bostan gọi món thịt cừu kebab, một trong những món ăn yêu thích của người Iran. Tôi có chút ngạc nhiên khi nhìn mọi người nô nức chuẩn bị những đống củi to trước nhà của mình. Thì ra, hai ngày nữa là tết cổ truyền của người Iran.

Thú vị hơn tôi phát hiện ông chủ quán Afshin là một trong những người hiếm hoi ở Iran không theo Hồi giáo mà chỉ thờ thần nước và thần lửa theo tâm linh người Ba Tư cổ. Theo chân ông, tôi vào nhà và xem bàn thờ tổ tiên được ông chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền. Chỉ một bát nước với chiếc bình tạo lửa đặt đan xen giữa những hòn đá nhỏ xung quanh.

Nowruz là ngày tết cổ truyền của người Iran theo lịch cổ của người Ba Tư. Theo ngôn ngữ Ba Tư, “now” có nghĩa là “ngày” và “ruz” có nghĩa là “mới”. Nó thường rơi vào ngày 21.3 hàng năm. Từng là vùng đất của đế chế Ba Tư, nên không chỉ là ngày tết cổ truyền của người Iran, Nowruz còn trở thành ngày tết cổ truyền của các quốc gia Trung và Tây Á. Nowruz thường kéo dài đến 13 ngày.

Ngày Nowruz rơi vào ngày nào trong tháng sẽ được thông báo bằng một bài hát bởi một ca sĩ đường phố (Hajji Firuz), đó là một người đàn ông trong bộ trang phục đỏ và khuôn mặt bôi màu đen với chiếc trống to đeo trước bụng. Vào ngày thứ tư (Wednesday) cuối cùng trước ngày Nowruz, nhà nhà đều đốt lửa để chào năm mới. Mọi người đều nhảy ngang qua đống lửa nhằm xua đi nỗi sợ hãi và bệnh tật. Những đứa trẻ lại hóa trang thành những người cổ xưa, gõ cửa từng nhà hàng xóm xin bánh kẹo. 


Điêu khắc trên núi đá diễn tả vua Adrashir II kính lễ thần nước và thần Lửa. 

Tôi say sưa nghe ông Afshin kể chuyện về ngày tết cổ truyền mà quên mất món cừu kebab hấp dẫn đang đợi. Ông cũng chỉ cho tôi biết những chậu nhỏ lúa mì, lúa mạch hay đậu lăng được trồng quanh nhà là để chuẩn bị dĩa thức ăn truyền thống (Haft Sin) đặt trong nhà bếp trong ngày Nowruz. 

Cũng giống như mọi người, ông thích gọi quốc gia mình là Ba Tư hơn Iran. Tiếng đàn Se – Ta trong tay lại vang và ông Afshin cao giọng hát. Tôi trôi dạt và miên man trong tiếng hát cao vút đó. Trong âm thanh đó không chỉ có những cánh hoa tulip dại (quốc hoa Iran) nở tràn ngập theo con đường tơ lụa khi mùa xuân về, nơi đó còn có tiếng nước reo và lửa cháy trong cái nắng gió của sa mạc… 

Bài, ảnh: Nguyễn Chí Linh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: