Có một miền văn hoá – du lịch Crimea

Chủ nhật, 23 Tháng 3 2014 15:12 Báo Văn hóa, VTV
In

Có một lịch sử lâu dài về những cuộc chinh phục lãnh thổ, bán đảo Crimea luôn là một điểm giao thoa văn hóa và cũng là một điểm du lịch nổi tiếng.

Được biết đến là nước cộng hòa tự trị Crimea, bán đảo có phong cảnh đẹp như tranh này là một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine. Nó nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch.

Là vùng đất có nền văn hóa - lịch sử phong phú cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bán đảo Crimea là nơi tập trung nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Trong đó có thể kể đến pháo đài Genoese ở Sudak. Đây là điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất ở bờ biển phía Đông của bán đảo Crimea. Công trình được xây dựng trong khoảng năm 1371 - 1469, khi người Genoese thiết lập khu vực này như một thuộc địa trên trên bán đảo Crimea. Tổng diện tích của pháo đài Sudak là hơn 30 ha, tường thành dài trên 2km. Hoặc tiểu Jerusalem là một quận lịch sử ở trung tâm của thành phố Yevpatoria, nơi bảo tồn nhiều công trình kiến trúc và hoạt động văn hóa của người Hồi giáo Tatar. Đây là địa điểm tốt nhất để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của người Tatar trên bán đảo Crimea.

Từ thời xa xưa, Crimea đã và vẫn sẽ luôn là một địa điểm thân thuộc trên trái đất đối với người dân Nga. Ngày nay, khái niệm “Crimea” không chỉ là khu nghỉ mát biển mà còn như một thánh địa Mecca cho các họa sĩ, nhà thơ và nhà văn. Vào nhiều năm khác nhau, tại đây đã in dấu chân của A. Chekhov, Osip Mandelstam, Anna Akhmatova, M. Tsvetaeva, N.Gumilev, L.Tolstoy, A. Pushkin, I.Aivazovsky, F.Shalyapin. Các Sa hoàng và giới quan chức Liên Xô từng nhiều lần đi nghỉ hè tại các bờ biển phía nam cận nhiệt đới của Crimea, nơi hiện nay vẫn thu hút rất nhiều du khách và các nhà đầu tư bất động sản giàu có.

Ngành du lịch Crimea bắt đầu phát triển từ nửa sau thế kỉ XIX. Hệ thống giao thông ngày càng phát triển giúp đưa khách du lịch từ miền trung của Nga đến đây. Đầu thế kỉ XX, nhiều cung điện, villa được xây dựng mà đến nay vẫn còn. Giai đoạn phát triển mới bắt đầu từ khi chính quyền Xô viết nhận thấy tiềm năng du lịch chữa bệnh tại đây. Crimea trở thành điểm đến “vì sức khỏe” của đông đảo người lao động Liên Xô. Crimea còn được biết đến như là một thiên đường nghỉ dưỡng. Được xem như Địa Trung Hải nhưng mức giá thì lại không giống như Địa Trung Hải. Một năm với 300 ngày có nắng, mùa đông như “vắng bóng” tại bán đảo có những bãi biển tuyệt vời, phong cảnh độc đáo của những vách đá và nước biển được điểm xuyết bằng những lâu đài cổ kính, những thảm hoa đa màu sắc.

Ngày nay, Crimea là điểm đến để du khách lánh xa cuộc sống thường nhật hơn là điểm du lịch chữa bệnh. Những địa điểm thu hút nhiều khách là dải bờ biển phía nam với các thành phố Yalta và Alushta, dải bờ biển phía tây với các thành phố Eupatoria và Saki, và dải bờ biển phía đông nam với các thành phố Feodosia và Sudak.

Những thắng cảnh nổi tiếng của bán đảo Crimea:


Nằm cạnh thành phố nghỉ mát Yalta, lâu đài Livadia được xây dựng làm nơi nghỉ ngơi mùa hè của gia đình Nicholas II - Hoàng đế cuối cùng của nước Nga. Tòa lâu đài mang phong cách kiến trúc Tân Phục hưng này nằm trên sườn núi hướng ra biển với cảnh quan tuyệt vời của vùng Biển Đen. Ngày nay, lâu đài được sử dụng làm một viện bảo tàng đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế. 


Lâu đài Tổ Yến, còn có tên khác là "Lâu đài Tình yêu", là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở thiên đường nghỉ dưỡng Yalta, cực Nam bán đảo Crimea. Lâu đài được xây dựng đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc Gothic, nằm trên mũi đất Ai-Todor nhô ra Biển Đen của dãy núi Aurora. Ngày nay, Lâu đài Tổ Yến là một nhà hàng Italia, nơi thực khách có thể thưởng thức những món ăn Italia nổi tiếng trong khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn của vùng Biển Đen.


Nằm ở một chân núi gần Yalta và được rừng cây bao quanh, lâu đài Massandra là một trong những di tích lịch sử đẹp nhất bên bờ biển Crimea. Công trình được xây dựng vào thế kỷ 19 làm nơi ở cho Sa hoàng Alexander III. Từ năm 1992, lâu đài được sử dụng như một bảo tàng công cộng.


Lâu đài Bakhchisaray hay Cung điện của các Khan (tước hiệu của thủ lĩnh các bộ lạc gốc Mông Cổ) ở thị trấn Bakhchisaray được xây dựng vào thế kỷ 16, khi người du mục Tatar cai trị bán đảo Crimea. Đây là tòa lâu đài duy nhất mang phong cách kiến trúc Tatar còn được lưu giữ trên bán đảo Crimea. Điều này khiến công trình được ví như viên ngọc quý của cả khu vực. Hiện tại, lâu đài là bảo tàng về văn hóa của người Tatar.


Nhà thờ Foros là một di tích lịch sử đẹp như tranh vẽ, nổi tiếng với vị trí đẹp như cổ tích. Được xây dựng vào năm 1892, tòa lâu đài hướng ra bờ biển Biển Đen từ độ cao 400m của vách núi Đỏ, gần đèo Baidarsky. Nhà thờ đã bị bỏ hoang trong suốt nhiều thập niên cho đến khi mở cửa trở lại để phục vụ du khách năm 2002.


Pháo đài Genoese ở Sudak là điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất ở bờ biển phía đông của bán đảo Crimea. Công trình được xây dựng trong khoảng năm 1371 - 1469, khi người Genoese thiết lập khu vực này như một thuộc địa trên trên bán đảo Crimea. Tổng diện tích của pháo đài Sudak là hơn 30 ha, tường thành dài trên 2km.


Được nhà thực vật học nổi tiếng Christian Steven sáng lập ra trên báo đảo Crimea năm 1812, Vườn Bách thảo Nikitsky là một trong những vườn thực vật lâu đời nhất trên thế giới. Đến năm 2012, tổng diện tích của Vườn Nikitsky là hơn 1.000 ha. Khu vườn gồm một phức hợp công viên với hàng nghìn giống cây khác nhau cùng một viện nghiên cứu khoa học và một trung tâm sản xuất giống cây và hạt giống độc quyền.


Tiểu Jerusalem là một quận lịch sử ở trung tâm của thành phố Yevpatoria, nơi bảo tồn nhiều công trình kiến trúc và hoạt động văn hóa của người Hồi giáo Tatar. Đây là địa điểm tốt nhất để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của người Tatar trên bán đảo Crimea.


Công viên Địa Đàng hay công viên Ayvazovsky nằm trên sườn dốc tự nhiên của vùng núi nằm bên một vịnh nhỏ của thị trấn Partenit. Đây là một công viên nhân tạo tuyệt vời với các thác nước ngoạn mục, các loài thực vật kỳ lạ đến từ khắp nơi trên thế giới và tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp theo phong cách Hy Lạp cổ đại.

V.K (tổng hợp)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: