Vấn đề là sửa quy hoạch như thế nào!

Thứ tư, 22 Tháng 7 2015 14:49 TBKTSG
In

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn, TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nghiên cứu về đô thị học - nói nhiều người đang suy nghĩ theo hướng đã có quy hoạch đô thị rồi thì sao không làm theo quy hoạch mà lại sửa, nhưng theo ông với cách làm quy hoạch như ở Việt Nam hiện nay, việc điều chỉnh hay làm khác quy hoạch là không thể tránh khỏi. Vấn đề là sửa như thế nào. 

Theo như ông nói, điều chỉnh quy hoạch đô thị là không thể tránh khỏi, tức cách làm quy hoạch đang có trục trặc ?

Ông Huỳnh Thế Du (ảnh bên): - Trục trặc là hiện chúng ta đang quy hoạch cứng hay quy hoạch theo bản vẽ. Có nghĩa là các nhà quy hoạch đang sắp xếp các đô thị trong 10 năm, 20 năm, thậm chí là 50 năm. Rồi chỗ này họ vẽ đặt cái này, chỗ kia vẽ đặt cái kia. 

Nhìn lại quy hoạch của Việt Nam trong mấy thập kỷ qua rất khó tìm được các quy hoạch có tính thực tế. Ngay cả như đô thị Phú Mỹ Hưng, giờ đây một số người nhìn vào 409 héc ta đã được định hình và cho đó là thành công của công tác quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch của khu này trên thực tế là 2.600 héc ta chứ không phải là 409 héc ta. 

Thực tế khu Nam Sài Gòn như thế nào thì nhiều người đều biết. Chính ông Hoàng Minh Trí, nguyên lãnh đạo Viện Quy hoạch đô thị TPHCM, nhận xét: “Quy hoạch phát triển khu Nam do chính Viện Quy hoạch thành phố và Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cùng tư vấn SOM (Mỹ) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 gần như không tạo được dấu ấn nào trong sự phát triển của khu Nam hiện nay”. 

Với một siêu đô thị cả chục triệu dân như TPHCM thì không ai có khả năng nghĩ ra đô thị này bao nhiêu năm nữa sẽ như thế nào. 

Không ai có thể vẽ hình hài của nó sẽ như thế nào trong thời gian hàng thập kỷ cả. Nhưng có điều này thì làm được: hình dung ra mức độ phát triển, tức là một số cấu trúc của đô thị. Ví dụ đô thị trung tâm tài chính thì cần loại cơ sở hạ tầng gì, cần ở một quy mô nào đó. Nếu nhìn vào xu hướng phát triển của đô thị trên thế giới và quy hoạch theo hướng đó thì nó mới thực tế. Nói một cách cụ thể, chỉ quy hoạch định hướng mang tính động thì mới khả thi. 

Nếu như vậy thì việc trên lô đất nào đó sẽ xây cái gì đó do ai quyết định?

- Về bản chất là do thị trường mà nói một cách cụ thể hơn là do các nhà đầu tư bất động sản chứ không phải người làm quy hoạch quyết định!

“Quy hoạch đô thị là một quá trình kỹ thuật và chính trị, xử lý việc kiểm soát sử dụng đất và thiết kế môi trường đô thị, bao gồm các mạng lưới giao thông, nhằm hướng dẫn và đảm bảo sự phát triển trật tự của các khu định cư và các cộng đồng”.

Câu chuyện bờ Tây sông Sài Gòn và nhiều nơi nữa cho thấy một điều rất rõ là việc xây cái gì ở đâu là do thị trường quyết định mà cụ thể là các nhà đầu tư bất động sản quyết định. Thực tế là thế. Các đô thị trên thế giới đều trải qua quá trình phát triển như vậy. Chỉ một số ít các đô thị có được bản vẽ tổng thể ban đầu, như ở Mỹ, có nơi được vẽ khi người dân chưa đến ở nhưng thực ra cũng chỉ là phân khu thôi, ví dụ khu này phát triển dịch vụ văn phòng với tỷ lệ a, b, c, d gì đó. Người ta không vẽ chi tiết ra. 

Nếu vậy thì một định nghĩa về quy hoạch đô thị, theo ông, là gì?

- Quy hoạch là một tiến trình chính trị và kỹ thuật. Nói một cách cụ thể, như Taylor - một nhà lý thuyết đô thị nổi tiếng thế giới, thì: “Quy hoạch đô thị là một quá trình kỹ thuật và chính trị, xử lý việc kiểm soát sử dụng đất và thiết kế môi trường đô thị, bao gồm các mạng lưới giao thông, nhằm hướng dẫn và đảm bảo sự phát triển trật tự của các khu định cư và các cộng đồng”.

Kỹ thuật thì chúng ta biết rồi, về mặt hình thức nó thể hiện ra bằng bản vẽ. Còn về chính trị, thực ra quá trình làm quy hoạch là quá trình tương tác giữa ba trụ cột chính: thứ nhất là chính quyền đô thị, thứ hai là các nhà đầu tư bất động sản, thứ ba là các tổ chức xã hội đại diện cho tiếng nói của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nó luôn diễn ra sự đấu tranh, thương lượng về mặt lợi ích giữa ba nhóm đó, để đưa ra một kết quả khả dĩ tốt cho số đông. Ở những nơi ba trụ cột này không tương tác tốt với nhau thì sẽ bị cái mà mọi người hay nói là lợi ích nhóm chi phối. Các nhà đầu tư bất động sản với sức mạnh vượt trội cấu kết, chi phối chính quyền khi các tổ chức xã hội đại diện cho người dân không có tiếng nói thật sự, thì chỉ số ít người được lợi. 


(ảnh minh họa: Tuổi Trẻ) 

Tiến trình mang tính chính trị đó ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Về nguyên tắc, chính quyền đại diện cho cả doanh nghiệp và người dân. Trong chuyện thu hồi đất, chính quyền đóng hai vai mâu thuẫn với nhau, không thể tự giải quyết được. Một mặt muốn đảm bảo sự công bằng, có nghĩa là đảm bảo chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân nhưng một mặt khác cũng muốn thu hồi đất một cách nhanh chóng để xây công trình phát triển xã hội. Trong khi đó, doanh nghiệp thì muốn lấy đất, người dân thì muốn có đền bù thỏa đáng. Khi đó tiếng nói của doanh nghiệp phải xen vào, tiếng nói của các tổ chức xã hội đại diện cho người dân phải xen vào. Có tương tác với nhau thì mới ra một quyết định thỏa đáng là chỗ này như thế này, chỗ kia như thế kia. Những lùm xùm quanh chuyện quy hoạch bãi biển Nha Trang vừa rồi là do thiếu sự tương tác với người dân.

Có vẻ như vấn đề của Việt Nam bây giờ không phải là cái quy hoạch (cụ thể nào) mà là cách làm quy hoạch?

- Không thể có một quy hoạch (hoàn hảo) mà để bây giờ mọi người thấy nó bị làm khác đi thì chỉ trích. Chúng ta đã sai từ cách làm quy hoạch rồi. Ra một quy hoạch không thực tế thì còn tệ hơn là không có quy hoạch bởi quy hoạch không thực tế sẽ thành quy hoạch treo.

Theo nghiên cứu của tôi, vai trò thực chất quan trọng nhất của quy hoạch tại Việt Nam là để huy động nguồn lực. Khi địa phương làm quy hoạch, khả năng chỉ làm được một nhưng thường được vẽ ra hơn nhiều lần để tạo sức nặng thương lượng với trung ương. Cuối cùng, để có thêm tiền, thêm nguồn lực, tất cả các địa phương đều khai khống, làm khống và tất cả quy hoạch đều phi thực tế. Đây là điều cần phải sửa trong thời gian tới, nhất là trong tiến trình làm luật quy hoạch hiện nay.

Thế thì việc thực hiện quy hoạch sẽ ra sao, thưa ông?

- Hiện nay trên thực tế gần như không ai quan tâm đến quy hoạch, đến tính khả thi của chúng cả. Các quy hoạch sư cũng có ý tưởng này, ý tưởng kia nhưng các nghiên cứu về kinh tế học đô thị, về các lực đẩy để hình thành đô thị ở mình không được làm đến nơi đến chốn. Tức là các quy hoạch sư thường chỉ vẽ theo tưởng tượng hay góc nhìn chủ quan, chứ dường như không quan tâm thị trường nó như thế nào, thành ra cứ thay đổi liên tục.

Ví dụ như TPHCM, quy hoạch năm 1993 chọn hướng Đông Bắc làm hướng phát triển chính. Đến quy hoạch năm 1998, Đông Bắc vẫn là hướng phát triển chính, nhưng bổ sung thêm hướng Đông và Đông Nam. Quy hoạch năm 2010 thì bỏ hẳn hướng Đông Bắc, chọn hướng Đông và hướng Nam là hướng phát triển chính kèm một số hướng phát triển phụ khác gồm hướng Tây, Tây Bắc và Tây Nam. Trước chọn hướng Đông Bắc nhưng giờ thấy thị trường theo hướng Nam và Đông Nam nên cuối cùng định hướng lại. Cuối cùng cũng phải theo thị trường.

Nhưng sửa quy hoạch như thế nào cũng không đơn giản, thưa ông. Chính quyền thường thuyết minh vẽ thế này, sửa thế này mới thu hút được đầu tư của doanh nghiệp. Nguồn lực có phải là điểm yếu của các đề án quy hoạch hay không?

- Lúc này cần phải có tiếng nói của hội, đoàn các nhà chuyên môn độc lập. Nếu doanh nghiệp nói đúng, chính quyền nghe theo thì người dân cũng không tin. Nghi ngờ có đúng có sai nhưng cứ nghi ngờ cái đã, tâm trạng xã hội nó như vậy. Điều này là không có lợi cho tiến trình phát triển. Nói chung phải tạo ra sự quan hệ và tương tác một cách biện chứng giữa yếu tố kỹ thuật và yếu tố chính trị trong quá trình quy hoạch và triển khai chúng.

Với các dự án hạ tầng lớn, giao cho tư nhân có nguồn lực làm trọn gói để không bị xé lẻ ra thành các gói thầu nhỏ cũng là điều tốt. Nhưng vấn đề là tại sao chọn doanh nghiệp A hay doanh nghiệp B mà không phải là ai khác. Quá trình đó hiện không minh bạch.Theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

- Cho các nhóm lợi ích cạnh tranh với nhau, hãy thừa nhận chuyện đó. Cho vận động hành lang (lobby), đường nào họ cũng lobby, đúng không? Tức là mang chuyện lobby lên mặt bàn. Làm sao để nhiều người biết chuyện lobby đó.

Cho hai võ sĩ lên khán đài đánh nhau, với luật chơi rõ ràng, dưới sự chứng kiến của mọi người thì lúc đó ông nào mạnh ông đó thắng. Mạnh tức bằng sức lực, bằng khả năng thực sự của ông ấy. Còn hiện nay, đóng cửa lại hai võ sĩ đánh với nhau thì sao? Ông mạnh chưa chắc thắng. Ông nào biết chơi xấu, biết tiểu xảo có thể thắng. 

Cuối cùng, về cơ bản vẫn là mấy ông đó, vấn đề là chia trên mặt bàn hay chia dưới gầm bàn. Chia trên mặt bàn thì về cơ bản số đông sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Chia dưới mặt bàn thì số ít sẽ được rất nhiều, còn số đông sẽ bị thiệt. 

Mỹ Lệ thực hiện 
(Thời báo Kinh tế Sài gòn)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: