Dân muốn biết quy hoạch tổng thể Hà Nội sau mở rộng

Thứ tư, 15 Tháng 7 2009 09:56 VietNamNet
In

Một ngày trước phiên họp giữa năm của HĐND TP Hà Nội, các đại biểu HĐND cho hay sẽ chất vấn lãnh đạo thành phố về quy hoạch tổng thể Thủ đô, sao cho "mở rộng Hà Nội là đô thị hóa chứ không phải nông thôn hóa Hà Nội".

ĐB Bùi Thị An, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND :
Dù về hưu, người ký vẫn phải chịu trách nhiệm

Vấn đề tôi quan tâm hàng đầu là quy hoạch thành phố. Phải rà soát trên cơ sở quy hoạch tổng thể, đây là tiền của dân, con cháu chúng ta phải trả nợ.

Hà Nội có bao nhiêu sân golf, thành phố phải báo cáo. Hiện nay, nông dân mất đất không biết kêu ai. Tôi sẽ kiến nghị phải nêu rõ trách nhiệm của từng người, lãnh đạo nào ký dự án nào thì phải chịu trách nhiệm, dù đã về hưu.

Phải công khai thông tin cho dân, thông tin đó phải là thông tin thực và phải có biện pháp đưa thông tin đến dân. Sau đó phải kiểm tra xem thông tin đã đến dân chưa. Nếu thông tin mà không đến dân thì chẳng có ý nghĩa gì. 

Ví dụ quy hoạch một vùng thì phải thông báo cho dân biết trước bao nhiêu tháng, chứ không phải ngày mai làm, hôm nay mới công bố, rồi chỉ treo một cái bảng.

Tôi cho rằng, mở rộng Hà Nội là đô thị hóa Hà Nội chứ không phải nông thôn hóa Hà Nội.

ĐB Phạm Thị Loan, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, đại biểu Quốc hội :
Chưa giúp được nhiều doanh nghiệp gặp khó

Tôi băn khoăn trong 6 tháng qua, Hà Nội chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp được bao nhiêu. Chính sách có nhưng thực hiện thì chậm, mà con số báo cáo cho thấy gần như là không thực hiện được.

Khó khăn hiện nay là thông tin đến với doanh nghiệp rất hạn chế. Mặt khác, thủ tục còn có quá nhiều phiền hà. 

Vừa qua, có những báo cáo màu hồng nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, ngừng sản xuất, ngay cả số lượng cửa hàng, siêu thị cũng giảm, nên tôi nghĩ số liệu báo cáo về thất nghiệp tôi nghĩ chưa chính xác.

Tôi cũng sẽ chất vấn lại về các dự án treo của Hà Nội, đặc biệt là sau khi sáp nhập, chính sách của thành phố với các doanh nghiệp bị thu dự án như thế nào.

Quy hoạch tổng thể lâu dài của thành phố như thế nào, cần phải công khai, minh bạch thông tin để cả doanh nghiệp và người dân biết.

ĐB Ngô Văn Ny, Ban Pháp chế HĐND :
Lãnh đạo TP hãy đặt mình vào địa vị người dân

Thời gian qua, nhiều văn bản của thành phố bị chỉ ra là đã ban hành trái pháp luật. Tôi không thể ngờ được, một là có thể trình độ quá kém phải cho nghỉ, hai là cố tình tức là vi phạm.

Bí thư Phạm Quang Nghị mới đây đã nhấn mạnh quyết tâm chấm dứt sự thờ ơ, né tránh, vô trách nhiệm của cán bộ nhưng ở dưới vẫn còn tình trạng đó.

Với vị thế là Thủ đô, những vấn đề lớn, nhạy cảm về mặt xã hội, lịch sử, về tâm linh thì đều phải cân nhắc, lắng nghe ý kiến dư luận chứ không được vội vã và đơn phương quyết định.

Trong vòng 8 tháng nay, 3 dự án lớn đã bị dừng là chợ 19-12, khách sạn trong công viên và sân golf Ba Vì.

Dân phản đối nhưng ban đầu thành phố không lắng nghe và vẫn cho tiến hành. Chỉ đến khi cấp cao hơn có ý kiến thì thành phố mới cho dừng hẳn.

Có nhiều vấn đề để chất vấn nhưng tôi sợ chưa chắc đã nói được vì không đủ thời gian. TP Hồ Chí Minh họp 3 ngày mà chất vấn 1 ngày, còn mình họp 3 ngày rưỡi mà chất vấn chỉ có 1 buổi sáng.

Tôi ở Ban Pháp chế, đi các quận, huyện, người dân có nhiều bức xúc lắm nhưng họ không dám nói. Các vị lãnh đạo hãy đặt mình vào địa vị người dân để nghe những bức xúc của họ. 

ĐB Vũ Đức Tân, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND :
"Khối u" của thành thị

Tôi sẽ tiếp tục chất vấn về vấn đề giải tỏa đường vành đai 3.

Gần đây Thủ tướng ra chỉ thị cho Bộ GTVT giải quyết việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trước đó, khi báo cáo với Thủ tướng, chính quyền thành phố đã báo cáo không chính xác rằng chỉ có độ 6, 7 hộ dân trong khi thực tế liên quan đến hàng trăm hộ. Vì vậy, vừa rồi TT phải có chỉ thị lại là Bộ GTVT phải giải quyết vấn đề này.

Bản thân tôi cũng đã chỉ ra nhiều lần rồi, suốt 2 năm qua, lần nào họp HĐND tôi cũng nói, từ việc cưỡng chế người dân, văn bản sau sửa văn bản trước mà trước cũng sai và sau cũng sai.

Dự án này tồn tại đến 8 năm nay rồi, gây lãng phí rất lớn và còn làm mất lòng tin đối với chính quyền thành phố, với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo tôi, Hà Nội phải chăm lo hơn nữa cho những người nông dân bị mất đất sản xuất. Chúng ta có chính sách hỗ trợ nghề nghiệp cho họ nhưng thực chất từ bao năm nay họ sống với đồng ruộng, bây giờ họ chỉ có thể đi bán hàng rong, làm osin, hoặc làm ở một công xưởng nào đấy, nhưng liệu đó có phải là tâm thế mà họ mong đợi không?

Liệu họ có thể kéo dài cuộc sống như vậy không? Tôi nghĩ rằng, vấn đề này, nếu để lâu ngày, sẽ trở thành "khối u" của thành thị. 

Cao Nhật (thực hiện)

Thụy Điển: Dân có quyền kiện nếu không được cung cấp thông tin 

Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác phát triển luật pháp và nhân quyền Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội Elsa Hastad cho hay, ở Thụy Điển, nếu không thể tiếp cận được thông tin theo đúng quyền lợi mà luật quy định, người dân có thể kiện lên tòa án.

Bà Elsa Hastad lưu ý việc khoanh vùng, xác định những dạng thông tin được cho là "mật". Theo bà, có những dạng thông tin tất yếu là mật và được luật quy định không thể tiếp cận như thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Khi khoanh vùng những lĩnh vực, khía cạnh thông tin mật phải có căn cứ xác định tính chất mật của nó. 

Thu nhập cá nhân cần được công khai

Với kinh nghiệm xây dựng luật của Thụy Điển, quy định ranh giới, khoanh vùng mở hay hạn chế như thế nào để về căn bản đảm bảo vấn đề quan trọng nhất: quyền được tiếp cận thông tin của công chúng? 

- Nếu thực sự muốn mọi công dân, nhà báo có quyền tiếp cận thông tin theo quy định pháp luật thì có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước phải nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Luật của Thụy Điển cũng có những quy định về một số điều được coi là bí mật, không thể tiếp cận về mặt thông tin như vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng về căn bản, để mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công chúng, cần hạn chế tối đa thông tin mật hay dạng ngoại lệ. Mọi thứ nên được công khai, minh bạch.

Thông tin liên quan đến kinh doanh, đời tư có thuộc dạng thông tin không được tiếp cận không, thưa bà?

- Ở Thụy Điển, chúng tôi có luật về đời tư riêng. Đối với điều được cho là bí mật kinh doanh, có những thứ không thể công khai, nhưng có những thông tin vẫn có thể tiếp cận. Ví dụ vấn đề về thuế, thu nhập cá nhân... Những dạng thông tin như vậy thường được công khai, minh bạch.

Dân có quyền kiện

Theo bà, cần giám sát việc thực hiện luật như thế nào?

Người dân, báo chí có thể thực hiện vai trò giám sát luật và hãy đặt câu hỏi làm thế nào tôi có thể tiếp cận thông tin nếu có nhu cầu. Về cơ bản, mọi việc phải đảm bảo đơn giản, quy định tối thiểu nhất để mọi người dân, báo chí có thể tiếp cận được.

Những công chức như tôi làm ở Đại sứ quán phải làm thế nào thiết lập một hệ thống thông tin trong ổ dữ liệu của mình và đăng ký để nó trở thành dạng tài liệu của công chức. Khi nó đã được đăng ký thì mọi người có thể tiếp cận, được chia sẻ thông tin.

Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh thái độ thực sự mà Việt Nam muốn người dân có thể tiếp cận thông tin và công khai, minh bạch đối với những thông tin có thể cung cấp. Không chỉ báo chí mà các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của xã hội dân sự cũng có thể tham gia giám sát việc thực hiện luật. Nếu luật áp dụng không phát huy hiệu quả, báo chí có quyền phản ánh.

Như vậy, có cần quy định chế tài cụ thể không?

- Ở Thụy Điển, nếu không thể tiếp cận được thông tin theo đúng quyền lợi mà luật quy định, bạn có thể kiện lên tòa án. Và ngay khi bạn khởi kiện, bạn sẽ rất nhanh chóng nhận được phản hồi. Tòa án sẽ tiến hành xem xét xử lý rất nhanh, không quá vài ngày, thậm chí chỉ trong 24 giờ.

Theo bà, quy chế người phát ngôn của các cơ quan, bộ, ngành cần được thực thi thế nào cho hiệu quả? Trong những vấn đề dân sinh do liên ngành chịu trách nhiệm, làm thế nào để xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan?

- Tôi nghĩ vai trò người phát ngôn cần thiết như một phương tiện dành cho báo chí. Nếu báo chí muốn có thông tin chính thống từ cơ quan, bộ, ngành nào đó, người phát ngôn sẽ phát đi thông điệp, thông tin về vấn đề do bộ, ngành đó quản lý.

Nhưng không nên ngăn cản nhà báo tiếp cận thông tin ngoài những thông báo từ người phát ngôn. Bởi vì nếu người phát ngôn không cung cấp cho báo chí thông tin hoặc họ nghĩ rằng những thông tin họ cung cấp là đủ rồi, thì nhà báo vẫn có thể tiếp cận thông tin từ các công chức khác. 

Xuân Linh (thực hiện)

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: