GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Nhìn về Hà Nội năm 2050

Chủ nhật, 14 Tháng 3 2010 11:37 Đại Đoàn Kết
In

Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội 2030, tầm nhìn 2050 đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi (lần cuối) trước khi trình Chính Phủ phê duyệt là cái cớ để chúng tôi hẹn gặp KTS Hoàng Đạo Kính. Không bình luận cụ thể về Đồ án, nhưng quan điểm về quy hoạch Hà Nội của vị kiến trúc sư nổi tiếng này rất đáng quan tâm cho tầm nhìn xa về tương lai Hà Nội.

PV: Thưa ông! Ông và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tham gia thế nào đến Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội – một Đồ án mà nếu được phê duyệt sẽ quyết định đến tương lai Thủ đô của chúng ta?

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (ảnh bên): Ở Hội kiến trúc sư cũng thành lập hội đồng tham gia phản biện Đồ án này. Nhưng bây giờ thì tôi không muốn nói gì thêm nữa, Chính phủ chắc cũng đã cân nhắc, đã tiếp thu ý kiến giới chuyên môn và dư luận.

Thế còn quan điểm của riêng ông, cụ thể là theo ông, vấn đề cần chú ý nhất khi lập quy hoạch Hà Nội bây giờ là gì?

- Hà Nội để trở thành Thủ đô tương xứng với địa giới hành chính và nhất là tương xứng với một nước Việt Nam hiện đại thì sẽ phải cùng lúc tiến hành giải quyết 5 vấn đề mà tôi gọi là 5 chữ “hoá”. Một là đô thị hoá. Hai là hiện đại hoá. Ba là thành thị hoá. Bốn là Thủ đô hoá và năm là Hà Nội hoá.

Nếu trong phạm vi Hà Nội chưa mở rộng (tức là trước 1-8-2008) chỉ cần thực hiện hiện đại hoá, thành thị hoá, Thủ đô hoá thì với việc mở rộng địa giới hành chính tăng gấp ba lần rưỡi, từ 970 km2 lên 3340 km2 như hiện nay thì cần tới cả 5 chữ “hoá”.

Thưa ông, vì sao vậy?

- Thứ nhất vì sao phải đô thị hoá? Phần diện tích đã được đô thị hoá trên thực tế so với diện tích của Hà Nội mới được mở rộng chỉ chiếm 1/33. Tức là từ trước đến nay, qua rất nhiều thời kỳ phát triển nhất là thời kỳ phát triển sau năm 1954, diện tích đất Hà Nội đô thị hoá chỉ có 100 km2, mà thực chất cũng không phải đô thị hoá toàn phần, chỉ là đô thị hoá “lưng chừng”. Bây giờ phải tiếp tục chuyển 32 phần còn lại đó có kiến trúc đô thị, có hạ tầng đô thị nên bắt buộc phải đô thị hoá. Mà quá trình đô thị hoá ấy theo tôi chắc phải kéo dài hàng trăm năm đấy.

Hai là vì sao phải hiện đại hoá? Ngay với diện tích cũ thì Hà Nội trước ngày 1-8-2008 vẫn là thành phố kém về hạ tầng kỹ thuật, lạc hậu về kiến trúc đô thị, yếu về khả năng đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi về phát triển kinh tế và tiếp nhận đầu tư. Về tổng thể, ngay với Hà Nội cũ công cuộc hiện đại hoá đã phải là ưu tiên số một. Tuy nhiên, để hiện đại hoá riêng Hà Nội chưa mở rộng cũng đã khá tốn kém. Một tổ chức nước ngoài đã tính, để thiết lập hệ thống hạ tầng trong phạm vi Hà Nội cũ thì cũng phải đòi hỏi tới gần 70 tỉ USD. Cho nên bây giờ với Hà Nội đã mở rộng, hiện đại hoá muốn thành công cần chú ý đến phương án khả thi.

Thưa ông, còn với 3 vấn đề còn lại là thành thị hoá, Hà Nội hoá và Thủ đô hoá có vẻ như chỉ là một vấn đề?

- Không phải, khác nhau đấy. Bây giờ nói vấn đề thành thị hoá trước. Với Hà Nội cũ, người dân thực sự đô thị của Hà Nội cũng chỉ chiếm được hơn 1/3. Chưa kể, đại đa số người dân ở Hà Nội cũ cũng chưa thực sự là người đô thị. Văn hoá thành thị là văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân cư đô thị như lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, ăn mặc, học hành, giao thiệp... với kiến trúc đô thị. Bây giờ dân cư tăng lên, mà chiếm tỉ trọng lớn là dân cư ở vùng nông thôn. Cho nên cùng với hiện đại hoá, đô thị hoá, vấn đề thành thị hoá dân cư trở thành hết sức bức bách. Không phải sống bằng phi nông nghiệp; thành cán bộ, công chức, trí thức, ở nhà cao tầng, đi thang máy mới là người thành thị, có văn hóa thành thị. Những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống của người Hà Nội hiện nay như đi lại bừa bãi, nhổ nước bọt, đổ rác ra đường, kẻ biển lung tung... tất cả là biểu hiện của sự chưa thành thị hoá.

Và không phải thành thị hoá là thành Hà Nội. Bởi vì Hà Nội lại phải có đặc trưng khác thành thị khác?

- Đúng thế. Đây là vấn đề thứ 4: Hà Nội hoá. Văn hoá Hà Nội để lại dấu ấn đậm đà nhưng qua nhiều biến đổi đến nay đã phôi pha nhiều đặc tính của Hà Nội xưa. Ngay trong vùng Hà Nội cũ để bồi đắp văn hoá của đất kinh kỳ xưa cũng là khó lắm rồi. Bây giờ phải nhân ra với số dân cư tăng rất nhiều lần phải nói là một thách thức.

Về vấn đề thứ 5 là Thủ đô hoá. Một thành phố chỉ cần có bộ máy hành chính nhà nước đã có thể gọi là Thủ đô rồi. Đương nhiên như thế. Bây giờ một số nước như Malaixia, Myanmar... người ta xây dựng những Thủ đô chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng để trở thành khái niệm Thủ đô đích thực nó phải có các nhân tố khác như một nền văn hoá, một nền học thức, một nền công nghệ... nổi trội. Nó phải có sức hút và lan toả, đấy là biểu hiện của đô thị. Nhân tố nổi trội phải ở Thủ đô. Bây giờ xây dựng Thủ đô hành chính thì nhanh nhưng chuyển đổi một Thủ đô hiện tại mà 2/3 là nông thôn để trở thành đô thị đã khó, thành thành thị hiện đại khó hơn và để trở thành Thủ đô còn khó hơn rất nhiều.

Vậy là, thưa ông. Năm yếu tố ông vừa phân tích có ảnh hưởng thế nào trong việc lập quy hoạch Hà Nội?

- Năm vấn đề đó đòi hỏi đều phải xây dựng cùng một lúc. Có cái nó sẽ tự diễn ra, có cái phải đầu tư. Năm vấn đề ấy phải được tính toán trong một bài toán hết sức lâu dài và phải được tính trong quy hoạch chung. Tất nhiên không phải mọi cái đều phải quy hoạch cả. Có những cái phải được tính vào quy hoạch, có cái thì phải lường trước. Có cái thì ấn định trước được, nhưng có cái thì phải chờ, để dành chỗ, dành không gian. Nhưng tất cả đều phải đưa vào chiến lược phát triển thành phố này.

Những gì ông vừa phân tích thì thấy Thủ đô Hà Nội mới mở rộng dường như mới bắt đầu một quá trình đô thị. Đó là một thách thức hay là một thuận lợi, thưa ông?

- Chúng ta là một quốc gia phát triển chậm về đô thị. Quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá và hội nhập mới đang bắt đầu, nhưng ta lại đang có một Thủ đô thuộc loại to nhất thế giới về mặt diện tích. Và ta đang đặt nền móng cho Thủ đô ấy bằng một quy hoạch hầu như từ đầu, bởi những hạt nhân đô thị cũ như là phố cổ, phố cũ, những vùng phát triển sau năm 1954 đều còn rất nhỏ bé so với diện tích hiện nay của Hà Nội. Nếu có một tầm nhìn xa, chúng ta sẽ biến thách thức thành thuận lợi.

Cụ thể là gì, Thưa ông?

- Chúng ta đang bắt đầu từ đầu thì cần rút kinh nghiệm từ sự phát triển đô thị của các nước. Phải thấy được đô thị các nước đã và đang trải qua quá trình phát triển ở thời kỳ công nghiệp hoá. Mà thời kỳ công nghiệp hoá đang sắp sửa kết thúc rồi. Thế giới đang chuẩn bị chuyển qua thời kỳ hậu công nghiệp hoá. Cho nên những tư duy chiến lược đưa vào quy hoạch Hà Nội tầm nhìn tới 2050, phải tính tới những bài học của đô thị thời kỳ công nghiệp hoá.

Hậu công nghiệp hoá sẽ giải quyết những vấn đề của đô thị thời công nghiệp hoá, ví dụ như ô nhiễm môi trường sinh thái, ách tắc giao thông.... Như vậy, qui hoạch phải đề cao yếu tố môi trường, sinh thái, giải quyết những hậu họa bế tắc của thời kỳ công nghiệp hoá. Quy hoạch chung Hà Nội cần có tầm nhìn để tạo ra một đô thị đi sau tiến thẳng lên mô hình đô thị thời kỳ hậu công nghiệp hoá - đô thị tiên tiến. Tuy chưa có thể có ngay được những điều kiện vật chất khổng lồ, vĩ đại như các đô thị của các nước tiên tiến khác, song về tư tưởng kiến tạo đô thị, Hà Nội phải tiên phong nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Cẩm Thúy (thực hiện)

>> Đóng góp ý kiến Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: