Kiến trúc Việt đi về phía vô vọng?

Thứ năm, 04 Tháng 11 2010 10:59 Tuần Việt Nam
In

Làm thế nào để có những công trình kiến trúc Việt Nam vừa hiện đại, vừa mang bản sắc dân tộc, là kỳ vọng của người dân Việt Nam, của những ai quan tâm đến kiến trúc Việt. Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam về chủ đề này.

Hình tượng hóa một cách thô thiển

- Vài năm qua, đã có nhiều công trình kiến trúc quan trọng, mang tính biểu tượng được xây dựng ở Hà Nội, như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội, và gần đây nhất là Nhà hát Thăng Long. Với những công trình ấy, yêu cầu đặt ra luôn là phải mang đặc trưng kiến trúc của Việt Nam, nhưng thiết kế được chọn đều của các KTS nước ngoài...

KTS Nguyễn Văn Tất (ảnh bên): Nhà báo nhắc đến Nhà hát Thăng Long thì tôi phải nói thật. KTS Renzo Piano là một trong những KTS tôi cực kỳ yêu quý, nhưng tôi không thể chịu được bản thiết kế Nhà hát Thăng Long của ông (ít ra ngay từ những ấn tượng thị giác ban đầu) vì nó đụng chạm đến những vấn đề rất lớn về xúc cảm kiến trúc của mình.

Ở cái nhìn đầu tiên, những đường nét của công trình khá phổ biến với các công trình hiện đại, những đường cong nghếch lên, rất tự nhiên, táo bạo. Nhưng tất cả cái đó đi ngược lại với cảm giác về chất lượng không gian của người Việt. Ở mình thì hoặc chùng xuống, hoặc ngang, chứ không nghếch mũi lên trời để đón nắng chói, mưa tạt. Bản thân việc bị "chệch" cách cảm xúc kiến trúc bằng những thói quen tiện nghi của người Việt đã là điểm yếu.

Ở những nước xứ lạnh, dù nắng mùa hè chói chang nhưng người ta vẫn rất phóng khoáng, vẫn mở bung về phía mặt trời rất ngạo nghễ vì với họ đó là tiện nghi, là hạnh phúc. Nhưng ở mình thì lại cần tránh, cần che đậy nhiều nhất nếu có thể. Bạn đem niềm hạnh phúc ở chỗ khác tới để gợi niềm hạnh phúc ở đây là sai. Bản thân đường nét táo bạo đó đã sai với thói quen về cảm thụ sự an toàn về không gian, về khí hậu. Rồi một hình ảnh ngôi nhà trên hồ với những thanh chỏi như thế, nếu quy mô của một nhà sàn thì hợp, còn to như nhà hát thì có vẻ đánh đố về tỉ lệ cảm thụ.

Những điều đó tôi không biết giãi bày với ông Renzo thế nào. Mình là KTS nhỏ, đứng ra phê phán một bậc thầy như thế có đúng không? Nhưng tôi cảm thấy rất bức xúc.

Dường như ông tập hợp lực lượng tư vấn dữ dằn nhưng họ lại tư vấn sai, dẫn ông ấy đến những chuyện hình thức quá, không đi vào đúng bản chất của những giá trị Việt Nam.

- Như cách Nhà Quốc hội (đang được xây dựng) được gắn thêm cái cổng cách điệu từ cổng đình, hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia được thuyết minh là "sóng Biển Đông"? Hay dịp Đại lễ vừa rồi, đi đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cách điệu của Khuê Văn Các?

Những người thiết kế các công trình nhà báo nhắc là những KTS lớn, lẫy lừng, nhưng tôi cảm nhận có một sự tư vấn, trong tư vấn đó lại có một sự thỏa hiệp để lấy được công trình. Họ gắng đi tìm một chi tiết nào đó để cố gợi lại cái gì đó cho có vẻ VN, nhưng lại mang tính chất hình thức.

Anh hình tượng hóa một cách thô thiển những thứ rất giá trị, nên đã làm mất đi giá trị thực sự. Trong kiến trúc ai cũng biết vấn đề tỷ lệ, khi nho nhỏ thì nó là mình, còn phóng lớn lại... không ra. Cho nên từ một nhà sàn, một ngôi đình sẽ rất khác với một công trình khổng lồ hàng chục ngàn mét vuông sàn. Nếu ta cố tình đẩy về phía nào đó thì kệch cỡm ngay. 


Phương án ý tưởng kiến trúc công trình Nhà hát Thăng Long do Renzo Piano Building Workshop thực hiện

Không thể lợi dụng, gượng ép

- Từ mong ước chính đáng là tạo ra những công trình kiến trúc hiện đại thật sự Việt Nam, nhưng thực tế lại khó khăn hơn nhiều?

Có thể nói, một trong những cái dở của quản lý nhà nước ở ta là anh nghĩ anh tiết kiệm, anh chắt bóp, nhưng thực ra, anh tầm thường hóa những giá trị hạ tầng xã hội bằng cách đưa ra những giá đầu tư mang tính chất phá hoại. Anh chỉ đốt tiền để tạo thành những đống vật liệu không có giá trị. Nếu so với công cuộc trong mấy năm của Trung Quốc để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 đã để lại những công trình để đời, còn ta trong mấy chục năm vừa qua tiêu tốn gấp nhiều lần để chỉ tạo vô số công trình xấu xí.

...Cuộc sống đương đại đòi hỏi rất nhiều loại và đẳng cấp công trình khác nhau. Không phải lúc nào cũng tỉ tê một điệp khúc "bản sắc". Nhưng có một yêu cầu tối thiểu về văn hoá ứng xử là nếu chưa có gì để đóng góp về giá trị bản sắc mới thì ít nhất cũng không được tùy tiện gây phản cảm bằng những thứ dễ dãi, thô thiển, xa lạ với tập quán và mỹ cảm người Việt. 

Tôi có thể nói thế này, nếu mình mãi trông đợi những đầu bếp xứ khác mang đến những món ăn chế tác mới tinh tế truyền thống Việt, thì liệu ta có thể chờ đợi gì ở đó? 

Nhắc đến kiến trúc Việt Nam truyền thống là nhắc đến những kiến trúc gắn liền với tâm thức Việt mà ai cũng cảm được như mái đình, chiếc cổng làng, con đường làng, ao nước, cầu khỉ, bóng đa... 

Những công trình cách điệu từ đó, còn tồn tại như Chùa Một Cột, đình Đình Bảng, đình Chu Quyến, chùa Keo... và lớn hơn nữa là những lăng tẩm, những thành phố như Huế hay Hà Nội thì ai cũng có thể cảm nhận, có thể tự hào là rất Việt Nam. 

Khi ta làm một công trình mới và tuyên bố đã cách điệu từ những yếu tố đó thì người xem sẽ dễ ve vuốt vào mỹ cảm Việt, "trông Việt Nam đấy"! 

Nhưng đó là bắt chước, lặp lại, hay giỏi hơn một bậc là vay mượn. Cuộc sống đương đại luôn đi về phía trước, tới phiên nó cũng phải tạo ra truyền thống cho cái tiếp theo. Nó có quyền tự do, có quyền sáng tạo, có quyền đưa ra những chuẩn mực mới.

- Nhưng bằng cách nào, thưa ông?

Việc đi tìm, khẳng định, thậm chí muốn trở thành mẫu mực là nhu cầu không chỉ của tự thân các nhà kiến trúc, mà là nhu cầu của cả cộng đồng. Nó cần một môi trường để được sinh ra, nuôi nấng và được khẳng định như những giá trị Việt mới. Cái đó có nhiều đường để đi, nhưng cách để nó ra đời thì chỉ có một: Anh phải hết sức có tâm trong công việc của anh, để rồi anh sẽ đạt tới một thành quả nào đó, không lợi dụng bất cứ phương tiện nào một cách cố tình, gượng ép để tỏ ra là mình là người tạo ra bản sắc mới.

Anh tạo ra, anh thấm nó, rồi đến một lúc nào đó, cũng giống như sự sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, anh thành công. Khi người ta làm mà lại nghĩ đến sự nổi tiếng, sợ một quyền lực nào đó, bị vụ lợi vì một lợi ích nào đó quá lớn, thì con đường đến gần với thành công càng xa vời.

- Ông có tự tin mình đang đi đúng hướng?

Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tôi luôn tự vấn mình, tự nhủ mình phải theo con đường đó. Mong mỏi định hình kiến trúc Việt đương đại là điều trăn trở của rất nhiều người có tâm, nhưng tôi cho rằng gượng ép cũng không được, vì đó là sự kết tinh. Nó sẽ xuất hiện khi có duyên, có cơ may. Nhưng tôi nhắc lại, mọi việc phải tuân thủ con đường hết sức tự nhiên, hợp quy luật, hợp với sự mong muốn, quyền lợi của cả một cộng đồng trong một thời đại sống với những điều kiện tự nhiên, xã hội, công nghệ... chứ không ép được.


Đình làng truyền thống Việt Nam (nguồn: Ashui.com)

Nhà khoa học còn cần có một Tổ quốc

- Đúng là ta không thể ép, không thể sốt ruột, không thể ra thời hạn kiểu "đến 1000 năm Thăng Long" phải đạt, nhưng làm sao để như ông đã từng nói, là đừng mắc những sai lầm khó sửa chữa. Cái cách Việt Nam đang dựa vào các KTS danh tiếng của nước ngoài, để tạo ra những công trình mang tính cách điệu kiến trúc Việt Nam có là cách làm đúng?

Đúng và không đúng! Đa phần đúng ở khía cạnh "dùng được", đa phần sai ở khía cạnh đi tìm sự "khai hóa" bản sắc Việt trong kiến trúc.

Khi mình chưa có đủ lực, đủ tài năng để làm điều gì đó thì mình nên đứng về xu thế đúng, để may ra có cơ may, còn đứng về xu thế không đúng thì coi như vô vọng. Rất tiếc, điều kiện chung của xã hội ta hiện thời đẩy kiến trúc và quy hoạch về phía thiếu cơ may.

Về kiến trúc thì người ta đang kỳ vọng vào sự khai hóa của lực lượng kiến trúc từ những nước đã phát triển, để mở mắt cho mình về chính điều thuộc về... truyền thống của mình. Điều đó tôi khẳng định, 100 lần cũng khẳng định giống nhau, là vô vọng.

Nếu anh cần làm cái gì đó để nhận diện nhanh chóng về tính hình thức của kiến trúc Việt Nam đối với người nước khác thì có thể được, nên lâu nay họ lầm lẫn. Bạn cũng thấy đấy, một nhiếp ảnh gia nước ngoài tài năng sẽ chọn được góc để chụp ngay được vẻ Việt Nam. Còn ta chụp cả tỷ tấm hình nhưng chọn vài tấm để giới thiệu VN ra nước ngoài thì có khi lại chọn sai. Bởi quá quen thuộc mọi thứ lại khó nhận ra đâu là sự khác biệt với người ngoài.

- Nghĩa là đang có sự nhầm lẫn giữa tính hình thức và bản sắc thật sự của kiến trúc Việt Nam hiện đại?

Chính sự nhầm lẫn đó đẩy đến việc được sự chấp thuận của nhà nước, của các bộ ngành trung ương, các chủ dự án đã mời các KTS nước ngoài vào ồ ạt, mong muốn tạo ra những vấn đề thuộc về bản sắc của mình, trong khi cơ chế hợp tác hợp lý với các nguồn tri thức quý giá trong nước đã và đang lỏng lẻo một cách đau xót. Đó là lý do tại sao khi đi sâu vào những vấn đề sâu sắc hơn, thì ngay cả những KTS rất đình đám, đáng kính như thế cũng lúng túng.

Tôi rất thích câu nói của Lev Tolstoi "Ngay cả nhà khoa học còn cần một tổ quốc, huống chi...". Ta cứ nghĩ nhà khoa học chỉ làm khoa học, họ là công dân toàn cầu, nhưng rõ ràng trong thâm tâm họ cần một chỗ dựa, một điều lớn lao để họ dâng hiến, tạo động lực cho họ. Huống chi nhà văn, họa sĩ, KTS... dứt khoát phải có một Tổ quốc, một nơi chốn mà chỉ riêng trực giác đã có thể đánh thức cho họ bao điều.

Đây là một lầm lẫn rất nghiêm trọng, nhưng lại đang diễn ra rất ồ ạt. Bạn có biết, hiện thời đã có hàng chục bệnh viện từ Bắc chí Nam được thiết kế bởi một KTS Hàn Quốc. Có KTS ở TPHCM đã thẳng thắn gọi ông này là "thợ vẽ bệnh viện", bởi các công trình rất giống nhau. Ngay khi tôi đi chấm 2 công trình bệnh viện ở Vũng Tàu, 1 cái 200 giường, 1 cái 600 thì cũng nhác nhác nhau.

Phải nói rõ là thiết kế bệnh viện rất phức tạp, bởi trong nó chứa hàng 500, 700 hạng mục nhỏ, nên một người chưa từng vẽ bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Còn ông này đã có sẵn một số chi tiết mẫu nên sẽ lắp ghép vào rất dễ dàng. Nhưng không thể hy vọng tạo dựng được phong cách kiến trúc Việt Nam đương đại từ cách làm "lười" như thế.

Tôi đành có lựa chọn của riêng mình, rằng những cuộc thi chỉ mời KTS nước ngoài như một định chế loại trừ về năng lực kiến trúc sư trong nước (trong đó chắc chắn là có cả tôi!) thì tôi từ chối lời mời tham gia chấm. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng đã có nhiều lần quyết định như vậy.

Đi về phía thiếu cơ may 

- Nãy giờ chúng ta nói nhiều về KTS nước ngoài, và ông đã khẳng định không thể trông chờ vào họ để tạo ra giá trị mới cho kiến trúc Việt Nam. Còn KTS Việt Nam đang ở đâu trong hành trình này? Có một thực tế nhức nhối là suất đầu tư cho những công trình kiến trúc ở Việt Nam quá thấp? 

Tôi xin được nhắc lại phạm vi trao đổi của chúng ta từ đầu. KTS nước ngoài, với nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quản lý, thiết kế, kỹ thuật ... là người đồng hành cần thiết lắm chứ. Cái đáng nói là hệ quả xấu. Xu hướng lệch, nguy hiểm nhất của ta là "sính ngoại", nhờ người rất ít biết về cái của mình đi khai hóa cho mình.

Còn lực lượng chủ thể, cảm rất tốt cái hồn của kiến trúc Việt Nam thì lại không có cơ hội, không được khuyến khích, không đủ kỹ năng để tổng hợp và chuyển nó thành giá trị mới. Cơ hội ngày càng teo tóp đi cho lực lượng lẽ ra phải là lò nung, là nồi hầm mang lại cơ hội nhất.

Nói về suất đầu tư, tôi buộc phải đưa ra sự so sánh thế này. Khi chúng ta xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, suất đầu tư khoảng 3000 USD/m2 sàn, trong khi tất cả các công trình lớn của ta thời đó chỉ loanh quanh khoảng 4, 5 triệu đồng/m2 sàn. Một sự chênh lệch khủng khiếp. Với suất đầu tư teo tóp thế kia, bạn nghĩ KTS Việt Nam phải xoay sở thế nào để tạo ra những giá trị mới? Chưa kể, suất đầu tư từ Cà Mau đến Lạng Sơn là giống nhau. Nhà nước như thế nên tư nhân cũng nhìn vào nhà nước để ép KTS chúng tôi.

Có thể nói, một trong những cái dở của quản lý nhà nước ở ta là anh nghĩ anh tiết kiệm, anh chắt bóp, nhưng thực ra, anh tầm thường hóa những giá trị hạ tầng xã hội bằng cách đưa ra những giá đầu tư mang tính chất phá hoại. Anh chỉ đốt tiền để tạo thành những đống vật liệu không có giá trị. Nếu so với công cuộc trong mấy năm của Trung Quốc để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 đã để lại những công trình để đời, còn ta trong mấy chục năm vừa qua tiêu tốn gấp nhiều lần để chỉ tạo vô số công trình xấu xí.

- Với những công trình thật sự hiện đại, không mang chút nào bản sắc Việt Nam, thì khả năng dung nạp vào một thành phố để không làm mất hồn cốt Việt là như thế nào?

Cuộc sống đương đại đòi hỏi rất nhiều loại và đẳng cấp công trình khác nhau. Không phải lúc nào cũng tỉ tê một điệp khúc "bản sắc". Nhưng có một yêu cầu tối thiểu về văn hoá ứng xử là nếu chưa có gì để đóng góp về giá trị bản sắc mới thì ít nhất cũng không được tùy tiện gây phản cảm bằng những thứ dễ dãi, thô thiển, xa lạ với tập quán và mỹ cảm người Việt.

Việc đó có thể điều tiết được bằng phối hợp và công nhận lẫn nhau trong công tác tư vấn giữa các quốc gia, mà lâu nay ở Việt Nam là một khoảng trống lớn đầy rủi ro (chưa có Luật Kiến trúc sư, chưa có Kiến trúc sư đoàn... như thông lệ các quốc gia khác). Cơ hội (và cả quy định) để tư vấn nước ngoài tìm cộng tác tin cậy trong nước rất thiếu ràng buộc.

Cơ hội và năng lực tài chính để tư vấn trong nước tìm cộng sự nước ngoài càng hiếm hoi hơn. Và như thế, cục diện này không còn là câu chuyện nghề nghiệp, câu chuyện quyền lợi hay đạo đức, văn hoá hay thực dụng mà đã trở thành câu chuyện thời cuộc, câu chuyện ứng xử đủ tầm của các chính sách quốc gia.

Khánh Linh (thực hiện) 

>> KTS Nguyễn Văn Tất: “Tôi luôn mong muốn được đổ đầy” 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: