Đánh thuế cao để xóa đô thị "ma"

Chủ nhật, 04 Tháng 3 2012 17:21 VEF
In

Hơn 760 đô thị lớn nhỏ với tốc độ đô thị hóa cao nhưng quá trình phát triển nhanh lại đang để lại rất nhiều tồn tại, thách thức ngược trở lại cho quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam. Điều tiết chính sách thuế là một hướng để điều tiết. 

Bà Đỗ Tú Lan - Phó cục trưởng Cục phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định sắp tới chính sách mới sẽ khắc phục những bất cập nổi cộm trong phát triển đô thị. 

Thưa bà, chủ đầu tư các khu đô thị mới hầu hết chỉ tập trung vào việc xây nhà thương mại để bán, bất kể hệ thống hạ tầng cơ sở trong các khu đô thị chưa hoàn thiện. Điều này tạo ra những khu đô thị thiếu đồng bộ gây ra nhiều bất cập cho cuộc sống của người dân. Vậy Bộ Xây dựng có những giải pháp thế nào?

PGS.TS Đỗ Tú Lan (ảnh bên): - Đây là những vấn đề, tồn tại của quá khứ, còn từ khi có Nghị định 02 của Chính phủ đối với việc quản lý các khu đô thị mới thì việc này cũng đã được hạn chế, rồi các nghị định khác như Nghị định 71, thông tư 16 ban hành về việc khi nào được bán nền, khi nào được bán nhà ở đã hạn chế rất nhiều. 

Tuy nhiên thời gian tới chúng tôi xây dựng Nghị định đầu tư xây dưng khu đô thị mới thay thế Nghị định 02, chúng tôi sẽ quan tâm hơn điều tiết các vấn đề đang cộm nói trên. Không chỉ vấn đề chủ đầu tư tranh thủ bán nhà khi hạ tầng không khớp nối, đồng bộ mà còn cả vấn đề bán rồi không ai sử dụng. Ví dụ những khu đô thị có chủ sở hữu rồi nhưng không có người sử dụng thực, tạo ra những đô thị "ma", những đô thị chỉ có nền mà không xây dựng. 

Vừa qua chỉ thị của Thủ tướng liên quan tới bất động sản có yêu cầu rà soát và đánh giá xem nhu cầu sử dụng thực tế của người dân như thế nào. Nếu người ta mua thực sự để ở thì bất động sản đó sẽ nằm trong hệ thống quản lý nhà sử dụng, còn nếu như mua nằm trong hệ thống để buôn bán thì không cấm, nhưng sẽ sử dụng thuế để điều tiết. Đây là công cụ điều tiết các hoạt động mua bán nhà.

Nhà nước vừa có nguồn thu mà lại hạn chế được các đối tượng buôn bán, bởi hiện nay không bị đánh thuế gì cho nên mọi người cứ để nhà không ở triền miên, song nếu bị đánh thuế, họ sẽ phải có những động thái khác hoặc sẽ tập trung cho những chủ đầu tư có điều kiện để làm dịch vụ đó. Khắc phục được tình trạng toàn dân ai cũng buôn bán bất động sản mà không có hiểu biết gì về thị trường, rất nhiều người chỉ đua nhau theo phong trào như hiện nay.

Quá trình phát triển đô thị của nước ta tạo áp lực rất lớn cho hệ thống giao thông đô thị. Đơn cử như tại nội đô của Hà Nội, nhiều khu nhà cao tầng mọc lên, mật độ rất cao, lợi dụng các trục đường giao thông vốn đã quá tải trước đó. Thời gian tới, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa bà?

- Thực ra chúng ta không thể nói các đô thị không phát triển đường giao thông. Mấy năm vừa qua giao thông đô thị ở phía vành đai cũng phát triển rất nhiều, đường mở ra lớn và nhiều, tuy nhiên đúng là trước đó, chúng ta cũng muốn mở, cải thiện đường trong nội đô nhưng rất là khó khăn vì không giải tỏa được.

Chiến lược thứ hai là phải giãn dân ra và mở rộng các tuyến đường như các đường khu vực vành đai bên ngoài. Thời gian qua, chúng ta cũng giãn được tương đối nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đòi hỏi hiện nay chúng ta phải tăng cường hơn các loại giao thông công cộng bởi vì càng mở rộng đô thị thì nhập cư cũng càng lớn. Nhật Bản rất mạnh trong phát triển giao thông công cộng mà cụ thể là các tuyến tàu điện nhanh quy mô lớn. Hiện nay tại Hà Nội và TPHCM chúng ta đang duyệt và xây dựng 5 tuyến đường, kết hợp với các xe bus công cộng chứ giải pháp chống ùn tắc không chỉ là mở đường giao thông bình thường.

Cái tiếp theo chúng ta phải chặt chẽ hơn đó là đầu tư trọng tâm cho đường giao thông đô thị để giải phóng cho đường quốc lộ để khắc phục tình trạng lấy đường quốc lộ làm đường đô thị như hiện nay. Đây là cái tồn tại của quá khứ, do khó khăn về đầu tư và không chặt chẽ về quản lý xây dựng. Vấn đề này Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Xây dựng để làm chặt chẽ hơn vì lâu nay thiếu về đầu tư cho nên chúng ta không có đường giao thông đô thị, người dân phải bám quốc lộ để sử dụng kéo theo công trình xây dựng cũng bám theo đường gây ùn tắc và mất an toàn.

Đối mặt với tình trạng tắc nghẽn ngày càng gia tăng tại nội đô Hà Nội, nhiều ý kiến của người dân cho rằng đó là lỗi của quy hoạch xây dựng. Bà nói sao về nhận xét này?

- Tôi có 30 năm làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị, tôi nhìn các đồ án quy hoạch được vẽ không gian rất đẹp, đường phố rất khang trang và tiêu chuẩn nhưng do không đầu tư và quản lý được đúng như thế, đấy là cái mà chúng ta không đạt được theo quy hoạch chứ không phải là tại quy hoạch.

Tất nhiên cũng phải thừa nhận có tình trạng quy hoạch vẽ không được sát thực tế nhưng không thể cái gì cũng đổ tại quy hoạch. Đương nhiên quy hoạch là cơ sở ban đầu để mọi người nhìn vào nên người dân cũng chỉ hiểu tại quy hoạch đầu tiên thành ra thực tế giờ mới ra thế này. Nhưng đâu biết rằng quá trình thực hiện quy hoạch nhiều khi là lực bất tòng tâm.

Ví dụ, con đường yêu cầu mở rộng thế này nhưng trên thực tế không điều chỉnh, giải tỏa, không đầu tư được như con đường Kim Liên tại Hà Nội hàng 10 năm mới giải tỏa mở rộng được như bây giờ; thậm chí theo quy hoạch người ta còn muốn mở rộng hơn 2 bên đường song cũng do đền bù giải tỏa không làm được. Có thể thấy vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều chính sách và yếu tố khác nhau. 

Dũng Thành (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: