"Cần cải thiện cơ chế để hút đầu tư giao thông", ông Tsuno Motonori, JICA

Thứ sáu, 27 Tháng 7 2012 10:38 Vietnam+
In

Một loạt tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sắp khởi công đang hứa hẹn sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô. Ngoài nguồn vốn ODA, việc hợp tác theo mô hình công-tư (PPP) là một phần không thể thiếu để đẩy nhanh các dự án.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít doanh nghiệp nước ngoài khá rụt rè khi đầu tư vốn vào những dự án quy mô này. Việc thiếu thông tin về dự án đang khiến nhiều doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản cảm thấy nhiều rủi ro.

Đánh giá này đã được ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo quốc tế “Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững”.

Giao thông đô thị được quy hoạch nhiều lần nhưng nhiều bất cập vẫn không được giải quyết. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này do đâu?

Ông Tsuno Motonori (ảnh bên): - Làm việc ở Việt Nam từ những năm 1992, tôi thấy rằng, so với 20 năm trước, hệ thống đường sá của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Dựa trên số ngân sách Việt Nam đang có,  tôi thấy Chính phủ đã xây dựng tốt cơ sở hạ tầng và JICA đánh giá cao những nỗ lực này.

Tuy vậy, xây dựng trong 20 năm là khoảng thời gian quá dài. Cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc lập kế hoạch cũng như di dân cần có kế hoạch và hiệu quả hơn.

Hiện nay, trong vấn đề quy hoạch đô thị, Nhật Bản đang giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị số 1, 2. Tuy nhiên, những tuyến đường sắt này được xây dựng bây giờ đã khá muộn khi tình hình giao thông đã trầm trọng hơn.

Theo tôi, nên để quy hoạch giao thông đi trước một bước so với quy hoạch đô thị. Những tuyến đường sắt đô thị đã bắt đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ở thành phố khác như Đà Nẵng, chúng ta cũng cần lập ngay kế hoạch chuẩn bị.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố nên chủ động có quyết định nhanh chóng, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục nhân dân nắm bắt được quy hoạch đó.

Trong điều kiện thắt chặt đầu tư công như hiện nay, làm sao để Hà Nội và các thành phố khác huy động vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả cho các dự án giao thông?

- Theo tôi, ngoài những khoản vốn vay ODA, chúng ta nên nghĩ về mô hình công-tư (PPP). Tuy nhiên, để kêu gọi được những khoản đầu tư này từ phía Nhật Bản thì Việt Nam phải có quy hoạch đô thị kết hợp quy hoạch dọc tuyến.

Quy hoạch dọc tuyến cũng cần làm rõ về cơ cấu khai thác, quyền lợi cụ thể nếu các doanh nghiệp đầu tư vào thế nào hay việc di dân ra sao.

Thực tế, Nhật Bản có rất nhiều công ty đường sắt lớn, nhiều kinh nghiệm. Những công ty này cũng rất quan tâm tới việc đầu tư vào lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện không biết Việt Nam có kế hoạch thế nào nên thấy nguy cơ rủi ro. Chính vì thế, họ không biết có nên đầu tư hay không. Để thu hút vốn hơn nữa, Việt Nam cần cải thiện cơ chế để nhận được nhiều hợp tác.

Còn với những tuyến đường có sự hỗ trợ của Nhật Bản, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tới khi dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Phải mất nhiều năm nữa, nhiều dự án lớn trong giao thông đô thị mới được hoàn thành. Vậy trước mắt, Việt Nam cần làm gì để khắc phục những khó khăn trong giao thông, thưa ông?

- Trước hết, tôi nghĩ phải cải thiện ý thức người dân. Việc các phương tiện giao thông đi mất trật tự như hiện nay không những thiếu an toàn giao thông mà còn gây tắc nghẽn.

Thứ hai, tôi nghĩ Việt Nam cần phát huy hết loại hình giao thông công cộng như xe buýt. Hiện nay, chúng ta đã tăng nhiều tuyến xe buýt nhưng vẫn cần khai thác hiệu quả hơn để người dân chuyển dần từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Tiếp nữa là vấn đề cấp bách: giao thông tĩnh. Trong điều kiện xe ôtô đang tăng nhanh thì dù chúng ta có xây bao nhiêu đường mà không có chỗ đỗ những chiếc xe ấy vẫn cản trở giao thông. Theo tôi, các tòa nhà khi xây dựng mới phải bắt buộc có khu để xe. Ngoài ra, ở Nhật Bản, người dân có ôtô cũng phải đảm bảo mình có chỗ đỗ.

Một vấn đề nữa là ở Nhật Bản, nhất là thành phố lớn thì cự ly để người dân đi bộ khá nhiều. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vỉa hè thường bị lấn chiếm nên dù cự ly nhỏ, mọi người cũng phải sử dụng xe máy. Vì thế, chúng ta phải làm sao cải thiện tình hình này, giúp mọi người đi bộ được nhiều hơn./.

Việt Hùng - Xuân Dũng (thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: