Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển đô thị bền vững

Thứ tư, 05 Tháng 9 2012 00:02 SGGP
In

Phát triển đô thị bền vững là một trong những nhiệm vụ được Trung ương giao cho TPHCM trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.  

Rà soát, đánh giá lại quy hoạch 

Thưa ông, để xây dựng chính quyền đô thị hướng tới quản lý đô thị theo quy hoạch nhằm phát triển bền vững, TPHCM phải thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, từ đâu và khâu nào là khâu đột phá?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (ảnh bên): - Như nhiều địa phương khác trong cả nước, TPHCM đang quản lý phát triển đô thị chủ yếu theo ranh hành chính quận, huyện mà chưa chú ý nhiều tới các điều kiện mang tính quyết định đến quá trình hình thành và phát triển đô thị như: địa hình, địa chất, thủy văn, hiện trạng kiến trúc đô thị, trình độ quản lý… Đây là một thách thức rất lớn trong việc tận dụng ưu thế của từng địa phương để phát triển một cách bền vững và thân thiện với môi trường. 

Muốn xây dựng chính quyền đô thị hướng tới quản lý đô thị theo quy hoạch nhằm phát triển bền vững, trước hết phải thay đổi cách làm quy hoạch theo hướng làm quy hoạch phân khu như vậy. Chính quyền các quận, huyện chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trên địa bàn. Việc phát triển đô thị sẽ được nhìn nhận, đánh giá và triển khai trên cơ sở đánh giá tiềm năng chung của cả thành phố.

Để thực hiện được công tác này, bên cạnh nỗ lực của TPHCM, Trung ương cũng cần sớm ban hành những bộ luật mới như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đô thị… để TPHCM có đầy đủ cơ sở khoa học hoàn thiện và đưa đề án Chính quyền đô thị vào cuộc sống. 

TPHCM đang tồn tại một thực tế là nếu chưa có quy hoạch chi tiết 1/2.000 thì việc quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý. Song nếu có quy hoạch chi tiết 1/2.000 cũng chưa chắc đã tốt vì năng lực thực hiện, đặc biệt năng lực tài chính để thực hiện quy hoạch của thành phố còn hạn chế. Quy hoạch trở thành quy hoạch treo và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Vậy cách nào giải quyết các bất cập này?

- Trong thời gian khá dài vừa qua, nhiều quận, huyện đã tổ chức lập quy hoạch một cách tràn lan, thiếu kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể. Những quy hoạch kém chất lượng, thiếu tính khả thi như thế đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Khắc phục điều này trước hết thành phố cùng các quận, huyện phải rà soát lại công tác lập quy hoạch, mạnh dạn loại bỏ những quy hoạch kém chất lượng. 

Song song đó, thành phố cần xây dựng cho được kế hoạch thực hiện quy hoạch cho từng năm, 3 năm hoặc 5 năm. Kế hoạch thực hiện này phải gắn chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vì đánh giá đúng năng lực tài chính cho công tác phát triển đô thị sẽ làm cho quy hoạch phát triển đô thị khả thi hơn. Ngược lại, phát triển đô thị đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp thành phố giải quyết các vấn nạn về quá tải hạ tầng, hướng tới phát triển bền vững. 

Quy hoạch tốt sẽ thích ứng được với biến đổi khí hậu 

Cách nay 3 năm Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng TPHCM nhưng cho đến nay sự tác động của quy hoạch đó đối với TPHCM và các địa phương trong vùng chưa rõ nét lắm. Nghị quyết 16 ngoài việc nói về sự phát triển của TPHCM đến năm 2020 cũng nói sự liên kết giữa TPHCM và các địa phương. Làm thế nào có được sự liên kết này?

- Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM vừa qua chưa được nghiên cứu kỹ, thiếu sự quan tâm đóng góp thấu đáo của nhiều tỉnh thành nên sau khi được phê duyệt hầu như chưa phát huy được tác dụng. Trong quá trình tôi đi làm việc với khá nhiều tỉnh thành trong vùng TPHCM để trao đổi các công việc liên quan tới công tác quy hoạch đô thị, Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM hầu như ít được nhắc đến như một đầu mối liên kết vùng quan trọng. 

Để có được sự liên kết chặt chẽ giữa TPHCM và các đô thị trong vùng, Chính phủ và các bộ ngành phải vào cuộc, phải là đầu mối cho sự liên kết của các địa phương, phải góp ý cho các dự án đầu tư của các địa phương trên cơ sở kết nối vùng. Tôi lấy ví dụ, TPHCM chuẩn bị xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tới giáp ranh với tỉnh Bình Dương thì các bộ phải “nhìn ra” ngay là nếu kéo dài tuyến metro này tới thành phố mới Bình Dương sẽ tạo động lực cho cả vùng phát triển thay vì để cho hai địa phương tự bàn bạc và đề xuất cho phép thực hiện. Các địa phương chủ động đề xuất cũng tốt song nhược điểm là sẽ làm chậm thời gian thực hiện dự án. 

Biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra gay gắt. Theo ông, TPHCM cần phát triển không gian đô thị như thế nào để ứng phó tốt với nguy cơ ấy?

- Thực ra, với tình trạng nhiều quận, huyện còn chưa quản lý tốt công tác xây dựng đô thị, vẫn để xây dựng tràn lan, chặn hướng thoát nước như hiện nay và việc bảo vệ hệ thống kênh, rạch, chống lấn chiếm chưa đạt hiệu quả như mong muốn thì TPHCM vẫn phải đối mặt với vấn nạn ngập nước và ô nhiễm môi trường sông, kênh, rạch. 

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích và chứng minh rằng: nếu như khí hậu không biến đổi thì với cách quy hoạch đô thị và thực hiện quy hoạch đô thị như hiện nay, chúng ta vẫn phải đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu xảy ra. Do vậy, cần chấm dứt ngay thực trạng này, còn để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo tôi, việc phải làm lúc này vẫn là tổng kết, đánh giá lại thật khách quan và khoa học ở mức độ sâu rộng hơn đối với công tác quy hoạch đô thị tại thành phố. Trong khoa học về quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, nếu được nghiên cứu và triển khai phù hợp thì chúng ta đã đủ khả năng tự thân thích ứng với các điều kiện tự nhiên trong đó có biến đổi khí hậu. 

Nguyễn Khoa (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: