Ông Hồ Nghĩa Dũng: "Hầm đèo Cả được thiết kế phù hợp với đường cao tốc Bắc - Nam"

Thứ năm, 18 Tháng 10 2012 09:56 SGTT
In

Với tổng vốn đầu tư 16.000 tỉ đồng, dự án hầm đường bộ xuyên đèo Cả (giữa tỉnh Phú Yên – Khánh Hoà) sẽ được khởi công vào cuối năm nay, thế nhưng, vẫn còn không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của dự án này. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên bộ trưởng bộ Giao thông vận tải, hiện là cố vấn cao cấp công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư hầm đường bộ đèo Cả) về những mấu chốt của dự án. 

Xin ông cho biết ý nghĩa kinh tế – xã hội của dự án hầm đường bộ đèo Cả?

Ông Hồ Nghĩa Dũng (ảnh bên): - Việc xây dựng hầm đèo Cả sẽ giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông diễn ra trên quốc lộ 1A tại khu vực đường đèo quanh co này. Hầm đường bộ sẽ tránh đường đèo dài nguy hiểm cuối cùng nối thông giữa hai miền Nam – Bắc, góp phần phát triển khu vực kinh tế Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hoà, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm như Vân Phong, Lọc hoá dầu Vũng Rô… Hầm Đèo Cả được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy hoạch, quy mô đường cao tốc Bắc – Nam.

Vì sao thời điểm khởi công cứ liên tục dời lại, thưa ông?

- Khi tiến hành thẩm tra phát hiện ra có vết đứt gãy ảnh hưởng đến kỹ thuật có thể gây ra sự cố công trình và tuyến đi đã chọn trước đây chưa được tối ưu, nên việc dời thời gian khởi công để điều chỉnh là tất yếu. Việc giảm chi phí đầu tư từ điều chỉnh chiều dài hầm 5,4km xuống còn 3,9km là điều đáng làm. Công ty cổ phần Đèo Cả đã báo cáo bộ Giao thông vận tải về các điều kiện chuẩn bị khởi công, tuy nhiên các vấn đề liên quan như mặt bằng sạch, ngân sách xây dựng tái định cư phải giải quyết xong thì mới xác định được thời điểm khởi công. Các công tác kiểm đếm và đền bù thực hiện phần đường công vụ đang triển khai; phần thiết kế kỹ thuật cho hầm chính đang được tập đoàn Vinci (Pháp) tiến hành, dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2013.

Việc chọn nhà thầu thi công, đến lúc này ra sao?

- Chúng ta cần xác định nhà thầu thi công cho loại nào, hạng mục nào của dự án. Khi đầu tư dự án, việc chọn lựa nhà thầu cho phần hầm được tiến hành hết sức thận trọng. Thực tế, công ty đã tổ chức thẩm tra năng lực các nhà thầu như Vinci (Pháp), POSCO (Hàn Quốc)… và đã xác định việc giao thầu giai đoạn thiết kỹ thuật do nhà thầu Vinci thực hiện. Những gói thầu để chuẩn bị cho việc khởi công (do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm) đã được lựa chọn. Trong quá trình triển khai, nếu thấy các nhà thầu đã chọn làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh hoặc thay thế các nhà thầu khác phù hợp hơn.

Tổng mức đầu tư dự án là 16.000 tỉ đồng, trong lúc vốn điều lệ của công ty cổ phần Đèo Cả chỉ trên 1.000 tỉ đồng. Như vậy, có đảm bảo năng lực tài chính cho dự án này?

- Việc này là điều tất yếu của các nhà đầu tư, bao gồm ngân hàng, các tổ chức kinh tế, các cá nhân khi kinh doanh hoặc tham gia dự án. Hiện tại, vốn điều lệ của chúng tôi là 1.078 tỉ đồng. Hơn ba năm qua triển khai dự án, nhà đầu tư bỏ ra hơn 400 tỉ đồng; giai đoạn thiết kế kỹ thuật hiện nay là hơn 200 tỉ đồng và chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Nhà đầu tư sẽ chọn lựa thời điểm, nhu cầu và phương án để huy động theo từng giai đoạn dự án. Trong trường hợp có những biến động về tài chính mà nhà đầu tư không đáp ứng được thì sẽ có phương án điều chỉnh. 


Phối cảnh cửa hầm đường bộ đèo Cả. Ảnh: công ty cổ phần Đèo Cả cung cấp. 

Xin ông nói rõ hơn về hình thức BOT và BT của dự án và làm sao có lãi qua việc đầu tư dự án?

- Đây là hình thức kết hợp giữa tư nhân và nhà nước, đã áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm có vai trò tư nhân làm nòng cốt, có sự hỗ trợ của nhà nước. Đối với một dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam mà chỉ thông qua thu phí thì tính hiệu quả rất khó khăn; chúng ta nên nhìn về lợi ích tổng hoà bao gồm lợi ích từ hoạt động kinh tế xã hội, từ các dịch vụ khác.

Đã có một số bất cập từ hầm đường bộ Hải Vân. Dự án hầm đèo Cả sẽ tính toán đạt tối ưu như thế nào?

- Mọi tính chất, mọi thời kỳ đều có cách làm khác nhau và công ty cổ phần Đèo Cả sẽ cố gắng tốt hơn. Chúng tôi sẽ giải quyết giảm được ô nhiễm môi trường trong hầm khi áp dụng nguyên lý pittong cho thiết kế hầm chiều dài dưới 4km của đèo Cả với hệ thống hầm đôi. Nhiều chuyên gia từng tham gia dự án hầm Hải Vân có mặt trong dự án hầm đèo Cả sẽ góp phần giải quyết các sai sót và làm tối ưu hơn dự án này.

Bích Đào (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: