“Công trình (thủy điện) nào đã đầu tư, nhưng không hợp lý cũng phải dừng…”

Thứ năm, 21 Tháng 11 2013 20:05 SGTT
In

Tại phiên họp của Quốc hội ngày 21/11, nhiều đại biểu vẫn lên tiếng đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của việc nhiều nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, gây nhiều thiệt hại to lớn về người và của ở các tỉnh miền Trung. Trong giờ giải lao Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trả lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề này.  

Thưa Phó Thủ tướng, việc xả lũ vừa qua ở một số nhà máy thủy điện có được coi là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên hậu quả hàng chục người dân chết, mất tích và những thiệt hại to lớn khác về tài sản của dân, cơ sở hạ tầng các vùng miền Trung không?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh bên): - Thủy điện thì phải tích nước và xả lũ. Vấn đề là anh phải xả đúng, nếu anh xả sai quy trình tức là anh làm nghiêm trọng hơn cho tình hình hạ lưu và khi anh xả sai như thế mới gọi là lũ chồng lũ. Tức là anh xả cao hơn cả mức nước bờ, anh không làm đúng quy trình xả lũ hồ chứa, cho nên lúc ấy để đảm bảo an toàn hồ chứa anh còn xả cao hơn đỉnh lũ. Đó là cái mình phải kiểm soát thật chặt. 

Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn yêu cầu bộ Công thương, bộ Nông nghiệp phải theo dõi chặt chẽ, nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình. Cái này cũng là do con người, rất chủ quan, do không phân công trực trong những ngày mưa lũ, không có mệnh lệnh chính xác thì nó có thể xảy ra. Những trường hợp đó chúng ta phải kiểm tra và xử lý rất nghiêm. Nó sẽ là quả bom, khi nó xuống sẽ không biết có điều gì xảy ra, cho nên là phải xử lý rất nghiêm – những người vận hành, những người khai thác mới thể hiện được hết trách nhiệm của người ta với vùng hạ du. Bởi phía dưới còn bao nhiêu người. 

Thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh việc điều hành xả lũ các hồ thủy điện thế nào? 

- Cái thứ nhất là rút kinh nghiệm hệ thống quan trắc. Để điều tiết hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ của nó thì cái số liệu dự báo càng chính xác càng tốt. Dù dự báo phải có sai số nhưng phải sai số ở mức thấp nhất. Những năm trước đây khi gặp tình trạng biến đổi khí hậu: mưa cục bộ, mưa cực đoan, chúng ta đều nói trong dự báo thời tiết thì dự báo mưa là khó nhất. Và nó hết sức khó trong điều kiện biến đổi khí hậu, cho nên Chính phủ đã đầu tư tăng dầy các trạm quan trắc. Sau vụ Đồng Xuân 2009 tại Phú Yên, ta thấy hệ thống quan trắc của ta không phát huy hết. Chúng ta thấy mưa rải rác không lớn, nhưng Đồng Xuân lại bị ngập tới tận nóc nhà, tức mưa cục bộ tới 1.000ml chứ không phải thấp như số liệu quan trắc. Nên tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc là việc rất quan trọng để đảm bảo các hồ của chúng ta phát huy hết năng lực chống lũ. 

Điều phải làm nữa là thông tin. Tôi đi kiểm tra xuống tận xã, dân được thông báo và được đi sơ tán, họ bảo nếu tôi không sơ tán kịp thì nước ngập tận đầu. Như vậy người dân họ cũng rất có ý thức, không chủ quan.

Tôi giao các bộ, ủy ban phải kiểm tra. Hiện nay đang giao cho bộ Nông nghiệp sửa nghị định 72, phải kiểm soát được luồng thông tin, từ lãnh đạo ban chỉ huy phòng chống lụt bão, từ các hồ đập, báo xuống cho lãnh đạo, ông nào chịu trách nhiệm truyền tin xuống ông nào. Các hệ thống truyền hình, phát thanh của địa phương phát huy tối đa. Nhiều địa phượng hệ thống truyền thanh của xã thông bị hỏng thì người ta cầm loa pin (Quảng Ngãi), hệ thống thông tin đấy cần xem xét để hoàn thiện. Vì vẫn có người dân nói tôi không được biết.

Như vậy, cũng đã có những dự báo và có sự chuẩn bị nhưng vì sao vẫn nhiều người chết như vậy? 

- Khi lũ về ban đêm như vậy, có người dân nói : “tôi ướt lưng mới biết lũ về”, số người chết đúng lúc lũ về là ít nhất, những vùng ngập sâu lũ nặng lại không chết người bằng những vùng ngập nhẹ, lũ ít hơn và sau khi lũ đang giảm rồi, họ lai ra đi làm đồng, nhặt cá tôm, giúp đỡ nhau…Ví dụ như trường hợp: ông ngoại gọi nhà ngập tới sàn rồi, không còn ai, con gái sang nhà bố đi bộ qua cánh đồng thì bị nước xiết kéo đi…. Đó là những trường hợp rất đáng tiếc! trong danh sách của ban Phòng chống lụt bão Trung ương, từng trường hợp có lý do chết và tại sao chết….

Trong chỉ đạo phòng chống lụt bão là tránh tối đa chủ quan, phát huy tối đa tính cộng đồng. Phải tiếp tục thông tin, công tác cộng đồng, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng: đường quốc lộ của ta nhiều đường chưa đảm bảo công tác chống lũ, mưa là ngập. Thậm chí nếu sơ tán chậm là không còn lối đi, do đó những vùng ngập sâu như Đại Lộc là phải đầu tư, một số địa bàn tại Quảng Nam, nếu không đầu tư hết được thì phải đầu tư những đường cứu hộ cứu nạn để tránh được tai nạn trong khi ứng phó với lũ bão.

Những năm qua nhiều ít đều có đầu tư cơ sở hạ tầng, khu dân cư mới, nhà kiên cố. Tuy vậy, khi một cơn lũ về như lũ năm nay, nó tự dưng thành vật cản của đường lũ, đường lũ sẽ tìm đường mới để đi, thậm chí là đi vào những vùng dân cư ổn định từ trước tới nay chưa bao giờ bị ngập. Ví dụ tôi đi Quảng Ngãi, Bình Định đều có những nhà dân cho biết từ trước đến nay chưa bao giờ bị ngập, nhưng do làm cái đường mới – làm khẩu độ thoát lũ không tương ứng.

Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, những tính toán trước đây về khẩu độ thoát lũ không còn phù hợp nữa đây là bài học rất lớn, trên cơ sở dòng lũ chạy, thường khi lũ về Thủ tướng vẫn có chỉ đạo các địa phương là đánh giá lại các khu dân cư bị đe dọa, bởi có những nơi nay nó thế này mai nó thế khác.

Cơn bão số 14 vừa qua, chuẩn bị ứng phó cấp 17, Thủ tướng ra lệnh tất cả nhà dân nhà cấp 3, 4 yếu phải di rời, đã di rời trên 800.000 dân, yêu cầu di rời cách mép nước 500m. May nó không vào, nếu nó vào thì những ứng phó liệu có hạn chế được thiệt hại hay không? Đây là vấn đề phải nghiên cứu đã giao cho bộ Nông nghiệp đánh giá tình hình của Philippin để có giải pháp cho phù hợp, bởi vì cơn bão cấp 17 có thể nay mai lại vào, nên cần phải chuẩn bị…. 


Việc loại bỏ 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã cứu Ramsar Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên khỏi bị ảnh hưởng trầm trọng hoặc có thể biến mất. 

Cũng có ý kiến cho rằng, quy trình vận hành liên hồ của mình chưa đảm bảo, thưa Phó Thủ tướng ? 

- Qua kiểm tra người ta đều bảo vận hành đúng quy trình, quy trình hợp lý hay không chưa thấy tỉnh nào nói. Nhưng chính địa phương và bộ phải xem xét.

Thưa Phó Thủ tướng, ở một số nước, có những công trình thủy điện quy mô lớn, đã đi vào vận hành rồi, người ta thấy tác động môi trường lớn, họ vẫn ra quyết định đình chỉ. Với mật độ những công trình dày đặc như miền trung, qua sự việc lần này có công trình nào bị đình chỉ?

- Đúng là những công trình nào không hợp lý, chỉ gây hại không lợi thì phải dừng. Nên mình phải tiếp tục rà soát, tiếp tục ban hành quy trình liên hồ chứa, vừa rồi đã ban hành 5 quy trình liên hồ chứa mùa lũ, giờ Thủ Tướng giao cả quy trình liên hồ chứa mùa cạn nữa, mùa cạn mọi người thấy có hạn lịch sử nên đặt ra các giải pháp mới, vậy thủy điện phải đảm bảo dòng chảy tối thiểu, đảm bảo môi trường, cung cấp nước, sẽ tác động thông số kinh tế tài chính của dự án, lúc đấy Chính phủ cần chỉ đạo đảm bảo thông số tài chính. Cả kể công trình xây rồi nhưng không có tý nước nào, thì vẫn phải xử lý, đảm bảo sự bền vững. Không vì số liệu về tài chính lại hy sinh lợi ích phía hạ du, nếu không thì không phát triển bền vững được. 

Thưa Phó Thủ tướng, một số đại biểu Quốc hội đã tỏ ý không hài lòng về phát biểu của Bộ trưởng bộ Công thương về vấn đề quy hoạch thủy điện. Ở đây là thực sự là trách nhiệm của ai ? 

Về quy hoạch thủy điện, đã rà soát rồi, hơn 400 dự án đã tách ra rồi giờ làm tiếp như thế nào? Thứ nhất phải đánh giá xem tại sao số dự án bị loại ra nhiều thế? Thì điều đầu tiên là phải đánh giá chất lượng của tư vấn. Ta quay lại kiểm tra xem những ông tư vấn nào có dự án quy hoạch anh làm chất lượng thấp để anh phải loại. Trước đây bỏ giấy phép con, đã bỏ giấy phép cho các công ty tư vấn, điều này hết sức nguy hiểm, bởi đã bị một số trường hợp tư vấn quy hoạch, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát không đảm bảo chất lượng thì nguy hại cho công trình. Ngoài ra tư vấn chỉ là cơ quan đề xuất, nên vẫn cần xem lại xem năng lực đánh giá quy hoạch cấp tỉnh, thứ ba cơ quan quản lý cấp bộ -bộ Công thương về thủy điện, bộ Nông nghiệp làm về thủy lợi từ đó xác định mức độ trách nhiệm. 

Qua đây, chúng ta rút ra kinh nghiệm gì? Quy hoạch là dựa trên dự báo, đối với thủy điện – không làm kỹ cũng giống như các quy hoạch khác thôi. Khi quy hoạch thủy điện: dựa trên tiềm năng, rồi đánh giá tác hại đến hạ du, báo cáo ĐTM (tác động môi trường) rồi phê duyệt quy hoạch. Đến dự án thì phải báo cáo khả thi, ĐTM, lúc đấy định nghĩa vùng dự án, đối tượng bị tác động, di dân. Tiếp theo là thiết kế cơ sở mới rõ mức hồ chứa, số người bị tác động, UBND địa phương dựa trên đó mới phê duyệt, xem ông tác động bao nhiều rừng của tôi, dân của tôi, đất sản xuất của tôi, bố trí dân tôi đến nơi đảm bảo điều kiện được không? Cho nên phải rà soát kỹ hơn. 

Thủ tướng đã yêu cầu từ nay trở đi các dự án thủy điện là không cấp nữa. Chính phủ sẽ kiên quyết phê duyệt các dự án hạng A. Chính phủ sẽ thành lập hội đồng đánh giá dự án trước khi quyết định, với dự án B, C thì phân cấp cho các bộ nhưng vẫn phải có hội đồng đánh giá dự án, để làm kỹ hơn. Nếu thấy bất cập thì vẫn phải điều chỉnh, hoặc đình chỉ. 

Với việc dừng hơn 400 dự án thế, thì trách nhiệm địa phương như thế nào trong việc phê duyệt như vậy? 

- Quy hoạch chưa gây hại gì nên chưa thể xử lý, chưa xây đã bị loại, phải nâng cấp năng lực của địa phương, như Thủ tướng nói đưa về trên này, thành lập hội đồng để làm kỹ hơn. Đầy đủ hơn.

Đại biểu Quốc hội đã có đề nghị điều tra lại việc xả lũ các thủy điện, truy cứu trách nhiệm hình sự? Chính phủ có chỉ đạo làm theo đề nghị này không, thưa Phó Thủ tướng ?

- Hệ thống luật pháp của mình có hết rồi, nếu địa phương hoặc bộ phát hiện sai thì sẽ điều tra theo trách nhiệm, chức năng của họ, hình sự hay không thì pháp luật họ phải xem. Với những trường hợp các địa phương báo cáo, những trường hợp nào thấy sai thì xử lý.

Cũng có những thông tin báo chí nêu vừa qua khác với báo cáo. Ví dụ Bình Định nói vỡ hồ, nhưng có vỡ đâu, hay bảo ngập 8m nhưng đâu có…Trong bão lũ thông tin cần chính xác nếu không gây hoang mang, người ta xả lũ không làm xấu cho hạ du. Xả lũ sai tức là anh làm trầm trọng thêm cho hạ du, vi phạm – gây thiệt hại sẽ phải đền bù.

Phó Thủ tướng đi địa phương có thấy nhà máy thủy điện nào vì lợi nhuận nên tích nước quá đà nên đã không xả nước sớm dẫn đến khi lũ về thì lại xả đột ngột? 

- Tôi đến địa phương nào tôi cũng truy nhưng chưa thấy địa phương nào nói đến… 

Mạnh Quân - Thanh Tuyền (SGTT /thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: