Biến đổi khí hậu: "Thách thức với Việt Nam rất lớn"

Thứ năm, 16 Tháng 1 2014 16:06 Tuần Việt Nam
In

LTS: Là một trong 5 nước trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu (BĐKH), việc tìm ra cách chủ động ứng phó và thích ứng phù hợp đang ngày càng cấp bách với Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Hồ Ngọc Sơn, tiến sĩ chuyên ngành BĐKH, Đại học Quốc gia Úc, hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc (ADC) - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Thách thức lớn

VN được cảnh báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Từ quan sát đối với những hiện tượng thiên tai bất thường của VN, ông có thể đưa ra cái nhìn tổng quát về vấn đề này trong thời gian gần đây, nhất là trong năm qua và dự báo những thách thức, hậu quả lớn trước mắt của chúng ta? 

Tiến sĩ Hồ Ngọc Sơn (ảnh bên): - Thống kê của Bộ TNMT cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, thiên tai làm chết và mất tích khoảng 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm. Chỉ trong năm 2013 cho đến thời điểm này, đã có hơn 10 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong tháng 11/2013, thiên tai làm 54 người chết, mất tích và 93 người bị thương; hơn 600 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; gần 260.000 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái, v.v...

Như vậy có thể thấy thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam là rất lớn. Nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó phù hợp hiệu quả thì hậu quả sẽ rất lớn, có thể là 8-10% GDP theo một số nghiên cứu gần đây.

Đối với riêng khu vực Miền núi phía Bắc (MNPB) là khu vực trọng tâm trong các nghiên cứu của ông, biến đổi khí hậu có có những đặc thù gì? Và chúng để lại hậu quả ra sao đối với cuộc sống vốn đã rất khó khăn với người dân ở đây? Ông có thể dẫn chứng và phân tích một vài hiện tượng diễn ra gần đây?

- Đặc thù của BĐKH tại khu vực MNPB đó chính là nhiệt độ cao tăng và mùa đông ngắn hơn so với trước đây. Theo số liệu quan trắc thì nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè. Lượng mưa và mùa mưa thay đổi tùy theo các vùng.

Hậu quả là cường độ bão lũ gia tăng, hạn hán và thiếu nước kéo dài. Ví dụ lũ năm 2008 do bão Kammuri (tháng 8) làm thiệt hại lớn về người (162 người chết) và tài sản cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Hạn hán năm 2009, kéo dài đến 2010 trên hầu hết các tỉnh MNPB làm thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông lâm nghiệp, bao gồm cả việc gia tăng nguy cơ cháy rừng, điển hình là cháy rừng ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên vào tháng 1/2010 thiêu chụi hơn 1.000 héc ta rừng.

Bên cạnh đó, mặc dù nền nhiệt tăng nhưng các hiện tượng rét đậm, rét hại mà điển hình là rét đậm năm 2008 (kéo dài 38 ngày), 2011 (kéo dài gần 30 ngày) diễn ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại cho sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống xã hội. Ví dụ rét đậm năm 2008 đã làm chết hơn 110.000 gia súc ở các tỉnh MNPB.

Đối với người dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số MNPB thì trâu bò là những tài sản lớn, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hộ gia đình. Do vậy có thể nói rằng BĐKH khu vực MNPB có những đặc thù riêng do các yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội của khu vực này.

Một số quan điểm cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực MNPB đã có những nghiên cứu, khảo sát song vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ý kiến của ông về chuyện này ra sao?

- Đúng là khu vực MNPB chưa được quan tâm đúng mức nếu xét về tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó. BĐKH đã và sẽ gây hậu quả nặng nề đến khu vực MNPB do khu vực này có nhiều yếu tố tạo ra tình trạng dễ bị tổn thương, ví dụ tỉ lệ đói nghèo cao, nguồn lực để ứng phó hạn chế, môi trường sinh thái bị suy thoái, địa hình phức tạp, sinh kế của người dân tộc thiểu số MNPB phụ thuộc chủ yếu vào nông lâm nghiệp, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, thời thiết.

Thực tế có rất ít các chương trình ứng phó BĐKH được thực hiện tại khu vực MNPB, chủ yếu là ở khu vực miền trung, Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay chỉ có một số dự án nhỏ do trung tâm ADC thực hiện và được tài trợ bởi tổ chức CARE Quốc tế, các hoạt động tập trung vào hỗ trợ các mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng và kết quả rất đáng khích lệ.

Tư duy "từ trên xuống"

Đối với vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu ở khu vực miền núi, một số chuyên gia chỉ ra lâu nay các nhà hoạch định chính sách của VN vẫn còn nặng tư duy xây dựng chính sách "từ trên xuống", chưa quan tâm nhiều/ bỏ qua vai trò, kiến thức bản địa của người dân địa phương. Hoặc quá chú trọng hỗ trợ vật chất đến mức khiến người dân bị phụ thuộc chứ chưa chú ý đến việc xây dựng khả năng tự ứng phó cho khu vực này. Quan điểm của ông ra sao?

- Từ kết quả nghiên cứu gần đây và kinh nghiệm nhiều năm làm việc với người DTTS, có thể thấy rằng người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm và tri thức bản địa quan trọng trong ứng phó với BĐKH. Trên thế giới thì vai trò của kiến thức bản địa trong ứng phó với BĐKH đã được khẳng định qua các nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí uy tín.

Hiện nay nhìn chung thì các cơ quan quản lý, chính quyền đều chủ yếu coi trọng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc hỗ trợ thì thiên về cải thiện điều kiện vật chất, với những hỗ trợ từ bên ngoài (giống mới, phân bón,..), thiếu thông tin về văn hóa, xã hội của người dân tộc thiểu số.

Việc coi nhẹ kinh nghiệm và kiến thức bản địa trong các chương trình phát triển, xóa đói giảm nghèo cũng như ứng phó với BĐKH sẽ dẫn đến việc những kiến thức bản địa (giống, kỹ thuật) quý báu đó dần dần bị mất mai một và biến mất, đó là điều rất đáng tiếc.

Chẳng hạn, bàn cụ thể đến Chương trình 135 - chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi 135, đến nay được đánh giá là đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Xong theo ông, đâu là những điểm còn phải khắc phục để chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa?

- Qua các hoạt động nghiên cứu của cá nhân, dự án của trung tâm ADC và  làm việc với cộng đồng được hưởng chương trình 135 thì thấy rằng có nhiều hoạt động không hiệu quả do việc lập kế hoạch "từ trên xuống" và có thể do vấn đề giải ngân chưa hợp lý. Ví dụ hoạt động tập huấn về phòng dịch bệnh gia súc gia cầm ở một địa phương được thực hiện vào thời điểm đã phát dịch vì trước đó lúc cần tập huấn thì ngân sách chưa được "duyệt".

Ví dụ khác là người dân tộc Hmông sống ở vùng cao rất lạnh, nhưng được hỗ trợ lợn giống mới (lợn lai, lợn trắng) kết quả là người dân hoặc là bán hoặc nếu nuôi thì cũng không phát triển được vì không phù hộ với khí hậu và điều kiện chăm sóc của địa phương. Đây chính là hậu quả của việc lập kế hoạch "từ trên xuống".

Cần coi trọng kiến thức bản địa

Được biết hiện nay các chương trình, dự án của ông và cộng sự tập trung vào việc nâng cao tiếng nói và sự tham gia cho người thiểu số (DTTS), thông qua vận động cho vai trò, giá trị của kiến thức bản địa trong thích ứng BĐKH. Xuất phát từ đâu mà các ông có định hướng này?

- Ý tưởng về vận động cho vai trò và giá trị của kiến thức bản địa (KTBĐ) trong thích ứng với biến đổi khí hậu xuất phát từ thực tế là KTBĐ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của người dân tộc thiểu số. Đồng thời, trong Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) có đề cập tới việc đẩy mạnh sử dụng KTBĐ trong ứng phó BĐKH.

Việc áp dụng, sử dụng các kiến thức và kinh nghiệm của người dân trong các chương trình phát triển sẽ giúp họ tự tin, do đó góp phần tăng cường sự tham gia và tiếng nói của họ. Các chương trình dự án của trung tâm ADC luôn coi trọng sự tham gia của cộng đồng với mục đích nâng cao năng lực và tiếng nói của họ trong việc đề xuất và giải quyết các vấn đề của họ.

Việc thừa nhận vai trò và giá trị của KTBĐ một cách chính thức trong các chương trình chính sách của nhà nước sẽ góp phần thừa nhận sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người DTTS.

Theo ông đánh giá, những kết quả bước đầu của hướng đi trên ra sao?

- Trung tâm ADC đã xây dựng được một số mô hình, bằng chứng về vai trò của kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bắc Kạn. Các kết quả từ nghiên cứu và xây dựng mô hình đó đã được chia sẻ với các cơ quan quản lý, ban ngành của tỉnh Bắc Kạn, cũng như một số tổ chức phi chính phủ làm việc vì người dân tộc thiểu số miền núi phía bắc và được đánh giá rất cao. Bước đầu các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các xã dự án đã lồng ghép các mô hình này.

Ông từng nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách VN cần thay đổi cách thức ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay, từ quản lý khủng hoảng sang quản lý rủi ro, trong đó tập trung nhiều hơn vào xây dựng khả năng thích nghi. Ông có thể phân tích kỹ hơn về quan điểm này?

- Sự khác nhau giữa quản lý khủng hoảng (crisis management) và quản lý rủi ro (risk management) chính là trong quản lý khủng hoảng, ví dụ việc cung cấp cứu trợ sau thiên tai, mặc dù cần thiết sau thiên tai, thảm họa, nhưng chỉ tạo ra những lợi ích trong ngắn hạn. Còn quản lý rủi ro sẽ tập trung vào nâng cao năng lực cho cộng đồng như vậy sẽ tạo ra những lợi ích lâu dài hơn.

Có thể nói trong bối cảnh BĐKH thì các rủi ro là tiềm ẩn, rất khó biết chính xác, do vậy việc nâng cao năng lực thích ứng, khả năng phục hồi cho cộng đồng là vô cùng quan trọng. Điều quan trọng là làm thế nào để cộng đồng có khả năng ứng phó một cách hiệu quả với các rủi ro thiên tai và BĐKH.

Ông từng có khá nhiều thời gian (6 năm) học tập, nghiên cứu ở Úc. Theo ông, có những kinh nghiệm lớn nào từ cách Chính phủ Úc xử lý các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu cho các nhóm thiểu số/ dễ tổn thương mà Việt Nam có thể học tập?

- Theo tôi cần chú trọng đến đồng thời hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là giảm tình trạng dễ bị tổn thương (vulnerability). Thứ hai là nâng cao khả năng phục hồi (resilience). Hiện nay chúng ta đang tập trung chủ yếu vào giảm tình trạng dễ bị tổn thương như hỗ trợ giảm nghèo hay tạo sinh kế mà ít chú trọng đến khả năng phục hồi, đó là khả năng của một cộng đồng hay hệ thống có thể tồn tại trong khủng hoảng (thiên tai).

Lý thuyết của khả năng phục hồi liên quan chặt chẽ với phát triển bền vững, đó là cần nâng cao khả năng thích ứng cho cả hệ thống tự nhiên và xã hội (môi trường tự nhiên và con người).

Hiện nay có nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH có thể là giảm tình trạng dễ bị tổn thương trước mắt nhưng lại làm giảm khả năng thích ứng trong tương lai. Ví dụ việc khai thác cạn kiệt, quá mức tài nguyên (đất, rừng) sẽ làm suy thoái hệ sinh thái và làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái trong tương lai và như vậy sẽ làm giảm khả năng thích ứng trong tương lai. Ở Úc thì họ chú trọng nhiều đến nâng cao khả năng phục hồi của cả hệ thống tự nhiên và xã hội (con người và tự nhiên).

Hòa Trần (Tuần Việt Nam /thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: