Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tương tác Đối thoại 3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!

3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!

Viết email In

Di dời cầu là điều không tưởng

Ở góc độ là một kiến trúc sư, bà đánh giá thế nào về 3 phương án liên quan đến cầu Long Biên mà Bộ GTVT vừa đưa ra?

KTS Trần Thanh Vân (ảnh bên): - Trước hết, nói đến cầu Long Biên là nói đến nhiều thứ, từ đường bờ sông, chợ Long Biên, bãi giữa sông Hồng, ký ức, lịch sử..., chứ không chỉ đơn thuần là một cây cầu hơn 100 năm tuổi và chỉ dành cho xe máy, xe thô sơ, tàu hỏa. Bây giờ, Bộ GTVT lại đưa ra những phương án di dời cầu để bảo tồn, rồi xây dựng cầu đường sắt mới trên tim cầu cũ là một điều không tưởng, mang tính thực dụng và thật sự rất vô lý. Tôi không hiểu sao họ lại đưa ra được đề xuất ấy.

Những sự "không tưởng", "mang tính thực dụng", "rất vô lý" biểu hiện cụ thể như thế nào vậy?

- Cần nhận thấy rằng, một cây cầu đã hơn trăm năm tuổi, bị nát như thế rồi, sửa đi sửa lại rồi mà bây giờ lại đòi dỡ ra, di dời là không khả thi, vì làm thế nó sẽ càng hỏng hơn. Nếu ai đó muốn quan tâm tới nền văn hóa này bằng cách làm một mô hình cầu Long Biên nhỏ thôi rồi đặt trong phòng để người ta chiêm ngưỡng thì còn được. Còn sự mang tính thực dụng, rất vô lý là ở chỗ, tôi có cảm giác rằng Bộ GTVT chỉ quan tâm tới việc đi lại. Họ không cần quan tâm đến những thứ như nền móng nhà dân ở khu đó, người Hà Nội (đặc biệt là những người mà ký ức gắn liền với cầu Long Biên) sẽ cảm thấy như thế nào khi phá vỡ đi không gian ấy.

Việc Bộ GTVT quan tâm tới chuyện đi lại âu cũng là lẽ đương nhiên chứ?

- Đúng. Họ cần quan tâm tới việc đi lại. Nhưng ở ta bao nhiêu năm qua vẫn giữ cái kiểu làm việc rằng mạnh ai thì người ấy làm; tôi chỉ cần lo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, trọng trách của ngành mình, còn ảnh hưởng tới ngành khác hay không thì đó là việc của người khác. Thế mới dẫn đến cái việc kiểu như thế này, khi mà Bộ GTVT lại đi can thiệp vào việc xây dựng liên quan đến cây cầu không đơn thuần là sự đi lại.

Nhưng quan điểm của họ đưa ra là để bảo tồn cây cầu, thưa bà? Và họ cũng gửi văn bản tới Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND TP Hà Nội để cùng nghiên cứu?

- Làm sao mà tin được lời họ! Mở đầu tưởng bảo tồn nhưng không đâu. Tôi đảm bảo rằng không có chuyện bảo tồn ở trong cả 3 phương án mà Bộ đưa ra. Làm như vậy thà đánh sập cầu còn hơn.

Vì sao bà lại đảm bảo được điều đó?

- Là vì, bảo tồn thì phải giữ nguyên trạng. Dĩ nhiên, chúng ta không cực đoan đến mức cái gì của quá khứ cũng giữ lại cho bằng được, kể cả từ cái bậc cầu thang mục ruỗng. Làm như thế đâu phải để bảo tồn. Nhưng bảo tồn phải trên cơ sở của cái cũ. Cầu Long Biên sẽ chỉ có ý nghĩa khi đặt ở chỗ mà nó đã đứng từ cả trăm năm nay, chứ không phải dịch nó đi về hạ lưu hay thượng nguồn, tức là đã nhấc nó ra khỏi không gian lịch sử, văn hóa rồi bảo làm như thế để bảo tồn.

Bộ GTVT vừa đưa ra 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên. Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn. Với phương án này, cầu Long Biên cũ sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng. Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ô tô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà). Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Cả 3 phương án này đều chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân. Chi phí xây dựng của 3 phương án lần lượt là 7.982 tỷ đồng, 9.094 tỷ đồng và 9.389 tỷ đồng.

Đi ngược lại với quy hoạch thành phố

Bộ GTVT đưa ra những phương án đề xuất này cũng dựa trên tình hình thực tế, khi mà cầu đường sắt đã quá cũ.

- Tôi đồng ý rằng, việc sửa chữa, tu bổ, nâng cấp cầu đường là cần thiết. Vậy nhưng, tại sao lại cứ phải xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng ở chỗ này? Hà Nội đâu thiếu gì chỗ chứ.

Nếu không thì phải xây ở đâu, theo bà?

- Bây giờ, Hà Nội đang muốn giảm tải giao thông trong khu vực vành đai 1 (khu phố cổ), thực hiện bảo tồn bằng cách tổ chức những tuyến phố đi bộ, hạn chế phương tiện cá nhân đi trong đó. Giờ mà Bộ GTVT lại nhúng tay vào xây dựng cầu đường sắt để đi vào tim thành phố thì không thể hiểu nổi. Đến tôi là người dân, tôi cũng chẳng muốn đi vào vành đai 1 vì chật chội. Nói thế để thấy rằng, họ chẳng hiểu gì về quy hoạch cả. Vẫn biết giao thông là huyết mạch, là quan trọng nhưng không có nghĩa cứ phải đi vào tim Hà Nội. Bên kia sông là quận Long Biên cũng đủ để làm trạm nối với các tỉnh rồi. Cầu Long Biên cần một cách ứng xử khéo léo hơn chứ không phải thực dụng như thế.

Vậy đâu mới là cách hành xử khéo léo với cây cầu này?

- Tôi cho rằng, khu phố cổ sẽ còn hấp dẫn nếu như cạnh đó có chỗ thoáng mà không phá đi không gian của nó. Nếu khéo léo thì cầu Long Biên nên quy hoạch thành nơi chỉ để đi bộ. Khu bãi giữa sông Hồng quy hoạch lại để làm nơi vui chơi cho người dân ở quanh đó, làm vườn hoa nổi lên xuống theo con nước. Chúng ta cũng nên thiết kế những chiếc thang máy có cửa kính để người dân, du khách đi từ trên cầu xuống bãi giữa vui chơi vào mùa khô. Còn mùa mưa thì thang máy tạm ngừng hoạt động.

Giải quyết giao thông nội đô: Không phải của Bộ!

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ GTVT đưa ra những phương án đề xuất và bị dư luận xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học phản đối.

- Thú thực là bây giờ, cứ nghe có Bộ GTVT dính vào khiến tôi rất khó chịu. Vì họ chỉ xuất phát thuần túy từ sự đi lại thôi. Giải quyết giao thông nội đô không bao giờ được để Bộ GTVT dính vào. Đó là nguyên tắc.

Vậy thì, đó là việc của ai?

- Đấy phải là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, của sở giao thông, mà phải cân nhắc từ thềm nhà dân. Điều đó lý giải cho việc tại sao ngày xưa quy hoạch thềm nhà thì kiến trúc phải vào cuộc. Còn Bộ GTVT, họ không quan tâm đến cái mái nhà, cái hiên đâu. Họ không hiểu về quy hoạch tổ chức cuộc sống mà chỉ nghĩ đến cái tiện lợi. Trong trường hợp cầu Long Biên này, theo tôi không có chỗ cho Bộ GTVT.

Như vậy thì phải chăng, bà muốn bác toàn bộ những phương án mà Bộ đưa ra?

- Đúng. Tôi cũng tin là nó sẽ bị hủy bỏ vì đấy là những phương án rất vô lý. Không thể nói bảo tồn mà kết hợp được với giao thông đâu.

Vũ Thủy (Kiến thức /thực hiện)

Cầu Long Biên - Sông Hồng và Hồn Phố cổ Hà Nội

Sông Hồng sao nỡ sẻ làm đôi
Để lại chơ vơ một bãi bồi
Cây cầu trăm tuổi ngơ ngẩn đứng
Xóm cũ làng xưa đâu mất rồi ?
 
Bốn câu thơ không rõ là của ai, tôi đọc được tình cờ trên một trang báo nào đó, nhưng tôi nhớ mãi và nó đọng lại trong tôi một tình cảm sâu lắng khi nói về Hà Nội.

Vậy hôm nay nếu nói đến việc "Bảo tồn phố cổ" thì ta phải "Bảo tồn Cầu Long Biên" và "Bảo tồn Bãi giữa Sông Hồng".
 
Tôi muốn các bạn gây lại không khí 3 năm trước trong một hội thảo về cầu Long Biên và Bãi giữa Sông Hồng của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, mọi người đã nhất trí đề nghị cải tạo Cầu Long Biên thành một đường phố đi bộ và Bãi giữa Sông Hồng thành một công viên sinh thái.

Cụ thể là:
1- Làm nhà kính phủ kín Cầu Long Biên, biến cây cầu dài 2Km này thành một ngôi nhà lớn bao bọc bởi lớp kính trong suốt để tránh mưa và gió bão. Kết hợp với việc cải tạo phố cổ, dãn bớt dân hiện sinh sống chật chội trong phố cổ ra đây tiếp tục các nghề dịch vụ của họ;
2- Làm các thang máy dàn trải theo chiều dài cầu cho người lên xuống Bãi giữa Sông Hồng để đi chơi và mua sắm trong công viên. Vào mùa mưa nước lũ thì các thang máy trên tạm ngưng hoạt động;
3- Bãi Giữa hoàn toàn có thể biến thành một công viên và vườn cây hoa trái tự nhiên và các vườn hoa nổi để các loài hoa quý không bị hư hại trong mùa nước lũ. Hiện nay đang có nhiều hộ dân cư làm nghề chài lưới và nông nghiệp  như trồng chuối, trồng rau, trồng hoa.... để sinh sống, cần tập trung họ lại, giúp họ làm những ngôi NHÀ NỔI đảm bảo tiện nghi và an toàn trong cả mùa khô lẫn mùa mưa, đồng thời hướng dẫn họ làm thêm một số nghề phụ phục vụ khách du lịch để tăng thêm thu nhập.
 
Những năm gần đây có rất nhiều hoạt động tự phát của các nhóm nghệ nhân, có cả một số người nước ngoài, nhưng vì chưa có tổ chức nên hoạt động không hiệu quả.
 
Năm 1979 Kiến trúc sư Bùi Quang Ngân ở Viện Quy hoạch - Bộ xây dựng đã giành được giải thưởng Quốc tế UIA một Đồ án mang tên LÀNG NỔI ĐỒNG THÁP MƯỜI, nhưng đồ án đó đã không được thực hiện.

Tôi đề nghị UBND thành phố Hà Nội nên mạnh dạn chỉ đạo thực hiện phương án này. Thay bằng việc định chi ra từ 7 đến 10 nghìn tỷ đồng để thực hiện Phương án "phá cầu Long Biên" của Bộ GTVT, phương án này chỉ cần từ 3 đến 5 nghìn tỷ là ta có một không gian thoáng rộng, MỘT THIÊN ĐƯỜNG cứu cho phố cổ hết ngột ngạt, chật chội.

Hiện nay KTS Bùi Quang Ngân vẫn ở Hà Nội và vẫn có thể triển khai công việc này một cách có hiệu quả. 

KTS Trần Thanh Vân


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # linhlam 25/02/2014 09:31
Trưng cầu dân thôi mà, 1 là đập đi xây mới, 2 là xây thêm cái mới bên cạnh, 3 là trùng tu lại thôi, cầu xuống cấp rồi, cải tạo lại thôi và xây thêm cái bên cạnh. Nếu đập đi thì không thu hút được khách du lịch.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2984 khách Trực tuyến

Quảng cáo