“Gỡ rối” giao thông nhờ xã hội hóa

Thứ tư, 30 Tháng 4 2014 01:39 SGGP
In

Từ năm 2011 đến nay, TPHCM đã đầu tư 24.778 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông các loại. Trong đó, có hàng ngàn tỷ đồng từ cơ chế xã hội hóa đầu tư. Vì thế, nhiều khu vực giao thông đã được cải thiện đáng kể.  

Giao thông thông suốt 

Để cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được thông thoáng và kết nối thông suốt từ quận này qua quận kia, nguồn vốn ngân sách chưa thể đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, thời gian qua, TP đã huy động nhiều đơn vị doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT… Đáp ứng chủ trương kêu gọi đầu tư hạ tầng ngoài nguồn ngân sách của TP, hàng loạt cầu, đường được xây dựng bằng nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp. Đơn cử, cầu Him Lam tại phường Tân Hưng, quận 7 nối liền xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh được Công ty cổ phần Him Lam đầu tư xây dựng (ảnh bên). Cầu có chiều dài 514m, với 4 làn xe, độ thông thuyền ngang 30m, cao 6m, gồm hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu và đèn chiếu dưới dạ cầu của các nhịp thông thuyền bằng đèn cao áp. Cầu cho phép các loại xe có tải trọng đến 30 tấn lưu thông, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 6. Tổng kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng. Hay như cầu bắc qua sông Ông Lớn trên tuyến đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) nối với đường Bình Thái thuộc KDC Trung Sơn (Bình Chánh). Nhờ cầu này mà giao thông giữa quận 7 với quận 8 và huyện Bình Chánh được kết nối thông suốt và khoảng cách đi lại gần hơn so với lúc chưa có cầu. 

Cầu Ông Đội 1 do Công ty Vạn Phát Hưng đầu tư xây dựng với kinh phí 38 tỷ đồng, dài 74,42m, rộng 34m, đường dẫn hai bên 260m, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô cùng lề đường dành cho người đi bộ. Cầu Ông Đội 1 nằm trên trục đường Nguyễn Lương Bằng nối liền khu đô thị Phú Mỹ Hưng thông ra đường Huỳnh Tấn Phát đi về hướng huyện Nhà Bè. Cầu Phú Thuận do Công ty Phát Đạt đầu tư xây dựng có tổng chiều dài 280m, rộng 20m, vốn đầu tư xây dựng khoảng hơn 81 tỷ đồng. Điểm đầu là tuyến đường Phú Thuận và điểm cuối tuyến là khu A thuộc khu đô thị Nam Sài Gòn. Cầu Phú Thuận đưa vào sử dụng tạo sự thông suốt trên toàn tuyến từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng tới công viên Mũi Đèn Đỏ phường Phú Thuận, đồng thời kết nối liên hoàn với khu hành chính quận 7. Đây cũng là công trình giúp kết nối trực tiếp các khu dân cư phía Bắc quận 7 như Tân Phú, Phú Thuận… với khu đô thị mới Nam Sài Gòn. 

Tiếp tục xã hội hóa 

Mặc dù hạ tầng giao thông như cầu, đường ở khu vực phía Nam được TPHCM đầu tư rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hiện nay, mọi lưu thông từ khu vực phía Nam TP vào trung tâm thành phố chủ yếu dựa vào cầu Kênh Tẻ và cầu Tân Thuận. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông tại các trục đường chính như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Khánh Hội… nên cần tiếp tục xã hội hóa.

“Thời gian tới hàng loạt công trình giao thông sẽ được triển khai xây dựng theo hình thức các doanh nghiệp tài trợ kinh phí xây dựng” - ông Võ Hoàng Huân, Phó phòng Quản lý đô thị quận 7, cho biết. Cụ thể, đường 15B, đoạn từ đường Phạm Hữu Lầu đến đường Hoàng Quốc Việt sẽ được triển khai thi công trong năm nay. Mục tiêu tuyến đường khi đưa vào sử dụng nhằm kết nối thông suốt từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng 2 thuộc huyện Nhà Bè. Kinh phí xây dựng do 3 doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015. Điều trăn trở của lãnh đạo quận hiện nay là làm sao giải quyết tình trạng quá tải và kết nối hoàn chỉnh hạ tầng tại khu vực trên. Và việc mở rộng trục đường Đào Trí để kết nối Trung tâm phòng cháy chữa cháy thành phố thuộc phường Phú Mỹ, dự án khoảng 242 tỷ đồng; đường Nguyễn Văn Quỳ xuống Phạm Hữu Lầu đang tìm nguồn vốn. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đức Khải cũng đang triển khai hoàn chỉnh bờ kè ven sông Rạch Dơi, sông Nhà Bè và rạch Ông Đội tiếp giáp đường Nguyễn Lương Bằng nối dài cách Phú Mỹ Hưng khoảng 1km. Đây là dự án hạ tầng giao thông được kết nối hoàn chỉnh nhất ở khu vực này. 

Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, do đó chỉ có ngân sách nhà nước khó đáp ứng nổi. Việc các doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng cầu đường rất đáng biểu dương và ghi nhận. Cùng với hàng loạt công trình trên sẽ góp phần khẳng định chủ trương mở rộng không gian đô thị của thành phố, góp phần chỉnh trang đô thị. Trước đây khi sự kết nối giữa trung tâm thành phố ra khu vực phía Nam còn khó khăn, nơi này được ví như “ngoại thành” với dân số ít, giao thông kém và cơ sở hạ tầng yếu kém. Thế nhưng với định hướng phát triển ưu tiên và bền vững, đặc biệt tuyến Vành đai Đông đã được khép kín, mở ra một hướng lưu thông mới cho toàn khu này, nhiều công trình khác cũng đã đưa vào sử dụng giúp cho vùng đất này đang dần biến đổi và kéo theo sự “thức giấc” của cả những vùng liền kề như huyện Nhà Bè. 

Quốc Hùng / Ảnh: Cao Thăng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: