TP.HCM nên ‘Đứng im’ và ‘Tự nuôi dưỡng hoàn thiện mình’

Chủ nhật, 27 Tháng 3 2016 09:33 Ashui.com
In

Tiêu đề của bài viết là thông điệp khá rõ ràng của cá nhân tôi, khi đọc và tham chiếu khá nhiều bài viết, tham luận về chủ đề ‘Định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo hướng nào‘. 

Tôi xin phép ví von cho câu hỏi này bằng một ví dụ như thế này. Khi chúng ta trồng một cái cây, chúng ta đợi cho nó phát triển, và một ngày nào đó, chúng ta tự hỏi rằng, nhánh cây này sẽ phát triển về hướng nào, hướng Bắc, hướng Nam, hướng Đông, hướng Tây, rồi chúng ta sẽ cùng họp bàn với nhau để thảo luận về bốn hướng ấy một cách say sưa, theo kiểu tư duy ‘tự sướng‘ với nhau. Và đây là bức tranh khá chính xác mà tôi hình dung ra thực trạng của việc chúng ta đang đặt ra câu hỏi ‘Định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo hướng nào’.  

Nhưng chúng ta đang quên một thực tế rất rõ ràng, một cái cây, nó phát triển là nhờ sự chăm sóc, tưới nước, bón phân, diệt sâu bọ và bảo vệ môi trường để nó phát triển. Đó là cái gốc của vấn đề chứ không phải ‘nhánh cây’ phát triển về hướng nào. Với khu vực thành phố Hồ Chí Minh, tạm gọi trong phạm vi hành chính, thì nguyên lý nó cũng tương tự như vậy. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là một địa danh, tên gọi, còn muốn nó phát triển về hướng nào thì trước hết, nó phải ‘đủ nội lực’ để tồn tại và ‘nuôi dưỡng’ các yếu tố giúp nó mở rộng trong tương lai theo nhu cầu của nó. 


Hình ảnh minh họa – ‘Chúng ta đang tìm gì qua cách đặt câu hỏi’ 

Tôi xin nêu lên một số vấn đề mà tự thân Thành phố Hồ Chí Minh phải ‘đứng im’ để tự giải quyết với tất cả ‘nội lực hiện có‘, chỉ để hoàn thiện mình thôi, chứ đừng nói đến phát triển hay mở rộng gì cả. 

Một thực thể phức tạp và ‘đầy‘ sự phụ thuộc

Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là môi trường đa dạng và phức tạp về văn hóa khi quy tụ đủ mọi người thuộc mọi vùng miền, tầng lớp và thói quen, trong một thực thể phức tạp ấy, sự gắn kết họ chính là một cơ chế cho họ kiếm tiền và phát huy tài năng của họ.

Khi chúng ta nói đến bất cứ sự phát triển, mở rộng khu vực đô thị nào, thì nguồn lực con người là quan trọng nhất. Và chính nguồn lực này, sẽ tạo nên những kế hoạch phù hợp để thực thi sự phát triển này theo quy luật của tự nhiên. Với hơn 12 năm hành nghề, tôi xin nhận định rằng với cơ chế quản lý, tìm kiếm và nuôi dưỡng để phát triển những con người đủ đức, đủ tài để thực hiện sứ mệnh phát triển tham vọng của TpHCM theo như kế hoạch thì chưa có, và không có.
Nếu nói rằng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có những khu vực, đặc khu hay bất kỳ một dự án nào để nuôi dưỡng nguồn lực con người phục vụ cho sự phát triển thành phố thì là chưa có, hoặc có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, hiệu quả.

Thế thì trong thực thể đa dạng ấy, không có một giải pháp phát huy sức mạnh của những con người tài năng, thì đừng nói gì đến phát triển. Chỉ cần duy trì trật tự để đảm bảo không có sự xung đột về văn hóa, lợi ích cục bộ nhóm và sự vô cảm trong một môi trường không thuộc về khái niệm ‘quê hương’ của những người xa lạ đã là điều khó làm rồi.

Các bạn có thể dễ dàng thấy tình hình tội phạm, các vấn nạn về an ninh xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn, khó kiểm soát hơn và ngày càng phức tạp hơn theo thời gian. Nó phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, xuất hiện như cơm bữa, như một điều tất yếu phải xảy ra.

Tôi nói đến điều này, liên quan đến yếu tố con người, vì con người là nền tảng quan trọng của bất kỳ sự phát triển đô thị nào. Nếu không lấy con người, cuộc sống và cơ chế cho phép cuộc sống ấy diễn ra như thế nào thì bàn về sự phát triển không gian vật lý là điều vô nghĩa.

Trong bối cảnh này, chỉ cần ‘ổn định‘ để ‘hoàn thiện chính mình‘ cũng là một điều cực kỳ khó khăn với Tp.HCM rồi.

Dễ tổn thương về ‘lương thực’

Nguồn lương thực nuôi sống thành phố gần 9 triệu dân này vẫn còn phải phụ thuộc vào một trình độ phát triển thô sơ, lạc hậu, độc hại và sự kiện ‘hạn hán’ và ‘ngập mặn’ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho sự phụ thuộc lẫn nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn. Khi có bất trắc, rủi ro xảy ra thì khu vực gánh chịu hậu quả lâu dài chính là các khu vực đô thị, mà cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh. Nơi nguồn lương thực luôn được xem là yếu tố nuôi dưỡng hàng đầu. Các áp lực về dân số, việc làm và hạ tầng sẽ dẫn kèm theo các tệ nạn tạo ra từ một lượng lớn các luồng di cư của người dân nông thôn lên thành phố để kiếm kế sinh nhai, khi nông nghiệp không còn là lựa chọn tồn tại duy nhất của họ nữa.  


Hình ảnh minh họa - ‘Nông thôn còn bất ổn, rủi ro thì đô thị đừng hòng phát triển‘

Đây là điều cơ bản nhất để duy trì sự tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh, chính là phải đảm bảo nguồn lực cơ bản để nuôi sống nó một cách cân bằng, hài hòa. Chúng ta phải xác định, chúng ta chưa làm được điều này thì không thể nói gì đến phát triển cả. Thiếu thốn, nhiễm bẩn, nhiễm độc là những gì thực tế đang xảy ra, và Tp.HCM có thể là nơi dễ bị đầu độc nhất tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay.

Trong bối cảnh này, chỉ cần đảm bảo ‘sự ổn định‘ để tồn tại cũng là một điều đáng quý rồi.

Loại trừ, ngăn chận tội ác và sự cục bộ nhóm

Thực tế phát triển hiện nay cho thấy, sự chậm chạp, trì trệ, chậm trễ khởi động của khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh Đa, Hiệp Phước hay Tây Bắc Củ Chi với hàng loạt các mớ lý thuyết về mô hình đô thị vệ tinh, đô thị nén, đô thị mật độ cao đều phá sản với nguồn lực yếu ớt hiện nay. Tôi xin nhắc lại là ‘Nguồn lực yếu ớt‘ và cục bộ hiện nay.

Chúng ta đang bế tắc với một loạt các giải pháp lý thuyết này khi đối chiếu với thực tại phức tạp của sự phát triển hiện hữu, rồi tiếp tục bàn cách để mở rộng sự phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển, phải nói là ảo tưởng dựa trên cái mớ lý thuyết sáo rỗng này. Thực tế này, các bạn có thể thấy rất rõ trong hàng loạt các dự án phát triển hiện hữu về khu đô thị, bất động sản. 

Khi tôi nói về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng ‘bàn về sự phát triển mở rộng thành phố‘ thì trước hết, phải ‘giải quyết các vấn đề nội bộ hiện hữu, về đất đai, về sở hữu, về lợi ích cục bộ‘ . Làm tốt nội dung này, thì ‘sự phát triển mở rộng về hướng nào‘ ắt sẽ phải diễn ra đúng cách, đúng quy luật của nó.

Trong khi chúng ta vẫn cứ hô hào phát triển dãn dân, mở rộng thì hàng loạt các dự án mới cứ nhắm khu trung tâm vốn đã chật chột để phát triển. Điều này chỉ làm căng thẳng và tệ hại hơn cho môi trường sống ở khu trung tâm hiện hữu.

Kết luận

Vì sao phải Tp.HCM phải ‘đứng im‘ và ‘tự hoàn thiện‘ trong thời điểm này. Đơn giản vì sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc quá nhiều vào môi trường xung quanh, từ con người cho đến lương thực, an ninh. Bây giờ là lúc phải tự nhìn nhận để ‘xây dựng nội lực’, không phải thời gian để mở rộng phát triển. 

KTS Trương Nam Thuận (ảnh bên) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: