Cảm thức về nơi chốn

Thứ năm, 01 Tháng 12 2016 12:33 Ashui.com
In

Có người cho rằng khoảng sân vườn của Hanoi Cinémathèque không có nhiều giá trị kiến trúc. Và, họ hoàn toàn đúng: Chủ yếu phần tu sửa không phù hợp với trang viên và họa tiết thiết kế, và vật liệu xây dựng không phải loại chất lượng thật cao. Vì thế, thật dễ hiểu, trong con mắt nhiều người Hà nội, không có nhiều lý do cho nhà chức trách trong việc bảo tồn khuôn viên này.


Khoảng sân vườn ở Hanoi Cinematheque (ảnh nguồn: Facebook.com/HanoiCinematheque) 

Tuy nhiên, chính sách cải tạo đô thị nhạy cảm với văn hóa không phải chỉ tập trung vào những địa danh chính, thuộc vào danh sách Di sản văn hóa của UNESCO. Thực tế, Hà Nội có rất ít những địa danh như vậy. Nhưng, Hà Nội có rất nhiều những không gian hấp dẫn và sự đồng nhất về phong cách xây dựng cũng như những kiểu cách trang trí đã mang lại cho Hà Nội một cá tính rất độc đáo. 

Nếu như việc ra quyết định về cải tạo chỉ dựa trên từng trường hợp cụ thể, có thể hầu hết mọi thứ sẽ bị phá hủy và thay thế, kể cả những tòa biệt thự kiểu Pháp đã xuống cấp – thứ tạo nên nét duyên dáng rất đặc biệt cho những phố phường Hà Nội. Nhưng nếu điều này xảy ra, Hà nội sẽ trở nên một thành phố nhạt nhẽo, thiếu bản sắc, giống như nhiều thủ đô hiện đại khác ở châu Á. 


Một khu ăn uống ở Singapore (ảnh nguồn: internet) 

Vào những năm 1960, Robert Moser, lúc đó là Thị trưởng New York, muốn xây dựng một đường cao tốc qua SoHo, một khu phố được đánh giá là khu “ổ chuột thương mại” đã đến lúc cần được tái phát triển ngay lập tức. Dự án này đã có yêu cầu dỡ bỏ nhiều tòa nhà xuống cấp, đặc biệt là những khu nhà cũ được dựng bằng khung sắt đã từng được sử dụng làm nhà xưởng và nhà kho cho ngành dệt may của New York vào đầu thế kỷ 20. Giống như khoảng sân vườn của Hanoi Cinémathèque, không một tòa nhà nào của Soho có giá trị kiến trúc lớn của riêng nó. Nhưng, đồng thời, những tòa nhà đó lại hiển nhiên là mang nét đặc trưng của New York. 

Jane Jacobs, một nhà văn và một nhà hoạt động xã hội đã phản đối dự án. Tư tưởng của bà được thể hiện trong ý niệm “cảm thức về nơi chốn”, một loại căn tính và bản sắc riêng, được cảm nhận sâu sắc, thấm thía bởi cả người dân địa phương cũng như những du khách. Cảm thức về nơi chốn có được từ sự hòa trộn giữa kiến trúc và những nét đặc trưng văn hóa. “Cảm thức về nơi chốn” này được tăng lên khi có những sự kiện có ý nghĩa lịch sử của Thành phố diễn ra ở nơi đó, hoặc khi các nghệ sĩ nhìn thấy nguồn cảm hứng. Tư tưởng của Jane Jacobs được nhắc đến trong nhiều cuốn sách, đặc biệt là trong cuốn Cái chết và sự sống của những thành phố Mỹ vĩ đại, một tài liệu tham khảo quan trọng cho quy hoạch đô thị hiện đại.

Tony Goldman, một nhà đầu tư bất động sản, với năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, đã nhận ra tiềm năng của khu vực này. Theo lời ông, SoHo “cho thấy một cảm thức về nơi chốn rất mạnh mẽ mà đã và đang không còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chính những công trình lịch sử, lần đầu tiên và quan trọng nhất, đã hấp dẫn sự quan tâm và chú ý của tôi.” Ông đã mua và cải tạo 18 tòa nhà, và kiếm được bộn tiền khi bán lại. Ông cũng làm điều tương tự ở Bờ biển Nam, khu mang phong cách nghệ thuật Art deco của Miami. Tương tự, những tòa nhà dù là không có giá trị kiến trúc lớn, nhưng khi được kết hợp lại, chúng là một chỉnh thể đô thị độc đáo. Ngày nay, SoHo là một trong những khu vực bất động sản có giá trị nhất ở New York. Những phòng triển lãm nghệ thuật và bán hàng thượng lưu phát triển thịnh vượng, trong khi khách du lịch lũ lượt kéo đến nơi đây.


Nhà hàng Ngon ở đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội (ảnh nguồn: internet) 

Hy vọng rằng sự thông thái của những nhà hoạt động như Jane Jacob và những nhà đầu tư mang tinh thần khai minh như Tony Goldman sẽ thắng thế trong trường hợp này ở Hà Nội. Nhà hàng sân vườn của Quán Ngon ở Trần Hưng Đạo là một ví dụ tốt để có thể cân nhắc. Hai ngôi nhà trong tổ hợp này không có giá trị kiến trúc cao. Nhưng việc nâng cấp một cách đầy sáng tạo đã tạo nên một chính thể kiến trúc mang dáng dấp, không khí và ‘cảm thức’ Hà Nội đặc trưng, không thể lẫn vào đầu đâu được.

Những người bỏ qua giá trị kiến trúc khoảng sân vườn của Hanoi Cinematheque nên nghĩ rằng việc thay thế, cải tạo nó trong dự án mới thành một khu ẩm thực nhạt nhẽo là hoàn toàn không có gì khác biệt với bất cứ một trung tâm mua sắm nào khác trên thế giới. Hà Nội xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn!  

Martin Rama 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: