Nghịch lý di sản văn hóa

Thứ ba, 31 Tháng 1 2017 08:55 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Chỉ khoảng nửa tháng sau vụ trộm tượng Phật Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay - một kiệt tác nghệ thuật hằng trăm năm tuổi - ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên), lại xảy ra vụ thông tin mập mờ gian hiểm rằng “nước mắm chứa arsen”. Thoạt trông có vẻ như đối nghịch nhau nhưng thực ra hai vụ này đều giống nhau ở chỗ: cả hai đều là di sản văn hóa và đều bị phá hoại nhằm trục lợi bất lương.  

Một bên là văn hóa ẩm thực, một bên là văn hóa tôn giáo. Nước mắm truyền thống - di sản văn hóa? Quả vậy, tổ chức UNESCO từng công nhận nền ẩm thực truyền thống của các nước như Pháp, Mexico, Nhật Bản (Washoku)... là di sản văn hóa phi vật thể. Vụ nước mắm thì đã được “giải oan” và xử lý kịp thời. Còn bức tượng quý hiếm thì lũ trộm bỏ lại nhưng đã bị chúng bẻ tay, bẻ mắt! 


Mái đình trong quần thể khu di tích Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
(Ảnh: Uyên Viễn) 

Ở đây, điều đáng nói là mặc dù đã có luật di sản, đã có những nỗ lực từ phía Nhà nước nhằm vinh danh, bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, nhưng nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này: “Di sản văn hóa bị đe dọa hơn cả ở giai đoạn mà nó được chú trọng hơn cả(*). Quả là một nghịch lý chua xót. Tình trạng này rồi sẽ ra sao? Có thể nói bao lâu mà giá trị văn hóa của các di sản không được cộng đồng nhận biết rõ ràng, không được tôn trọng; và bao lâu mà giá trị văn hóa còn bị hạ thấp ngang mức một nguồn lợi kinh tế đơn thuần, thì nó vẫn còn là đối tượng của sự phá hoại, là miếng mồi ngon cho sự chiếm đoạt hoặc khai thác một cách bừa bãi, vô tội vạ. 

Mối họa từ chỗ không nhận biết...

Có thể hiểu giá trị văn hóa của một di sản - chẳng hạn một cổ vật, một truyền thống nghệ thuật đặc sắc lâu đời, một quần thể kiến trúc còn lại của một thời đại đã qua... - bao giờ cũng in dấu ký ức thời gian, lịch sử, ẩn chứa trong lòng nhiều thông điệp của tiền nhân nhiều khi còn chưa khám phá hết, thể hiện thành quả về kỹ thuật tạo tác, có vẻ đẹp độc đáo, tinh tế ngay cả khi đã là phế tích, và từng tác động đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người trong quá khứ và hiện tại. Nó là giá trị cốt lõi, là cái hồn của di sản. Đó là cái giá trị lớn nhất và trước hết. Hẳn nhiên, khi tồn tại trong cuộc sống hiện nay, nó có thể mang lại nguồn lợi quan trọng, phục vụ cho cộng đồng nếu biết khai thác một cách khôn ngoan, đúng mực. Như vậy, giá trị văn hóa của di sản bao hàm cả giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, cả giá trị của những gì không thể tái tạo (chứ không phải là phục chế) và kèm theo đó là lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, khác với nhiều loại tài sản quý giá khác, bản thân chúng lại ẩn chứa một điều gần như là nghịch lý khi trong thực tế không phải lúc nào và bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra cái giá trị văn hóa ấy. Muốn “đọc” thấu giá trị ấy cần phải có con mắt của nhà chuyên môn với kiến thức khoa học, kinh nghiệm và thái độ cẩn trọng. Chẳng hạn, nhiều món đồ gốm cổ, quý hiếm nếu vô tình rơi vào tay một người vốn chẳng biết, chẳng quan tâm đến đồ cổ thì có khi chỉ là món đồ gốm thô tháp, chẳng mấy giá trị; hoặc với số đông quần chúng, liệu có bao nhiêu người hiểu được, cảm được cái hay, cái độc đáo vang vọng từ quá khứ của ca trù hoặc nhã nhạc cung đình Huế để chung tay giữ gìn và phát huy hai loại hình nghệ thuật truyền thống đã được liệt vào hạng di sản văn hóa thế giới?... 

Thực ra, không chỉ với người dân ít hiểu biết mà ngay cả một số chính quyền địa phương nhiều lúc cũng không nhận biết giá trị thực sự của một di sản văn hóa quan trọng trong vùng, để mặc di sản thi gan cùng trời đất, hoặc hững hờ trước tình trạng lấn chiếm, xâm hại. Đó là trường hợp là di tích Hải Vân Quan “bơ vơ”, gần như vô chủ trên đỉnh đèo Hải Vân giữa khung cảnh non nước hùng vĩ (khu vực giáp ranh Huế - Đà Nẵng); là hàng trăm biệt thự thời Pháp rất đẹp bị bỏ bê hoang phế đến đau lòng ở Đà Lạt... Ngay như thành nhà Hồ 600 năm tuổi ở Thanh Hóa, trước khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011) từng bị nhiều người dân quanh vùng lấy đi đá, gạch cổ về làm móng nhà, xây tường hoặc lát sân mà chẳng thấy ban quản lý lúc ấy ngăn chặn!

Có thể nói cái tính chất lưỡng khả về giá trị do nhận thức này của di sản cũng góp một phần gây ra thảm họa cho các di sản. 

...Đến nhận biết

Nhiều nước phát triển hiện nay không khỏi tiếc nuối, ân hận vì từng đối xử thô bạo với di sản văn hóa. Họ không thể có cơ hội sửa chữa trong khi nhiều nước đi sau lại cứ nhắm mắt lao theo vết xe đổ. 

Vậy thì khi người ta đã nhận biết cái giá trị văn hóa ấy thì tình hình có khá hơn không? Có thể khá hơn khi với một số di sản khi được đầu tư bảo tồn một cách đúng đắn, phát huy được giá trị của nó, làm lợi cho cư dân sở tại và ngành du lịch mà trường hợp tiêu biểu là phố cổ Hội An. Tuy nhiên, trong cơn lốc kim tiền và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay, rất nhiều di sản văn hóa phải đối mặt với câu hỏi khắc nghiệt “tồn tại hay không tồn tại”. Vốn mong manh, dễ bị thương tổn, nay chúng lại càng mong manh, càng tổn thương nặng hơn! Lại thêm một nghịch lý giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản!

Như đã biết, di sản văn hóa vật thể thường được tạo thành bởi các chất liệu dễ hư hoại như đất, gốm, gỗ... cho nên rất mong manh, dễ suy tàn, biến mất bởi chiến tranh, tác động của khí hậu, thiên tai và cả nhân tai. Cũng vậy với các di sản phi vật thể. Nhiều khi chỉ một nghệ nhân chết đi cũng làm “tuyệt chủng” một bí quyết nghề truyền thống lâu đời hoặc một mảng âm nhạc cổ truyền quý giá. Từ đó vấn đề bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di sản được đặt ra. Công việc này đòi hỏi phải rất tôn trọng (khoan nói đến quý trọng), phải hiểu văn hóa rất sâu giá trị văn hóa của di sản và phải thực hiện một cách bài bản, khoa học.

Thực tế ở nhiều dự án lớn, mặc dù có tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn, có hội thảo, lên kế hoạch này nọ nhưng tất cả chỉ là hình thức, chiếu lệ và rốt cuộc “tiền mất, tật mang”: nhiều di sản cấp quốc gia đã bị “làm mới” đến mức biến dạng tệ hại, thậm chí không còn nhận ra diện mạo của nó. Thay vì tôn trọng nguyên tắc cố gắng phục chế gần với nguyên bản, nguyên trạng, người ta đã “trùng tu, tôn tạo” theo kiểu xóa đi dấu vết của thời gian, lịch sử, của kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống, giết chết cái hồn của di sản. Chẳng hạn, để gọi là “trùng tu” một di tích quốc gia đặc biệt quý hiếm như chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót hàng nghìn năm tuổi, người ta đã đập bỏ không thương tiếc nhà tổ, gác khánh, bậc cấp lên chùa... mang vẻ cổ kính tuyệt đẹp và còn đứng vững để thay thế hoàn toàn bằng các loại vật liệu mới tinh, kể cả sơn công nghiệp màu mè lòe loẹt... Một số di tích thuộc các quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở cố đô Huế từng bị “mới hóa, trẻ hóa, và rẻ hóa” tệ hại sau các đợt trùng tu; hoặc thành cổ nhà Mạc ở Tuyên Quang đã bị các chủ dự án biến thành “cái lò gạch” mới đỏ chói... cũng là những minh chứng. Ở đây, liệu còn có thể đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết, thiếu năng lực hay lý do nào khác ngoài thói vô trách nhiệm về quản lý và sự mờ mắt trước nguồn tiền đổ vào dự án đã dẫn đến những thảm họa này.

Đối với những di sản văn hóa may mắn không phải chịu “trùng tu, tôn tạo” thì chúng lại bị xem như một “con bò sữa” bị vắt cạn đến cạn kiệt, bị thương mại hóa một cách bừa bãi, thô bạo, như đã diễn ra ở nhiều lễ hội, đền chùa, di tích... Nếu là cổ vật thì chúng là một thứ “siêu hàng hóa”, giá rất đắt - những miếng mồi béo bổ cho bọn trộm cướp, mua bán bất hợp pháp, làm chảy máu cổ vật trầm trọng. Vụ trộm tượng Phật Quán Thế Âm ở chùa Mễ Sở chỉ là trường hợp nổi bật trong rất nhiều vụ trộm như vậy từ nhiều năm qua.

Trong cơn lốc đô thị hóa, công nghiệp hóa, di sản văn hóa rất dễ bị phá hủy, xóa sổ như một sự “đánh đổi” hoặc “hy sinh” nhân danh sự phát triển và lợi ích cộng đồng theo quan niệm kinh tế thực dụng. Đánh đổi - liệu thứ gì có thể thay cho bề dày thời gian và dấu ấn lịch sử, văn hóa trong các di sản? Cho nên, để bù lại, một sự đánh đổi hay hy sinh gọi là cần thiết phải đáp ứng lợi ích lớn lao, lâu dài nhiều mặt cho cộng đồng và giá trị văn hóa phải được xác định rõ, đạt đến một tầm mức được giới chuyên môn thừa nhận. Điều này luôn đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, và quan trọng là cần tham vấn và có sự đồng thuận của cộng đồng. Xót thay, đã có không ít di sản đã bị xâm hại, tiêu vong bất chấp mọi phản ứng của giới chuyên môn và người dân sở tại. Phá bỏ một trung tâm thương mại ngay giữa nội đô từng tồn tại hơn một thế kỷ với bao lớp trầm tích, kiến trúc, lịch sử văn hóa để chỉ xây lại... một trung tâm thương mại khác cao hơn hẳn không phải là một quyết định phù hợp với việc bảo tồn di sản. Xây dựng rất nhiều đập thủy điện ở Tây Nguyên đã dẫn đến tình trạng mất rừng, khô cạn nguồn nước sông suối, góp phần quan trọng làm mất dần nhiều tập tục, nghi lễ các dân tộc ở đây, kéo theo sự suy tàn dần không gian văn hóa cồng chiêng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2006.

Nhìn lại, những gì xảy ra cho các di sản văn hóa cũng gần giống như trong lĩnh vực môi trường, sinh thái hiện nay. 

“Của tin” còn lại chút này...

Như đã nói trên, cái hồn, cái giá trị cốt lõi của di sản văn hóa chính là giá trị văn hóa đặc biệt của nó mà không phải ai và bất cứ lúc nào người ta cũng nhận biết và kể cả khi đã nhận biết thì không hẳn đã tôn trọng. Chính những nghịch lý này đòi hỏi, trong quá trình thực thi luật di sản, cần phải đặt nặng vấn đề khả năng nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa của di sản và xem xét, xử lý những yếu tố ngoài văn hóa tác động đến nhận thức ấy. Đây là yêu cầu thiết yếu trên con đường hóa giải những nghịch lý ấy mà trách nhiệm thực hiện, trước hết, thuộc về các cấp chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa.

Bên cạnh những công trình khảo cứu khoa học chuyên sâu, cần nỗ lực thông tin, và giáo dục về giá trị văn hóa của di sản một cách có hệ thống, rộng rãi và dài hơi. Làm thế nào để biến những thông tin, kiến thức về giá trị văn hóa ấy thành những câu chuyện vừa chân xác vừa lý thú mà lại gần gũi với đời sống hiện tại. Trong đó, cần nhấn mạnh giá trị lịch sử, tính chất hiếm có, nét đẹp riêng của di sản văn hóa cùng những lợi ích vật chất và tinh thần mà nó mang lại cho cộng đồng như: niềm tự hào, nguồn cảm hứng, kinh nghiệm và bài học về kỹ thuật, khả năng khai thác về kinh tế hoặc chí ít là sự nhận biết rằng tổ tiên hoặc các thế hệ tiền nhân đã từng khai phá và sinh sống ở vùng này.

Hóa giải các nghịch lý này cũng đòi hỏi phải có cách ứng xử đúng đắn với di sản văn hóa với cái nhìn rộng mở, khoan hòa theo tinh thần tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, không định kiến, kỳ thị và chủ quan - tinh thần mà thế giới văn minh đang đề cao. Di sản văn hóa có thể được tạo tác từ các tín ngưỡng khác nhau, từ các quan niệm thẩm mỹ khác nhau, vai trò và tầm ảnh hưởng trong thời của nó cũng rất khác với thời nay... Ta có thể thích hoặc không thích nó, có thể cảm hay chưa cảm được cái hay của nó, nhưng không vì thế mà phủ nhận nó, hoặc thẳng tay uốn nắn, “cải tiến” nó theo niềm tin hoặc quan điểm, cái nhìn của con người hiện tại. Lịch sử là lịch sử. Nếu ta thẳng tay “cải tiến”, làm biến dạng nó thì còn gì là diện mạo thật của lịch sử!

Sau nữa, hóa giải các nghịch lý về di sản văn hóa còn đòi hỏi phải có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn mạnh mẽ một xu hướng đối xử nguy hại đang chi phối nhiều hoạt động bảo tồn di sản: xu hướng thực dụng thô thiển, duy kinh tế, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà quên đi tài sản vô giá của tiền nhân. Có một câu nói cửa miệng nơi những người theo xu hướng này: giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế anh phải chọn một và anh phải chịu trả giá. Thực tế, liệu có phải lúc nào hai vế ấy cũng mâu thuẫn đến độ một mất một còn? Liệu đã hết cách để tránh đi mâu thuẫn này? Và khi buộc lòng phải trả giá thì đâu là cái giá phải chăng, giá chấp nhận được và đâu là cái giá quá đắt, giá “cắt cổ”, thậm chí có cái giá mà mấy thế hệ sau còn phải gánh chịu. Chọn giá nào đây? Suy cho cùng, chính lòng tham, sự thiếu hiểu biết, thói vô trách nhiệm là lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu các di sản văn hóa. 

Thế giới đã có không ít bài học xương máu: nhiều nước phát triển hiện nay không khỏi tiếc nuối, ân hận vì từng đối xử thô bạo với di sản văn hóa. Họ không thể có cơ hội sửa chữa trong khi nhiều nước đi sau lại cứ nhắm mắt lao theo vết xe đổ. Quá nghịch lý! 

(*) Hoàng Đạo Kính, Trùng tu di tích - 3 nguy cơ, tạp chí Khám phá, ngày 6/9/2007. 

Công Thắng 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: