Ứng dụng khoa học: Hướng đi tất yếu cho làng nghề truyền thống

Chủ nhật, 24 Tháng 9 2017 06:47 TTXVN, Vietnam+
In

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề là hướng đi tất yếu trong cơ chế thị thị trường hiện nay mà các làng nghề truyền thống ở nông thôn đang áp dụng. Bởi khoa học kỹ thuật sẽ giúp doanh nghiệp tại các làng nghề nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường. 

Đồng thời, khoa học kỹ thuật còn mang lại giá trị cao về kinh tế cho người lao động, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội.  


Du khách tham quan Làng gốm Bát Tràng. (Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN) 

Lợi nhuận tăng

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% tổng số làng toàn thành phố; trong đó, có 286 làng nghề đã được công nhận. 

Trong số đó, chủ yếu là quy tụ một số ngành nghề như sơn mài, khảm trai, nón lá mũ, mây tre đan, tăm hương, chế biến lâm sản, mộc dân dụng, gỗ cao cấp, thêu ren, dệt may… 

Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.

Có thể nói, sự phát triển của làng nghề đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong những năm qua, làng nghề ở Hà Nội có sự chuyển biến mạnh mẽ, gia tăng không ngừng về số lượng và giá trị sản xuất.

Đặc biệt để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra cũng không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.

Chẳng hạn như làng nghề dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội, La Phù (huyện Hoài Đức) đầu tư đổi mới nhiều máy dệt len với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, an toàn và tăng thu nhập cho người lao động.

Hay như ở làng nghề sơn mài xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), nhiều gia đình đã áp dụng công nghệ vào việc ép viên năng lượng và tạo cốt. Các xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai), An Thượng (huyện Hoài Đức) sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo làm bánh đa nem...

Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin để xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Nguyễn Trung Kiên cho biết, kể từ khi sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm ở Bát Tràng không những đẹp hơn, chất lượng hơn, giúp cho đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng nâng lên và, môi trường làng nghề cũng được cải thiện nhiều.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất không những giúp Bát Tràng phát triển bền vững, mà còn đạt chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng đời sống nông thôn mới.

Trước đây, người dân quen nung sản phẩm gốm từ lò than gây ô nhiễm không khí nặng nề, về đến đầu làng đã thấy ngột ngạt, khó thở vì mùi than đốt lò; đường làng ngõ xóm đen ngòm vì than gây mất mỹ quan và sinh ra nhiều bệnh tật về đường hô hấp.

Nhưng từ khi bà con chuyển sang nung gốm bằng lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại đã tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận từ đó cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Đặc biệt, công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 95-98% so với mức từ 60-70% so với trước kia.

Vì vậy, các hộ sản xuất gốm Bát Tràng sẵn sàng vay vốn ngân hàng hơn 800 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi công nghệ và chỉ sau 3 năm đầu tư, các hộ sản xuất đã có thể thu hồi vốn.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc chia sẻ, làng có 200 hộ làm nghề dệt lụa, trước kia các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay hầu hết đã đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm.

Một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. Đến nay, làng Vạn Phúc có khoảng 245 máy dệt, sản xuất được tất cả các sản phẩm lụa từ tơ tằm đến sợi bóng.

Bản thân ông Hà và gia đình cũng gắn bó với nghề từ rất lâu và là một trong những hộ tiên phong của làng về cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm với 6 máy dệt. 


Khách du lịch tham quan và chọn mua sản phẩm lụa Vạn Phúc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Vẫn còn "khát" vốn

Những năm qua, nghề và làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại các vùng ngoại thành. Nhưng các làng nghề đang đối diện với nhiều bất cập, khó khăn về môi trường, trình độ sản xuất, thị trường..., đòi hỏi những giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn, nhất là vấn đề vốn đầu tư cho khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề trong năm 2017, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-Ủy ban Nhân dân; trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển nghề, làng nghề.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; bố trí khu đất để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch…

Đối với các làng nghề, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các làng nghề cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao; phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, tập trung vào các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời, vùng cây - con đặc sản thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nhằm tạo vị thế cho sản phẩm làng nghề trong quá trình hội nhập. 

Điều quan trọng nhất là không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường, các làng nghề cần xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm nước thải, chất thải, không khí…, mới có thể phát triển một cách lâu dài, bền vững.

Hiện nay, nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề và nghề truyền thống đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở hầu hết các quy trình, hoặc một vài công đoạn sản xuất.

Những ứng dụng như vậy đã cho sản phẩm chất lượng tốt hơn, tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các làng nghề là nguồn vốn đầu tư, nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa rộng rãi.

Để bảo đảm các làng nghề hoạt động hiệu quả, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng như chính sách ưu đãi, lựa chọn công nghệ thích hợp với cơ sở sản xuất làng nghề, phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn để làm nòng cốt trong việc chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Ngoài ra, thiết lập hệ thống cung cấp thông tin về thiết bị, công nghệ cho các làng nghề; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ và quản lý công nghệ cho người sử dụng; tăng cường tuyên truyền về ứng dụng công nghệ vào làng nghề để không chỉ nâng cao ý thức cho người dân, mà còn nâng cao trách nhiệm cho các cán bộ quản lý, chính quyền địa phương./. 

(TTXVN / Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: