Để vỉa hè trật tự, bình yên lâu dài

Thứ ba, 10 Tháng 10 2017 07:57 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Ai cũng biết vỉa hè thuộc về công cộng. Tuy nhiên, trong thực tế, cách tổ chức xã hội, quản lý xã hội lại cho thấy điều khác. Theo tôi, ngày nào của công chưa trả về công, của dân chưa trả về dân, ngày đó chưa có sự ổn định lâu dài.  

Giải pháp nào để trả lại vỉa hè cho công cộng?


(Ảnh: TL) 

Khi khẳng định rằng vỉa hè thuộc về công cộng thì chính dân chúng là người sẽ quyết định vỉa hè nên được dùng cho việc gì, và việc quản lý vỉa hè nên ra sao để cho dân chúng hưởng được các lợi ích lớn nhất từ vỉa hè. 

Vậy vỉa hè nên có chức năng gì?

Quan sát các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Paris, Budapest, Vancouver... có thể dễ dàng nhận thấy các chức năng chính của vỉa hè như sau: 1) Đi bộ; 2) Thương mại; 3) Không gian công cộng. 

Quận 5 Paris, nơi có những con phố lát đá xuyên qua khu phố Latinh với vỉa hè hẹp thì vỉa hè chỉ có chức năng đi bộ. Những đường có vỉa hè rộng như đường Paris Saint Germain thì vỉa hè còn có chức năng thương mại. Những tiệm cà phê có hiên mở rộng ra vỉa hè. Thỉnh thoảng người ta thấy những ki ốt sách báo. Một vài nơi có vỉa hè quá rộng được dùng làm không gian sinh hoạt chung có tính chất như một quảng trường nhỏ. Những nơi này nườm nượp khách bộ hành, du khách tản bộ, ngồi nghỉ hay thậm chí dựa lưng vào ba lô đặt trên vỉa hè làm một giấc ngắn... Còn có những người bán tranh dạo, bán đồ trang sức ngộ nghĩnh, tươi vui... 

Vậy ai quyết định chức năng của vỉa hè? Ai quản lý vỉa hè?

Ở các nước, câu trả lời là hội đồng thành phố (HĐTP) hay hội đồng địa phương. Lý do rất đơn giản: bởi vì vỉa hè thuộc về công cộng nên chức năng của nó phải được quyết định bởi những người do dân chúng, bằng quyền tự do ứng cử, bầu cử, chọn lựa ra để đại diện cho quyền lợi và ý muốn của họ.

Các cơ quan hành chính công (tương tự ủy ban nhân dân - UBND) chỉ gồm người do dân chúng thuê để làm việc công, gọi là công chức, phục vụ dân theo ý HĐTP. Hiện nay số công chức trong ngạch của các nước ít hơn trước nhiều vì bộ máy hành chính công của họ được tinh giản hiệu quả. Nếu ngoài chức năng đi bộ, vỉa hè còn được HĐTP quyết định dùng làm không gian thư giãn công cộng, UBND sẽ tổ chức với kinh phí hoạt động từ ngân sách mà độ lớn và sự phân bổ do HĐTP quyết định. Nếu thêm chức năng thương mại nữa, số tiền UBND thu được từ người kinh doanh sẽ nộp vào ngân sách, và HĐTP sẽ quyết định dùng số tiền đó vào việc gì họ thấy phục vụ người dân tốt nhất.

Như vậy ta sẽ thấy sự tách bạch trách nhiệm của HĐTP và UBND. HĐTP đại diện hợp pháp cho những người chủ sở hữu công cộng, sẽ quyết định dùng vỉa hè cho mục đích gì, dùng như thế nào, và số tiền thu được sẽ dùng vào việc gì, cho mục đích gì. UBND chỉ điều hành việc thực thi các quyết định của HĐTP. Người quyết định dùng tiền không đụng tới tiền, người đụng tới tiền không có quyền sử dụng tiền.

Tôi tin rằng kinh nghiệm tách bạch trách nhiệm đó sẽ giúp các thành phố ở nước ta không còn lúng túng khi quản lý vỉa hè, không còn cảnh lời nói không đi đôi với việc làm, không còn cảnh “dân chúng không còn biết chức năng của vỉa hè là gì, vỉa hè thuộc về ai” như bài báo nói trên phản ánh.

Người muốn kinh doanh trên vỉa hè thì biết nơi hợp pháp và cách hợp pháp để kinh doanh, không còn phải nộp tiền “đen”. Chắc rằng đa số họ sẽ chọn cách làm hợp pháp vì rủi ro của cách không hợp pháp sẽ cao hơn trong bối cảnh thông tin về quản lý (chức năng) vỉa hè công khai, minh bạch hơn.

Người đi bộ biết chắc rằng họ có quyền đi trên vỉa hè, họ không phải bước xuống lòng đường khi gặp một vật cản do lấn chiếm bất hợp pháp. Khi dân chúng biết rằng họ thực sự là chủ vỉa hè, họ sẽ vui lòng nhìn ngắm các hàng quán kinh doanh trên vỉa hè một cách trật tự, bởi vì họ biết tiền thu được từ chủ kinh doanh sẽ phục vụ cho chính họ.

Xin mở ngoặc nói về các gánh hàng rong. Nếu không vi phạm các quy định về an ninh, an toàn... thì trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, vẫn nên để hoạt động. Chúng đại diện cho một loại hình kinh tế nuôi sống không ít cư dân nghèo đô thị, buôn bán tự do, tạo nét nhộn nhịp và hấp dẫn riêng đặc trưng của phố thị Việt Nam... Chắc rằng người chủ nhân công cộng của vỉa hè sẵn lòng dung nạp chúng, bởi vì chúng không chiếm một chỗ cố định nào trên vỉa hè.

Mặt tiền của thành phố - vỉa hè - sẽ được giữ đẹp đẽ và yên bình lâu dài nhờ sự tách bạch chức trách như nói trên. Một vỉa hè như thế sẽ đóng góp vào nền kinh tế địa phương. Trong điều kiện Việt Nam, khi mà sự lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động của xã hội chỉ thuộc về một đầu mối, sự tách bạch hoàn toàn khó thể thực hiện. Tuy nhiên ta có thể lấy phạm vi nhỏ này làm thử nghiệm, nếu kết quả tốt đẹp, có thể dần dần áp dụng vào các phạm vi khác. Có nên chăng? 

Lê Học Lãnh Vân 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: