Nhu cầu đi lại và bài toán thu phí ô tô vào khu trung tâm

Thứ tư, 25 Tháng 10 2017 06:50 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Sau khi TPHCM khởi động lại đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố và đưa ra lộ trình thu dự kiến từ năm 2019, đề án này tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia và người dân. 

Đây không phải là lần đầu tiên đề án thu phí vào trung tâm bị phản đối. Trước đó 5 năm đề án này cũng bị phản đối gay gắt và khi ấy chính quyền TPHCM đã tạm dừng để nghiên cứu tiếp.  


Ô tô xếp hàng dài tại ngã tư Hàng Xanh để vào trung tâm
(Ảnh: Lê Anh) 

Khi khởi động lại đề án này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, mục đích của việc thu phí là nhằm hạn chế xe ô tô vào trung tâm, giúp giảm ùn tắc chứ không phải kinh doanh để lấy tiền của người dân. 

Mặc dù đề án đã được trình các cơ quan chức năng, thế nhưng những vấn đề bất cập khi thu phí ô tô vào trung tâm như phương tiện thay thế, hiệu quả mang lại của đề án thì chưa được giải quyết hoặc chưa được giải đáp thỏa đáng.

Hãy thử hình dung khi thu phí để hạn chế ô tô vào trung tâm nếu người dân không đi ô tô thì sẽ đi phương tiện nào? Hiện nay, các phương tiện thay thế chỉ có xe máy và xe buýt. Nếu đi bằng xe máy vào trung tâm thì lại khiến mật độ xe nhiều thêm và mục tiêu giảm ùn tắc lại không đạt được. Còn nếu đi bằng xe buýt thì mất rất nhiều thời gian do xe chạy chậm, đó là chưa kể mạng lưới kết nối xe buýt chưa tốt nên có thể phải đi nhiều chặng, rồi chất lượng xe buýt xuống cấp, thái độ phục vụ trên xe cũng chưa tốt nên người dân không lựa chọn.

Còn các phương tiện khác thì sao? Ở thời điểm năm 2019 khi mà việc thu phí dự kiến được thực hiện thì TPHCM chưa có metro, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2020 mới đưa vào khai thác. Giả sử đến năm 2020 có tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thì cũng chỉ giải quyết được lượng người đi từ quận 9, Thủ Đức, quận 2 vào trung tâm, còn hướng đi từ các quận khác vào trung tâm, người dân không có lựa chọn.

Đó là chưa kể nếu người dân từ quận 7, 8 muốn đi ra sân bay Tân Sơn Nhất hoặc ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức muốn đi sang các quận 10, 5 thì vẫn phải đi xuyên qua trung tâm. Nếu đi vòng qua các tuyến đường vành đai thì quãng đường khá dài, vừa mất thời gian vừa tốn chi phí nhiên liệu. Khi đó, người dân vẫn chấp nhận bỏ vài chục ngàn đồng để đi qua trung tâm.

Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả mang lại cũng chưa có gì chắc chắn khi mà câu hỏi thu phí có giảm được ùn tắc hay không vẫn chưa được cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng thì thật khó để người dân chấp nhận. Hoặc ít nhất cần có một cam kết rõ ràng từ cơ quan chức năng để đảm bảo rằng nếu việc thu phí không hiệu quả thì phải có người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, 2 vấn đề này chưa có ai dám khẳng định và nhận trách nhiệm.

Có lẽ, trước khi nghĩ đến giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm, các cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt vấn đề tồn tại nhiều năm qua mà vẫn chưa giải quyết được, đó là di dời trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm. Đồng thời, không cấp phép xây cao ốc ở đây và đẩy nhanh việc phát triển vận tải công cộng như tàu điện, xe buýt, xe điện….

Những giải pháp nêu trên mà chưa thực hiện tốt thì việc thu phí ô tô vào trung tâm khó mang lại hiệu quả vì khi vẫn còn bệnh viện, trường học, cao ốc văn phòng ở khu trung tâm thì khi ấy nhu cầu của người dân vẫn phải vào khu trung tâm để làm việc, khám bệnh, học tập.

Chỉ khi trường học, bệnh viện được di dời ra khỏi trung tâm cùng với hệ thống giao thông công cộng như tàu điện, xe điện, xe buýt ... hoàn chỉnh thì người dân mới chấp nhận hạn chế xe cá nhân để đi xe công cộng. Khi ấy, đưa ra đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm chắc hẳn sẽ ít người phản đối. 

Lê Anh 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: