Đường thẳng thành đường vòng

Thứ năm, 13 Tháng 8 2009 10:53 Thanh Niên, Tuổi Trẻ
In

Chuyện "đường thẳng" thành "đường cong" không phải là cá biệt, Thanh tra Chính phủ cũng từng phát hiện vụ nắn đường để "lộ mặt" nhà quan chức cấp thành phố tại dự án đường quanh hồ Tây (Hà Nội) năm 2007.



Còn trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài TP.HCM không biết mục đích thật của việc đổi hướng tuyến là gì. Cách giải thích của ông Giám đốc Sở GTVT TP.HCM rằng, để nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng xem ra thiếu thuyết phục. Về tính pháp lý của việc điều chỉnh hướng tuyến này cũng còn khá mập mờ. Ông Giám đốc Sở dẫn văn bản 2774/BXD-KSTK của Bộ Xây dựng để nói rằng, việc điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Văn bản 2774 là Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của dự án mà theo Nghị định 16/CP, việc thẩm định chỉ xác định điểm đầu tuyến, điểm cuối tuyến, chiều dài toàn tuyến, chiều rộng toàn tuyến… Trong văn bản này đúng là có xác định chiều rộng đoạn đầu tuyến (nút giao Trường Sơn đến Nguyễn Thái Sơn) có chiều rộng 20m (3 làn xe), khác so với nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng chấp thuận năm 1997 (60m). Nhưng hoàn toàn không có việc "duyệt" tuyến này được thay bằng 2 nhánh Hồng Hà (20m) và Bạch Đằng (20m) như sau này khi thực hiện giải phóng mặt bằng.

Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, đặc biệt là phê duyệt dự án xây dựng một tuyến đường trên điều kiện địa hình phức tạp như tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài TP.HCM, cần phải thực hiện trên cơ sở công tác khảo sát rất tỉ mỉ, thậm chí phải xác định tọa độ của một số vị trí quan trọng. Tuy nhiên, bản vẽ sơ đồ mặt bằng tuyến do Công ty GS Engineering Construction Corp lập gắn kèm với Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19.7.2005 phê duyệt tuyến của UBND TP.HCM quá sơ sài. Thậm chí các mục xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan chuyên môn theo luật định cũng bị bỏ trống. Với một bản vẽ thiết kế mặt bằng như vậy, người ta có thể thay đổi hướng tuyến của bất kỳ đoạn đường nào một cách dễ dàng, đặc biệt khi mà tỷ lệ bản vẽ là 1/10.000.

Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo Bộ Xây dựng tuyên bố đứng ngoài cuộc trong vụ việc này vì lý do "tế nhị" nhưng điều này sẽ là bất công đối với mấy chục hộ dân đang vô cùng bức xúc vì cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Nếu thực sự Thanh tra Bộ Xây dựng thấy rằng, việc khiếu nại của dân là "có cơ sở", rằng việc điều chỉnh mặt cắt, hướng tuyến đường là không phù hợp thì cần thiết phải làm các bước tiếp theo để giải quyết dứt điểm sự việc. Tránh để xảy ra tình trạng giống như Hà Nội trước đây trong chuyện nắn đường quanh hồ Tây. Sự việc chỉ được làm rõ khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kiến nghị Chính phủ thanh tra toàn diện dự án, trong khi trước đó Thanh tra TP Hà Nội từng kết luận, không có việc nắn tuyến khi giải quyết khiếu nại của dân.

An Nguyên (Thanh Niên)

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài: Điều chỉnh để giảm giải tỏa 

Sáng 11-8, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp báo về dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Sau cuộc họp, ông Trần Quang Phượng - ủy viên UBND TP.HCM, kiêm giám đốc Sở Giao thông vận tải đã có cuộc trao đổi riêng với PV Tuổi Trẻ.

* Thanh tra Bộ Xây dựng đã khẳng định những khiếu nại của người dân về việc điều chỉnh hướng tuyến là có cơ sở. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Tôi cho rằng cách trả lời của Thanh tra Bộ Xây dựng có thể là do chưa có đầy đủ thông tin, trong đó có việc Bộ Xây dựng đã thẩm định thiết kế cơ sở của công trình đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Tôi khẳng định Bộ Xây dựng khi thẩm định thiết kế cơ sở đã xác định phương án tuyến của dự án này là phù hợp với quy hoạch. 

Ông cho biết:

- Tháng 5-1996, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch tuyến đường vành đai trong dài 20,5km bắt đầu từ cầu Bình Lợi đến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đường Nguyễn Văn Linh). Tiếp đó, năm 1998-2007 Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch chung ở TP.HCM, trong đó có dự án trên.   

Còn về thực hiện dự án, năm 1997 Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường theo hình thức BOT và giao UBND TP đảm nhận đàm phán với đối tác Malaysia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Công ty Multi Usagh Holdings Berhad (Malaysia) không tiếp tục nghiên cứu dự án trên. Đến năm 2005, từ đề nghị của UBND TP về việc Công ty LG Engineering & Construction (nay là Công ty GS Engineering & Construction - GS E&C) đầu tư vào dự án này, Thủ tướng Chính phủ có công văn cho phép thực hiện dự án.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng TP đã âm thầm điều chỉnh hướng tuyến mà không trình Thủ tướng?

- Dự án đã được hình thành hơn mười năm qua, do vậy khi triển khai dự án phải xem xét thực tế để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà hướng tuyến đường đi qua (quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức). Do đó, không có chuyện âm thầm thay đổi hướng tuyến vì khi điều chỉnh quy hoạch UBND TP đã yêu cầu các địa phương công khai tại UBND phường để người dân biết.

Vấn đề người dân vướng mắc nhiều nhất là tuyến đường vành đai nối dài với đường Bạch Đằng tới vòng xoay Trường Sơn có lộ giới 60m theo bản đồ quy hoạch giao thông được UBND TP duyệt năm 1999 (đi qua tổ dân phố 82, 89 P.2, Q.Tân Bình). Đến khi triển khai dự án này, UBND TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành và các cơ quan chức năng đã thống nhất  giảm lộ giới xuống còn 20m để phù hợp với thực tế. Bởi vì giải tỏa lộ giới 60m trên đường Bạch Đằng thì tiền đền bù giải tỏa của toàn dự án sẽ từ khoảng 8.000 tỉ đồng tăng lên 11.000 tỉ đồng.

* Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp thuận thay đổi hướng tuyến vì bà con cho rằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 đã chấp thuận lộ giới 60m đến nay vẫn chưa có quyết định nào bãi bỏ hoặc thay thế?

- Đối với việc thực hiện dự án như dự án này, Thủ tướng Chính phủ chỉ cho chủ trương về đầu tư dự án, còn thực hiện dự án các công đoạn chi tiết, UBND TP sẽ báo cáo các bộ để góp ý và tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Trường hợp này sau khi thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng thẩm định, ý kiến về đất đai, môi trường, nguồn vốn, đánh giá về hiệu quả kinh tế... của các bộ khác, sau đó Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1878/TTg-QHQT ngày 30-11-2007 cho phép thực hiện dự án. 

* Thưa ông, trong văn bản của Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở cũng không đề cập việc nắn tuyến đường trên?

- Trong văn bản số 2774/BXD-KSTK ngày 20-12-2006 của Bộ Xây dựng về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đã chấp thuận nội dung hồ sơ trình thẩm định, trong đó đã chấp thuận tài liệu thiết kế cơ sở gồm các thuyết minh về các bản vẽ thiết kế cơ sở đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Điều này có nghĩa Bộ Xây dựng đã chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến.

* Hiện nay người dân tiếp tục khiếu nại với các cơ quan báo chí về điều chỉnh hướng tuyến, UBND TP.HCM đã giải thích với người dân ra sao?

- UBND TP và UBND các quận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc họp với bà con để giải thích về việc điều chỉnh lộ giới tuyến đường trên. Bản thân tôi cũng đã có những buổi làm việc với bà con, vấn đề quan trọng nhất là việc đền bù giải tỏa cho các hộ dân cần được thực hiện bảo đảm quyền lợi thỏa đáng của bà con.

* Nhiều bà con ở Q.Tân Bình vẫn bức xúc cho rằng việc nắn lại hướng tuyến nhằm hợp thức hóa các nhà xây dựng trái phép, còn đất có phép lại bị giải tỏa làm đường?

- UBND TP đã có văn bản trả lời về vấn đề này là theo bản đồ quy hoạch giao thông được phê duyệt ngày 14-1-1999 có thể hiện đường giao thông mới mở nối vòng xoay Trường Sơn với đường Bạch Đằng và đi qua tổ dân phố 82 và 89 P.2 Q.Tân Bình, trong đó có các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Lý do nắn tuyến đường này chủ yếu là để giảm đền bù giải tỏa. Cụ thể đường Bạch Đằng chỉ giải tỏa trắng 52 căn, đường Hồng Hà giải tỏa trắng tám căn. Còn nếu giữ nguyên lộ giới 60m thì đường Bạch Đằng giải tỏa 392 căn hộ, trong đó giải tỏa trắng 259 căn hộ sẽ gây xáo trộn lớn đến cuộc sống người dân.

Đúng là có khả năng xảy ra tình trạng nhà xây dựng trái phép còn tồn tại ở khu vực nắn tuyến đường. Điều này cho thấy các địa phương trong quá trình quản lý đô thị có thể đã không quản lý chặt chẽ và sai sót dẫn đến hiện tượng trên.

*  Theo ông, dự án được giao cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng và đổi lấy năm khu đất, vậy TP được lợi gì từ công trình này?

- Do TP không có tiền nên đã giao cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng đường và trả lại bằng quỹ đất của TP. Hiện nay dự án đang cố gắng đẩy nhanh để hoàn thành đền bù giải tỏa trong năm nay để công trình thi công và hoàn thành vào năm 2012.

Ý kiến của một số người dân cho rằng việc thay đổi hướng tuyến đoạn từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án là sai so với phê duyệt năm 1997 của Thủ tướng. Người dân cho rằng theo phê duyệt trước đây, đoạn đường này có lộ giới 60m chạy dọc tuyến Bạch Đằng, nay được thay bằng hai nhánh Hồng Hà (20m) và Bạch Đằng (20m). Việc thay đổi này chưa có ý kiến của Thủ tướng sau khi UBND TP xin thay đổi… 

Ngọc Ẩn - Quốc Thanh (Tuổi Trẻ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: