Phát triển công trình xanh: Bằng cách nào?

Thứ tư, 06 Tháng 2 2019 09:50 Báo Xây dựng
In

Trong khi giới chuyên môn vẫn còn loay hoay định nghĩa công trình xanh (CTX) thì đã có những chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế… sớm theo đuổi các dự án CTX của riêng mình.

Tư vấn thiết kế chắt chiu từng điểm cộng xanh

Có lẽ ít ai ngạc nhiên khi tại Giải thưởng Ashui Awards 2018, Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus) TP.HCM do Cty kiến trúc của Đức gmp International GmbH và Cty địa phương TwoG thiết kế đã đạt đúp 2 danh hiệu “Công trình của năm” và “Xây dựng xanh của năm”. Bởi trước đó, Ngôi nhà Đức là một trong số rất ít tòa nhà ở Đông Nam Á nhận được chứng nhận công trình tiết kiệm năng lượng (TKNL) của 2 hệ thống đánh giá rất khắt khe hàng đầu thế giới là LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (hạng Bạch kim) và DGNB của Hội đồng công trình bền vững Đức (hạng Vàng). 

Chia sẻ về những giải pháp TKNL của Ngôi nhà Đức, KTS Trần Công Đức - Giám đốc gmp Việt Nam cho biết: Công trình được thiết kế trong suốt và lôi cuốn, với mặt dựng hai lớp kính. Đấy chính là 2 lớp vỏ bọc quan trọng của công trình. Lớp kính ngoài ngăn không cho khí nóng từ bên ngoài tác động trực tiếp vào lớp kính thứ 2. Lớp kính bên trong là vỏ bọc để khí lạnh làm mát bên trong công trình không thoát ra ngoài. Do thép có độ truyền nhiệt cao, nên tất cả các kết cấu thép bên trong công trình sẽ được ngắt, ngăn cách nhiệt bằng các lớp cao su, nhựa tổng hợp… Những giải pháp trên hạn chế tối đa việc công trình bị truyền nhiệt, thất thoát năng lượng ra ngoài.

Bên cạnh đó, công trình sử dụng các vật liệu, thiết bị có chứng chỉ xanh như đèn LED, thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, gạch không nung… Tất cả các giải pháp này giúp công trình TKNL từ 30 - 40% so với công trình bình thường.

Hơn thế, ở Ngôi nhà Đức, đơn vị thiết kế vẫn chắt chịu từng điểm cộng xanh cho công trình. Đó là khoảng vườn trên tầng mái; là mối quan hệ giữa công trình với môi trường xung quanh, tạo ra hơi thở, sự sống; là khu vực vệ sinh và nhà tắm cho lái xe ở tầng hầm… Bởi LEED không chỉ đánh giá CTX ở khía cạnh TKNL mà còn đề cao tiện tích, tiện lợi của công trình đối với người sử dụng.

KTS Trần Công Đức thừa nhận: Ngôi nhà Đức có tổng suất đầu tư lớn hơn công trình thông thường 10 - 20% tuy nhiên với các giải pháp TKNL, công trình có thể thu hồi được toàn bộ chi phí đầu tư trong khoảng 10 năm đầu. Trong khi công trình được thiết kế xanh và bền vững đến 100 năm. Hiện tại công trình có giá cho thuê văn phòng cao hàng đầu ở TP.HCM. Theo ghi nhận ban đầu, một số khách hàng nước ngoài lớn thậm chí đã chuyển từ các tòa văn phòng hạng A khác trong TP đến Ngôi nhà Đức thuê. Bởi Ngôi nhà Đức là tòa nhà cao ốc đầu tiên ở Việt Nam sở hữu chứng chỉ Bạch kim LEED, khách hàng muốn có được chứng chỉ CTX hạng cao nhất của hệ thống đánh giá khắt khe và phổ biến nhất hàng đầu thế giới này.

Nhà đầu tư muốn cùng cộng đồng phát triển CTX

Nếu Ngôi nhà Đức là công trình văn phòng cao cấp theo đuổi hệ thống đánh giá LEED khắt khe hàng đầu thế giới thì nhà đầu tư Capital House lại phát triển các dự án BĐS của mình theo hệ thống tiêu chí đánh giá khiêm tốn hơn một chút.

Tại dự án chung cư giá rẻ Ecohome Phúc Lợi (Hà Nội), Capital House đầu tư 210 tấm pin năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng, hành lang. Trong từng căn hộ, dự án sử dụng các loại đèn Led với kích thước nhỏ, công suất chiếu sáng cao, TKNL và hệ thống sen vòi tiết kiệm nước. Các hạng mục VLXD như tường ngăn, dự án sử dụng vật liệu không nung. Mái căn hộ được cách nhiệt bằng xốp polyurethane giúp giảm thiểu tối đa năng lượng mặt trời, tránh nắng nóng tại các căn hộ hướng nắng, giúp giảm chi phí điều hòa làm mát. Dự án cũng được thiết kế vách che nắng ngang ở các cửa sổ, hệ thống tưới cây nhỏ giọt tự động, giúp TKNL. Ngoài ra, dự án còn được thiết kế trong cảnh quan đẹp, với hệ thống cây xanh 3 lớp, hài hòa với hệ thống đường dạo bộ. Nhờ đó, Ecohome Phúc Lợi có được các không gian xanh mát và trong lành.

Với tất cả các giải pháp nói trên, dự án Ecohome Phúc Lợi giúp cư dân sống tại dự án giảm thiểu được gần 30% phí hóa đơn sử dụng điện, nước, hàng tháng. Dự án đã được IFC trao chứng nhận CTX EDGE.

Còn với dự án BĐS cao cấp EcoLife Capitol (Hà Nội), Capital House có đồng thời chứng chỉ CTX EGDE và LOTUS (của Hội đồng CTX Việt Nam).

Lý giải vì sao Capital House quyết tâm phát triển tất cả các dự án của mình theo hướng xanh, Phó tổng giám đốc Trần Như Trung cho biết: Capital House mong muốn phát triển CTX, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Sống xanh chính là sống tiết kiệm chi phí và có lợi cho sức khỏe cư dân.

Tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình phát triển CTX tại Việt Nam, Capital House mong muốn sẽ phát triển được một cộng đồng các nhà đầu tư tham gia phát triển CTX rộng rãi hơn nữa. Bởi 1 CTX chưa thể làm cả TP xanh.


TS Nirmal Kishnani - Tổng biên tập tạp chí FuturArc và ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trao giải "Xây dựng Xanh của Năm" cho đại diện công ty gmp International GmbH (ảnh: Ashui.com)

Phát triển CTX khó hay dễ?

Có thể trả lời được ngay là không dễ bởi cho đến nay, cả nước mới có 18 CTX (được công nhận bởi) LOTUS, 4 CTX GREEN MARK, 54 CTX LEED, 21 CTX EDGE và hơn 30 công trình kiến trúc xanh được công nhận bởi Hội KTS Việt Nam.

Chia sẻ về khó khăn trong việc xây dựng CTX, đại diện Phúc Khang Corporation, nhà đầu tư có dự án Diamond Lotus Riverside đạt tiêu chuẩn CTX LEED và Diamond Lotus Lake View đạt tiêu chuẩn CTX LOTUS cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì lần đầu tiên tiếp cận với kỹ thuật xây dựng cao. Tất cả quy trình thiết kế, thi công và vận hành dự án đều phải được giám sát khắt khe, không giống bất kỳ một dự án nào khác mà nhà thầu đã thực hiện.

Còn đối với chủ đầu tư, việc phát triển CTX đã làm tăng chi phí 3 - 7% do phải thuê thêm đơn vị tư vấn thiết kế và xây dựng theo chuẩn xanh, thay đổi VLXD… Thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý CTX phức tạp hơn các dự án thông thường. Trong khi đó, giá bán căn hộ không thể tăng cao tương ứng vì tính cạnh tranh trên thị trường…

Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, phát triển CTX là xu thế tất yếu, do vậy cần sớm có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào CTX. Từ nhà đầu tư cho đến người dân hưởng thụ CTX cần thống nhất trong hành động chung. Nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần của một CTX nhưng chưa đủ. Tiếp theo đó phải khuyến khích sử dụng VLXD thân thiện với môi trường, như gạch không nung, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch... “Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của CTX thì càng nhiều dự án xanh được xây dựng. Một đô thị có nhiều CTX, đô thị đó sẽ tốt lên” - ông Chiến nói.

Phúc Minh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: