Giữ nét duyên xưa cho Đà Lạt

Thứ bảy, 06 Tháng 4 2019 11:25 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Năm trước, một người bạn là kiến trúc sư đang làm việc tại Hàn Quốc về nước và đến thăm Đà Lạt. Anh nói Đà Lạt giờ khác quá, dày đặc bê tông với khách sạn, nhà nghỉ. Xe du lịch đậu chật đường phố. Kiến trúc thay đổi, khác lạ với môi trường tự nhiên trước đây. Danh lam thắng cảnh bị xâm hại, mảng xanh và rừng thông dần nhường chỗ cho công trình...

Anh nhớ Đà Lạt ngày trước thông mọc khắp lối, không gian thoáng đãng, đường phố sạch sẽ, lạnh nhưng ôn hòa. Nay Đà Lạt ít sương mù, nhiệt độ nóng dần lên nên đã thưa dần những chiếc áo ấm.


Đà Lạt bây giờ dày đặt bê tông với khách sạn, nhà nghỉ.
(Ảnh: Thành Hoa)

Nhiều thành phố trên thế giới khi đô thị hóa, họ không đánh mất bản sắc. Ở Seoul, họ nâng niu, giữ lại (cải tạo phục hồi) hầu hết các di tích lịch sử, những thứ được cho là bản sắc của xứ sở. Chính quyền đã ngưng xây một tòa nhà lớn chỉ vì làm cản trở ánh nắng buổi sáng và tầm nhìn ngôi chùa 100 năm tuổi. Thậm chí, họ muốn giữ lại dù chỉ một miếng đá lót đường nếu có dấu tích lịch sử, bất khả kháng thì mới chuyển đến vị trí khác hoặc đưa vào viện bảo tàng và ngay tại vị trí cũ sẽ có một tấm bảng ghi sự kiện đã xảy ra. Seoul còn quy định xây dựng công trình dịch vụ có diện tích sàn từ 100.000 mét vuông, nhà cao từ 10 tầng thì phải cách trung tâm 30 ki lô mét. Paris ở Pháp cũng không cho phép xây nhà cao tầng trong khu nội thành để bảo vệ di sản, mà chỉ cho xây ở khu mới La Défense. Ý tưởng này đã được thực hiện ở Thượng Hải, Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur... Và trên thực tế, hầu hết du khách đều muốn ghé thăm nội thành cũ chứ ít khi đi thăm thành phố mới.

Đà Lạt có tổng diện tích tự nhiên khoảng 393 ki lô mét vuông. Hơn 90 năm trước, khi khảo sát và tính toán, những kiến trúc sư người Pháp quy hoạch Đà Lạt đã cảnh báo nguồn nước ngầm chỉ đủ cung ứng cho 120.000 người. Theo thống kê năm 2017, Đà Lạt có dân số lên tới 227.000 người nên thiếu nước sinh hoạt là điều dễ hiểu.

Một thành phố thiếu nước sẽ gặp vô vàn trở ngại, khó phát triển. Kẹt xe sẽ làm giảm chất lượng sống. Trước đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã từng góp ý Đà Lạt không nên xây nhà cao tầng trong khu trung tâm vì dân số sẽ tăng đột biến. Nếu muốn phát triển đô thị thì hãy phát triển đô thị vệ tinh ở Đơn Dương hoặc điểm nào đó gần Bảo Lộc... Thế nhưng, Đà Lạt đã bị cuốn vào vòng xoáy nhà cao tầng kéo theo biết bao hệ lụy như nhiệt độ tăng, thời tiết bất thường, thiếu nước, kẹt xe, ngập úng do mưa...

Quy hoạch chi tiết và thiết kế một đô thị nào đó là thể hiện suy nghĩ, cách thực hiện chiến lược phát triển, tác động rất lớn đến đời sống, tinh thần, sinh hoạt, kinh tế, di sản, văn hóa, xã hội ở nơi đó. Những bài học đau xót trong đô thị hóa đã có nhiều, sai lầm sẽ dẫn đến lãng phí không thể kể hết và thiệt hại có thể không gì bù đắp được. Các nước phát triển không bao giờ để cho kiến trúc sư đơn độc trong lập quy hoạch và thiết kế đô thị mà luôn có sự tham gia phối hợp của các nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, các nhà khí ượng, thủy văn và cả ở lĩnh vực nghệ thuật, sau đó còn phải lấy ý kiến người dân.

Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu Hòa Bình rộng hơn 30 héc ta ở Đà Lạt đã được tỉnh Lâm Đồng công bố. Giới chuyên môn đánh giá quy hoạch này sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu trung tâm. Theo đó, chỉ có ngôi chợ được giữ lại. Rạp hát Hòa Bình là ký ức gắn bó với nhiều thế hệ người dân địa phương và du khách sẽ bị dở bỏ để xây khu phức hợp cao cấp. Khu đồi Dinh rộng 4,43 héc ta đã có từ năm 1910 gắn với lịch sử Đà Lạt cũng sẽ bị di dời để lấy đất xây các trung tâm thương mại cùng khách sạn bảy tầng nổi (chưa tính các tầng hầm).

Mỗi đô thị có đặc thù khác nhau. Đà Lạt có địa hình tự nhiên đặc thù và lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc, như một tác phẩm nghệ thuật có tâm hồn mà ở đó, người dân sống an toàn, an lành, an bình. Theo tôi, Đà Lạt có thể cải tạo để phát triển nhưng không nhất thiết phải phá vỡ cảnh quan, khu trung tâm vốn nhỏ hẹp không thể gánh thêm nhu cầu mới. Anh bạn tôi cũng cho rằng Đà Lạt nên dừng bê tông hóa với nhà cao tầng, hạn chế ô tô lẫn xe máy, chỉ nên hoạt động giao thông công cộng, ưu tiên đi bộ, đi xe đạp. Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà cao tầng có thể xây dựng ngoài trung tâm Đà Lạt.

Hãy thận trọng xử lý mối quan hệ giữa cải tạo xây dựng đô thị và giữ gìn di sản, bản sắc để bất kỳ ai đến đây cũng có thể thấy được giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc của Đà Lạt.

Trần Văn Tường

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: