Xây niềm tin, nhìn từ chuyện minh bạch ngân sách

Thứ hai, 12 Tháng 8 2019 10:16 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Chi tiêu công có lẽ là vấn đề mà người dân quan tâm nhất với nhà nước. Khi cơ sở thuế ngày càng mở rộng - nghĩa là số tiền phải đóng tăng lên - cùng với tình trạng hạ tầng yếu kém và quá tải của một nước đang phát triển, sẽ không mấy bất ngờ nếu chúng ta luôn có xu hướng phàn nàn về hiệu quả chi ngân sách mỗi khi dầm mình qua các con phố ngập nước mùa mưa.

Sự phàn nàn đó trở nên có lý hơn khi gần đây nhiều nghiên cứu chỉ ra những “điểm đen” trong việc công khai ngân sách với người dân.


Chi tiêu công có lẽ là vấn đề mà người dân quan tâm nhất với nhà nước. (Ảnh minh họa: Thành Hoa)

Theo báo cáo Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018, do hai đơn vị nghiên cứu thực hiện, chỉ có 6/63 tỉnh, thành là công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước. Trong đó, những địa phương chi tiêu nhiều nhất - nhóm các thành phố trực thuộc trung ương - được xếp hạng khá kém. Chuyện tương tự cũng diễn ra với báo cáo Chỉ số công khai ngân sách của các cơ quan trung ương (MOBI) vừa mới công bố. Đơn vị nào tiêu càng nhiều thì lại càng thiếu minh bạch.

Do không muốn minh bạch?

Diễn giải theo hướng “thông cảm” cho cán bộ, thì điều này là do độ trễ trong việc hiểu và thực hiện quy định mới, vốn phức tạp và có yêu cầu cao hơn. Nghị định hướng dẫn Luật Ngân sách năm 2015 ban hành vào cuối năm 2016, và phải đến năm 2017 mới bắt đầu có những khóa tập huấn cho cán bộ địa phương các tiêu chuẩn mới. Khoảng cách về chất lượng cán bộ giữa các địa phương cũng sẽ khiến năng lực tuân thủ khác nhau.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là sự mù mờ thông tin ngân sách hoàn toàn do lỗi khách quan. Kể cả trước khi sửa đổi luật, hệ thống văn bản cũ cũng đã có những quy định tương đối cụ thể về việc công khai chi tiêu ngân sách nhà nước. Thế nhưng mức độ chấp hành cũng không khá khẩm hơn là bao.

Những ai có công việc phải sử dụng nhiều số liệu ngân sách đều có lúc tuyệt vọng với chất lượng thông tin của địa phương: có những tỉnh, thành quá thời hạn hai năm nhưng không công bố quyết toán ngân sách, số liệu không nhất quán (có những năm công khai ngân sách cho từng cơ quan ở địa phương, có năm lại không). Số liệu sẽ càng lộn xộn với chất lượng thông tin kém hơn khi xuống đến cấp huyện, xã.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với số liệu ngân sách của các cơ quan cấp bộ, ngành. Hãy thử làm một thực nghiệm đơn giản: bạn chọn một cơ quan mà mình quan tâm, ví dụ Bộ kế hoạch và Đầu tư, và truy cập trang web của bộ này để kiểm tra việc sử dụng ngân sách trong năm 2017.

Phần lớn các bộ sẽ không có mục “công bố thông tin”, và kể cả với những bộ có mục này như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chất lượng và độ “dày” về mặt thông tin cũng không được như mong đợi. Đó đơn giản chỉ là những bản mềm scan của các văn bản hành chính, nên với những người không làm ở các lĩnh vực liên quan, sẽ không dễ để hiểu được những văn bản chi chít số. Đây thực chất là những hành vi đối phó không hơn không kém.

Việc không tuân thủ quy định rất khó giải thích về mặt logic. Các cơ quan nhà nước không tiêu tiền do họ làm ra, mà tiền họ tiêu đến từ tiền thuế của người dân. Minh bạch không phải là việc muốn hay không muốn, mà là yêu cầu bắt buộc: đó là nguyên tắc cơ bản cho bất kỳ một tổ chức nào, từ một lớp học cấp 2 cho đến các tập đoàn đa quốc gia.

Bản thân đối tượng chịu quản lý có nhiều lý do để không minh bạch. Có thể việc công bố thông tin đầy đủ sẽ tốn thêm nhiều thời gian và nguồn lực, mà lại còn đặt chính họ vào “rủi ro” nếu có sai phạm hay các khoản chi tiêu bất hợp lý. Thứ hai, các tổ chức nếu muốn xây dựng niềm tin với người dân và cơ quan quản lý thì sẽ cố gắng trở nên càng minh bạch càng tốt. Ở đây, có thể các cơ quan nhà nước - vô tình hay hữu ý - cho rằng mình không có nhu cầu đó. Thứ ba, gắn với lý do thứ hai, hiện không có chế tài thực sự nghiêm khắc để xử lý các tổ chức vi phạm.

Và do hiệu lực của giám sát

Sự mất mát lớn hơn là niềm tin: nếu những người hiểu luật nhất, và có trách nhiệm thi hành pháp luật, mà còn vi phạm, thì việc gì người dân bình thường phải có ý thức chấp hành?

Việc ngân sách chi tiêu có minh bạch hay không, bởi thế, có ý nghĩa nhiều hơn những con số trên bảng Excel.

Không phải chỉ gần đây mới có những phàn nàn về minh bạch ngân sách. Luật Ngân sách Nhà nước trước đây (Quốc hội thông qua vào năm 2002) cũng không thiếu những quy định, nhưng sức ép để các cơ quan tiêu tiền nhà nước chấp hành là không đủ lớn. Đó chỉ là những lời phê bình trên nghị trường Quốc hội, hay cùng lắm là những nhắc nhở không có chế tài ở các cuộc họp giao ban. Sự hời hợt trong xử lý, việc “giơ cao đánh khẽ” các vi phạm phần nào khiến cho quy định về công khai ngân sách chỉ hiệu quả trên giấy tờ.

Vấn đề lớn hơn là vai trò giám sát độc lập. Để nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm tra “chéo” giữa các nhánh quyền lực nhà nước khác nhau là cần thiết, như hiện tại bên lập pháp (Quốc hội) chịu trách nhiệm giám sát tài chính của bên hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (tòa án).

Nhưng ngoài ra, còn cần phải có cơ chế kiểm tra “từ dưới lên” của người dân, để giám sát các nhánh khác nhau của quyền lực nhà nước. Những đơn vị đang nắm giữ vai trò này - các tổ chức quần chúng và đoàn thể - đang không đáp ứng được yêu cầu đó. Thực tế, chỉ số POBI hay MOBI được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu độc lập chứ không phải từ cơ quan nhà nước hay các đơn vị có vai trò giám sát.

Kỷ luật về tài sản công là rất quan trọng, bởi việc chấp hành không chỉ mang ý nghĩa đảm bảo ngân sách không bị thất thoát, mà còn đặt ra tiêu chuẩn đạo đức cho xã hội. Những vị bộ trưởng ở nước ngoài từ chức vì đi máy bay hạng thương gia hay sử dụng tài sản công vào mục đích riêng, mà chúng ta đọc đâu đó trên báo, không phải bởi giá trị thiệt hại cho ngân sách của hành vi đó. Số tiền sai phạm thực ra là không đáng kể.

Sự mất mát lớn hơn là niềm tin: nếu những người hiểu luật nhất, và có trách nhiệm thi hành pháp luật, mà còn vi phạm, thì việc gì người dân bình thường phải có ý thức chấp hành? Việc ngân sách chi tiêu có minh bạch hay không, bởi thế, có ý nghĩa nhiều hơn những con số trên bảng Excel.

Nguyễn Khắc Giang

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: