Thành phố không ký ức

Chủ nhật, 20 Tháng 10 2019 00:38 Người Đô Thị
In

Mỗi thành phố cần một ký ức - để không bị ăn thịt bởi sự vô can nhạt nhòa...

Ký ức không vui
Giữ trái tim ta khỏi điều vỡ nát 

Đó là một đêm đầu tháng 10/2016, tôi đang xem một phim tài liệu chiếu trên căn gác của quán cà phê nhỏ nằm trong hẻm gần Siam ở Bangkok. Đầu tháng 10 năm đó, Bangkok kỷ niệm 40 năm cuộc thảm sát trong Đại học Thammasat.

Người chủ trì buổi chiếu phim là giáo sư từ Đại học Thammasat. Ông mở đầu buổi chiếu phim bằng lời giới thiệu: “Bạn sẽ được xem một phim tài liệu, kể về người mẹ đã mất 40 năm để tự hỏi vì sao con trai của bà không trở về nhà nữa. Không có bất cứ tượng đài nào, di tích nào nhắc nhở chúng ta về tội ác và những người biến mất”.

Vào những năm kỷ niệm quan trọng, sinh viên Đại học Thammasat tổ chức lễ cầu nguyện cùng các nhà sư cho hơn 100 người đã chết. Những ai theo dõi thời sự hồi ấy sẽ còn nhớ bức ảnh một người đàn ông bị treo trên cây, khi có kẻ cầm cái ghế đập vào đầu thi thể đó.


Nhiều “mảnh” của Bức tường Berlin vẫn được giữ lại gợi nhắc thời nước Đức chia cắt.

Tổ chức lại một buổi chiếu phim trong quán cà phê chừng 20 khán giả là nỗ lực để cứu giữ một ký ức đang phai đi trong thành phố nhộn nhạo thay đổi từng giờ như Bangkok. Hiện thực đó đã bị phi tang rất nhẹ nhàng khi cộng đồng người nắm giữ quyền lực một mực quay lưng chối từ sự việc đã xảy ra. Đó là một phương pháp đối diện với quá khứ.

Mỗi tuần đạp xe ở Bangkok tôi thường tự hỏi bao nhiêu người trẻ như tôi sẽ còn nhớ được nguyên nhân gì đã dẫn đến ngày 6/10/1976 đẫm máu hôm đó? Bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng nguyên nhân gì đã dẫn đến điều đau lòng ấy? Bao nhiêu người chắc chắn rằng chúng không xảy ra một lần nữa?

Có lần nói chuyện với một học giả ở Bangkok, bà giải thích cho tôi: Lý do chúng ta phải nhớ về quá khứ vì trong một cộng đồng người, mâu thuẫn cũ luôn có khả năng lặp lại rất cao và dẫn đến cùng một bi kịch. Nếu được giáo dục, nhắc nhở về quá khứ đó, cộng đồng người sẽ ý thức biết mình phải tránh xa một số nguyên nhân có thể gây ra thảm kịch lần nữa.

Có bao nhiêu phần của thảm kịch sẽ được chụp giữ lại trong ký ức loài người hay quên? Hay ta làm cách nào để những tị hiềm không phóng đại thành vũ lực và thiêu hủy nhau trong những bối cảnh lặp lại như cuốn băng cũ liên hồi nhai lại từng đoạn âm thanh giống nhau?

Vài năm sau, ở Berlin, một buổi tối, bạn tôi chỉ tôi dừng lại trước một ngôi nhà, nhìn xuống chân để thấy ba viên gạch bằng kim loại, có khắc tên người và vài dòng tiếng Đức. Bạn kể: “Đó là tên của những người Do Thái đã bị bắt và giết trong ngôi nhà này. Mỗi khi dừng chân nhìn viên gạch, bạn có thể tưởng tượng về họ. Đó có thể là đàn ông, là phụ nữ, hay chỉ là đứa bé gái. Họ từng có cuộc đời bình thường. Họ bị bắt đi hay bắn chết ngay trong nhà. Ngôi nhà ấy thì vẫn còn đây”.


Những viên gạch ghi tên nạn nhân người Do Thái bị phát xít Đức giết trong thế chiến thứ II.

Từ đó, thỉnh thoảng đi bộ ở Berlin tôi lại dẫm phải chúng: viên gạch viết tên ai đó vô tội đã chết vì chế độ phát xít, hoàn cảnh, từ ngôi nhà này. Sau này tôi biết, gạch được đặt khắp nơi trên nước Đức chứ không phải chỉ ở Berlin. Ở bất cứ đâu, người sống vẫn vô tình gặp phải, dẫm lên, và nhớ ra có một hiện thực khác tồn tại song song với hiện tại sạch sẽ, phát triển và an lành này.

Tác giả của những viên gạch là nghệ sĩ Gunter Demnig. Ông dành nhiều năm đi khắp nước Đức để đóng gạch xuống đường - ghi tên tuổi nạn nhân, lý do bị bắt, bị giết. Ông không cho phép quá khứ phai đi giữa hàng chục năm dài. Nhiều chủ nhà không thích điều này.

Tờ The Guardian của Anh có lần phỏng vấn một số chủ nhà phật lòng khi nhìn những viên gạch đó, nó làm họ thấy lịch sử ngôi nhà như ma ám và có thể làm giảm giá trị ngôi nhà, hoặc khiến họ thấy “trầm uất”. Sự cố định của những bia đá khiêm nhường đang thi gan cùng những ý đồ muốn xóa bỏ quá khứ vì những động cơ không ai lường trước được. Có kẻ muốn được miễn tội với nạn nhân.

Có người cần thoát khỏi cái bóng nguyền rủa của chính những người họ sát hại. Ai đó cần vẻ thanh tao, xinh đẹp của không gian, và chối từ nơi đây từng là nghĩa địa. Người của hiện tại chẳng thấy liên quan gì đến quá khứ. Mớ linh hồn cũ đang chen chân tồn tại với họ trong không gian chật hẹp. Chẳng ai cần ai. Hiện tại muốn sạch sẽ và vô can. Nhưng nếu ta chỉ nhìn thấy lớp màng bọc tươi đẹp trong một hình thức duy nhất của nó thì làm sao nhớ được điều gì đã xảy ra? Làm sao để người không chùn chân trước khi rơi vào lối mòn cũ dẫn về bóng tối? Làm sao để những đoàn người không bủa vây và sát hại ai đó trong lần cơn dấy loạn dâng lên?

Mấy viên gạch bằng đồng gợi nhắc về viễn cảnh của diễn ngôn “dân tộc thượng đẳng”, “màu da thượng đẳng”, “giai cấp thượng đẳng” rồi sẽ khiến con người đủ tàn nhẫn dẫm lên thể xác nhau như dẫm lên giống loài mà họ cho là thấp kém.

Những người ở Bangkok không may mắn như con phố ở Berlin hay Hamburg. Tấm thẻ đánh dấu thời gian của họ chỉ thuần dựa vào người còn sống đầy mắc mứu không thể giải quyết của sự kiện đẫm máu đã bị bôi xóa. Đã bao nhiêu người tiếp tục tan đi theo từng năm, cho đến khi ngày 6.10 thảm sát kia chỉ còn là một con số trên tờ lịch vô tri của tương lai không màu?

Đó phải chăng là lý do khiến đô thị cần giữ lại vài phân mảnh của nó? Dù xinh đẹp gọn gàng hay đen đúa thảm thương, từng mảnh vỡ đó đều là phần khuyết thiếu mà mọi cư dân của thành phố - đến khoảnh khắc bí mật riêng tư nào đó - sẽ tự lang thang kiếm tìm? Khi đô thị vội vàng san bằng tất cả trong nhân danh phát triển, nó đẻ ra linh hồn lạc loài: Những con người mải miết đi về một phía đến khi tự hỏi về tâm hồn trống rỗng đơn điệu. Những đứa trẻ ngây thơ tiếp tục dẫm vào đổ nát của sai lầm cũ, không mảy may chùn chân hay chạnh lòng.


Cư dân đô thị cần ký ức để có đời sống tinh thần đầy đặn và vững chãi trước biến cố. Ảnh: Bến Bình Đông ngày giáp Tết - “một nơi có linh hồn” của vùng đất Sài Gòn đang thắc thỏm trước cơn lốc hiện đại hóa đô thị.
(Ảnh: Quang Nguyễn)

Có lần ở Sài Gòn, bạn tôi dắt tôi đến Bến Bình Đông nhìn sang chợ hoa quận 8 những ngày gần Tết. Bạn đọc một đoạn văn Sơn Nam từng viết về những chành ghe thương hồ đi về giữa hai bên bờ kênh, những nhà kho cũ nằm thẳng thớm đầy trên con đường Võ Văn Kiệt và cả hai bên bờ kênh. Đó là lúc tôi nhìn thành phố của mình khác đi - một nơi có linh hồn, nơi những chàng trai hát đối đáp mấy câu hò với cô gái anh yêu trong buổi sớm trước giờ ghe về cập bến. Những nhộn nhịp vài trăm năm. Những giấc mơ bé mọn thời nào cũng giống hệt.

Con kênh giờ đã có đường Võ Văn Kiệt thẳng thớm đi ngang. Thứ còn vương lại là mấy ngôi nhà cổ mái xéo lác đác nằm bên bờ kênh - chưa có bàn tay bấu vào bôi xóa.

Từ đó, mỗi lần đi bộ trong một thành phố, tôi thường tự hỏi ký ức giữ nó tồn tại là gì? Con người ở đây đang cố che đậy phần nào của nó? Những mảnh vỡ ấy vương vãi đâu rồi?

Mỗi thành phố cần một ký ức - để không bị ăn thịt bởi sự vô can nhạt nhòa.

Khải Đơn

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: