Mơ về con đường di sản trên bến dưới thuyền

Thứ hai, 27 Tháng 1 2020 08:45 T/c Kiến trúc & Đời sống
In

Tôi rời Sài gòn năm lên 7 tuổi. Kỷ niệm về những không gian công cộng của thành phố này không nhiều. Tôi nhớ có lần được má đưa ra Cột cờ Thủ Ngữ, tôi được ngồi trên ghế xích đu ở vườn hoa nhìn ra dòng sông Sài Gòn. Tôi cũng nhớ có lần được má cho đi chơi ở Vườn thú mà bây giờ ta gọi là Thảo Cầm Viên. Trong ký ức của tôi vẫn có cây cầu gỗ bắc qua rạch Thị Nghè, có cây cà na rủ bóng mát tới tận giữa cầu.

Rồi tôi đi một mạch 30 năm mới được trở về thành phố. Những kỷ niệm với không gian sông nước của Sài Gòn vẫn còn trong ký ức.

Nói đến không gian đặc thù sông nước của thành phố, tôi tâm đắc chuyện quy hoạch, triển khai đại lộ Võ Văn Kiệt con đường cùng với sông rạch đi xuyên tâm qua thành phố. Khi thông hầm sông Sài Gòn năm 2011, tôi đã trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn Tiếp Thị nhấn mạnh rằng đại lộ Võ Văn Kiệt không chỉ tạo ra không gian phát triển đô thị, cải tạo môi trường khu vực dọc đại lộ mà còn góp phần khôi phục cảnh quan trên bến dưới thuyền của Sài Gòn - Bến Nghé xưa.

Sau khi hầm sông Sài Gòn và đại lộ được đưa vào sử dụng, vài năm trở lại đây, việc tổ chức chợ hoa ngày tết ở bến Bình Đông, quận 8 tạo ra những hoạt động ngày càng rõ nét hơn. Ngày xưa, tuyến kênh này là đường giao thông đưa lúa, gạo nông sản từ miền Tây lên thành phố.

Bây giờ, chợ hoa ngày tết trong cảnh quan sông nước tạo ra nét văn hóa miệt vườn. Tôi thích thú nhất là có nhiều hoa kiểng đặt dưới thuyền, để trên bờ vừa phải thôi. Hình ảnh những chuyến ghe thương hồ xa xưa được sống lại trong không gian cảnh quan sông nước giữa đô thị. Người thành phố đi chợ hoa ở bến Bình Đông không chỉ để mua hoa và cũng không chỉ chọn hoa trên bờ. Đi chợ hoa trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông là cơ hội thưởng ngoạn không khí tết, một nét văn hóa miệt vườn hiếm có. Đây là nét thú vị ngày xuân của riêng thành phố.

Một không gian công cộng khác kết nối với không gian sông nước ở thành phố ta là đường hoa Nguyễn Huệ. Trước kia đây là nơi tổ chức chợ hoa và từ 2004 trở thành đường hoa. Khi tôi còn công tác cũng có ý kiến tham gia việc này. Tổ chức đường hoa là biến một con đường thành không gian đặc trưng của đất và người Nam bộ. Đường hoa Nguyễn Huệ kết nối từ quảng trường tượng đài Bác Hồ ra bến Bạch Đằng.

Tuy thời gian xuất hiện chưa dài nhưng đường hoa Nguyễn Huệ đã tạo ấn tượng và bắt đầu trở thành điểm đến được mong đợi. Cả không gian rộng lớn được sắp đặt theo chủ đề. Việc tổ chức đường hoa gắn với tết cổ truyền thêm đề tài phong phú và từ khi có phố đi bộ Nguyễn Huệ càng trở nên bài bản, công phu, hấp dẫn hơn. Nghệ thuật sắp đặt tạo ra những không gian đặc trưng. Có cánh đồng trồng lúa, có dòng sông, con đò, làng chài, sắp đặt làng quê theo chủ đề ba miền.

Không chỉ nhằm mục đích phục vụ vui chơi giải trí, các chủ đề được tạo ra là các không gian vừa là hồi ức, vừa là văn hóa mang tính giáo dục trực quan. Điều có thể thấy rõ là tính thu hút ngày càng gia tăng với người dân thành phố đặc biệt là thanh niên, trẻ em.

Ngày xuân, nhắc đến không gian công cộng đặc thù sông nước, tôi muốn trình bày mong muốn có kết nối và tổ chức được một con đường di sản trên sông cho Sài Gòn - TP.HCM. Đây là ý tưởng mà tôi cũng đã trao đổi với đồng nghiệp trẻ là ThS. KTS Huỳnh Xuân Thụ, Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố. Một tuyến đường di sản có thể phục vụ tất cả đối tượng, từ người dân thành phố đến khách vãng lai và khách du lịch. Một tuyến đường di sản có thể hoạt động quanh năm nhưng đặc biệt quan trọng là dịp tết cổ truyền.

Cụ thể, đó là không gian sông nước với tâm điểm là khu vực bến Bạch Đằng - Cột cờ Thủ Ngữ - cảng Nhà Rồng kéo dài theo dòng sông về mỗi phía khoảng 10-15km và hơn nữa.
Gọi là con đường di sản trên bến dưới thuyền bởi đây là tuyến đường sông kết hợp với đường bộ và nối tiếp với nhiều tuyến điểm hai bên sông. Sông nước đã được coi là di sản thiên nhiên đối với thành phố ta. Tuyến đường trên sông như vừa nói cũng sẽ kết nối một loạt di sản lịch sử, văn hóa và kiến trúc của thành phố này, vùng đất này.

Ngay ở tâm điểm của bến Bạch Đằng là cầu đi bộ mà thành phố đã lên kế hoạch tổ chức thi thiết kế để nối trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2. Phía quận 1, chân cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng, gần kề với phố đi bộ Nguyễn Huệ; phía quận 2, chân cầu nằm tại công viên bờ sông ở khu A, phía nam quảng trường trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là cây cầu không chỉ kết nối giao thông hai quận mà còn có thể sử dụng toàn bộ không gian của dòng sông. Ta sẽ có một không gian công cộng đặc biệt, một không gian của dòng sông, của đô thị, một không gian đặc thù sông nước. Ở ngay khu trung tâm, ta có thể kết nối với các di sản kiến trúc như Nhà thờ Đức Bà, các viện bảo tàng, chợ Bến Thành… và bên kia Thủ Thiêm là đô thị mới nhưng cũng có các di sản kiến trúc tôn giáo hàng trăm năm tuổi.  

Từ vị trí của cầu đi bộ, xuôi về phía bến Nhà Rồng qua cầu Khánh Hội rồi theo kênh Tàu Hũ, Bến Nghé ta sẽ kết nối được với các không gian đặc trưng cho cảnh quan sông nước trên bến dưới thuyền, với đô thị giàu truyền thống, đa dạng về du lịch di sản, tâm linh và văn hóa là khu Chợ Lớn. Từ cầu đi bộ, còn có thể xuôi ra sông Nhà Bè, Cần Giờ cũng có nhiều điểm tham quan thú vị, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày tết cổ truyền, các tuyến đường trên càng thêm hấp dẫn với chợ hoa tết ở bến Bình Đông, bến Trần Xuân Soạn, hội xuân Phú Mỹ Hưng…  

Từ vị trí cầu đi bộ, ngược về phía Ba Son rồi ra Văn Thánh, Bình Quới - Thanh Đa còn nhiều địa điểm tham quan. Đó là di tích lịch sử ở Ba Son, các bến thuyền và vườn cảnh hoa viên hấp dẫn của các khu nhà phức hợp hiện đại đẹp mắt dọc sông thuộc các khu đô thị mới như Saigon Pearl và Vinhome (có Land Mark 81 tầng cao nhất Việt Nam); rồi tới các khu du lịch Tân Cảng và nhiều điểm khác ở Bình Quới - Thanh Đa. Ta cũng có thể sử dụng tuyến sông này kết nối với các điểm du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái như tuyến đi Hóc Môn, Củ Chi, đi Thủ Đức và rộng hơn nữa là cả Bình Dương, Đồng Nai.

Điều thuận lợi là hệ thống sông rạch ở vùng này có chế độ thủy văn khá thuận lợi, các di tích lịch sử, di sản kiến trúc văn hóa có bề dày lịch sử, có câu chuyện hấp dẫn. Hệ thống các tuyến, điểm tham quan hiện cũng đã bắt đầu hình thành.

Nếu tuyến đường di sản trên sông được hình thành thì cảnh quan sông nước sẽ được khai thác đúng mức, mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố.

Việc quan trọng nhất, theo tôi là kết nối và tổ chức ngay trong giai đoạn 1 từ bến Nhà Rồng ngược lên Thanh Đa - Bình Quới. Nếu được lãnh đạo quan tâm, các nhà chuyên môn có đề án tốt thì tôi tin là các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ vốn hoàn thiện hạ tầng ở các điểm đến, đầu tư phương tiện.

Nếu tuyến đường di sản trên sông được hình thành thì cảnh quan sông nước sẽ được khai thác đúng mức, mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố. Người dân cũng có thể tham gia vào khai thác du lịch để tạo nguồn lợi cho bản thân. Vệt xanh bờ sông khi ấy sẽ được khai thác và bảo vệ, hệ thống các điểm du lịch, các di tích, các miệt vườn cây trái, trang trại chăn nuôi… đều có điều kiện phát triển.

Tôi mong và tin tưởng một ngày nào đó, con đường di sản trên bến dưới thuyền khởi đi từ bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn sẽ hình thành và trải dài, len lỏi khắp lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.

TS.KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM
Ảnh: Trần Trương Tôn Dzũng, Đinh Quang Tuấn

TS.KTS Lê Văn Năm sinh năm 1938 tại Sài Gòn. Sau Nam bộ kháng chiến 23/9/1945, ông rời thành phố theo gia đình vào chiến khu. Ông bắt đầu học tiểu học ở khu 8, sau đó tập kết ra Bắc học phổ thông, đại học, sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh rồi về Hà Nội công tác. Sau 30/4/1975, ông về tiếp quản Sài Gòn. Ông từng làm ở Viện Quy hoạch, phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản; giám đốc Sở Xây dựng (1979-1992); Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (1992-2001); Phó tổng thư ký Hội Kiến trúc sư TP.HCM từ lúc thành lập đến giữa khóa 1, Tổng thư ký từ giữa khóa 1 (1981-1987) đến hết khóa 2 (1987-1994), Chủ tịch hội khóa 3 (1994-2000) và khóa 4 (2000-2005). Sau khi nghỉ hưu ông vẫn tham gia Hội đồng kiến trúc thành phố.

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống, 164


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: