Trung tâm tài chính Việt Nam: Phải được nuôi dưỡng trong cái nôi của thị trường

Chủ nhật, 21 Tháng 6 2020 10:41 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Không chỉ vấn đề tái cơ cấu chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất, biến động của thế giới trong những năm gần đây có thể thúc đẩy việc định hình lại dòng chảy tài chính toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực được ví như trái tim của nền kinh tế này. Vấn đề là Việt Nam có thực sự muốn nắm bắt hay không?

Tài chính được ví như hệ tuần hoàn hay hình tượng hơn là trái tim của nền kinh tế. Do vậy, trung tâm tài chính, một cách tự nhiên, được hình thành trong cái nôi của thị trường ở mỗi quốc gia. Đây chính là lý do thị trường chứng khoán Việt Nam, cấu phần quan trọng nhất của trung tâm tài chính quốc gia, được đặt ở TPHCM.


TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.
(Ảnh minh họa: AAphoto.vn)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể sau hai thập niên hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nhịp đập trái tim của nền kinh tế chưa có được sự hối hả và mạnh mẽ như mong đợi. Việt Nam chưa tận dụng được những cơ hội quý giá để đưa nền kinh tế bước lên những nấc thang giá trị cao hơn và trung tâm tài chính có thể kết nối toàn cầu.

Thế giới đang có những thay đổi và dịch chuyển mạnh mẽ. Việt Nam dường như đang đứng trước cơ hội mới cho phát triển và đi đến thịnh vượng. Để có thể tận dụng được cơ hội và định vị mình, việc có được chỗ đứng trong dòng chảy tài chính toàn cầu là hết sức quan trọng.

TPHCM đang có những nỗ lực đưa vai trò và vị thế trung tâm tài chính quốc gia lên tầm cao mới. Cơ hội và thách thức đang là hai mặt của một đồng xu. Làm thế nào khi đồng xu rơi xuống, mặt ngửa sẽ là cơ hội thay vì thách thức như trong quá khứ?

Cơ hội đang đến

Trước khi có dịch Covid-19, nhiều nước đã nhận ra những trục trặc của việc các chuỗi giá trị toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và để cho nước này đóng một vai trò quá lớn. Do vậy, giảm sự phụ thuộc này là điều mong muốn của rất nhiều nước.

Đó là nguyên nhân sâu xa tạo ra sự đồng thuận của rất nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho dù nhiều khi cách hành xử và chính sách của người đứng đầu Nhà Trắng không nhận được sự đồng thuận.

Với sự xuất hiện của dịch Covid-19, những vấn đề nêu trên trở nên rõ ràng hơn. Quyết tâm của các nước trở nên mạnh mẽ hơn để các chuỗi giá trị toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc, hay ít nhất là ít phụ thuộc hơn vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Hồng Kông đã được xem là một địa điểm chiến lược để các nước phương Tây có những tác động vào Trung Quốc, và ngược lại để Trung Quốc tạo ra sự kết nối và thu hút với thế giới bên ngoài. Việc các nước phương Tây trao cho Hồng Kông cơ chế đặc biệt và Trung Quốc đưa ra mô hình một quốc gia hai chế độ thuộc về ý đồ này.

Tuy nhiên, ý đồ đằng sau mô hình một quốc gia hai chế độ sau hơn hai thập niên đã lộ. Trên “chiến trường” Hồng Kông, Trung Quốc với mục tiêu trở thành cường quốc dường như đã thắng thế và phương Tây đã thấy sự thua thiệt của mình nên đã hành động dứt khoát. Việc Mỹ tước quy chế đặc biệt cho Hồng Kông là một động thái như vậy.

Vị thế của Hồng Kông đã giảm sút rất nhiều từ năm 1997 sau khi trở về Trung Quốc. Ở trong nước thì những thành phố trong đại lục, nhất là Thượng Hải và Thẩm Quyến, với các cơ chế đặc biệt, có lợi thế hơn. Ở bên ngoài thì những nơi như Singapore dần lấn lướt.

Vị thế của Hồng Kông tiếp tục trên đà giảm sút. Điều đáng chú ý là Singapore đã tận dụng rất tốt những lợi thế mà Hồng Kông bị mất đi, đặc biệt là vị thế trung gian hay đầu mối giao thương của tất cả các bên.

Với những gì đang xảy ra, Việt Nam nói chung, trung tâm tài chính của Việt Nam nói riêng, đang đứng trước những cơ hội rất lớn.

Cơ hội thứ nhất là trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Vị trí chiến lược và ở cạnh Trung Quốc là một lợi thế rất lớn của Việt Nam.

Cơ hội thứ hai là trở thành đầu mối trung chuyển và giao thương giữa các nước với Trung Quốc và ngược lại. Thêm vào đó, quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Trước sức ép của phương Tây, trên thực tế, Trung Quốc rất cần mối quan hệ với các nước như Việt Nam. Nói cách khác, cả hai bên đều cần mối quan hệ về nhiều mặt với Việt Nam như vị trí của Singapore hay Hồng Kông hiện tại. Đây chính là lợi thế và cơ hội của Việt Nam.

Những thách thức

Cơ hội đi liền với thách thức. Trong quan hệ toàn cầu, các nước lớn luôn muốn các nước khác chọn bên và ngả về phía mình. Do vậy, các điều kiện ràng buộc luôn được đưa ra với những quan hệ mang lại lợi ích cho một nước nào đó.

Việt Nam đang chịu sức ép như vậy từ cả Trung Quốc và các nước phương Tây. Do vậy, làm thế nào để cân bằng trong quan hệ với các bên là thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Thách thức tiếp theo của Việt Nam là khả năng tận dụng cơ hội để leo lên những nấc thang giá trị cao hơn. Hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do khả năng đổi mới sáng tạo, năng lực nghiên cứu kém đã cản trở Việt Nam tận dụng các cơ hội. Làm sao để có thể thay đổi quán tính này không phải là vấn đề đơn giản.

Thách thức thứ ba đối với Việt Nam đó là sự cạnh tranh từ các nước khác, nhất là các nước trong khu vực có quy mô lớn và trình độ phát triển cao hơn Việt Nam như Indonesia, Thái Lan chẳng hạn. Họ cũng có lợi thế, nhưng các nền tảng khác tốt hơn Việt Nam.

Đối với các hoạt động tài chính, mức độ phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam ở cả bốn cấu phần gồm: các thị trường tài chính, các tổ chức tài chính, các công cụ tài chính và cơ sở hạ tầng tài chính còn rất sơ khai. Làm thế nào để có thể chen chân vào dòng chảy tài chính toàn cầu là vấn đề không hề đơn giản.

Những việc cần làm

Trung tâm tài chính chỉ có thể phát triển và có vai trò quan trọng khi nền kinh tế phát triển tốt và có khả năng cạnh tranh cao. Việt Nam cần tận dụng các cơ hội và hóa giải những thách thức nêu trên với những vấn đề có thể xem xét sau:

Ở góc độ quốc gia, cần xác định một cách dứt khoát rằng trung tâm tài chính của Việt Nam đang ở TPHCM. Đây là điều cần thống nhất từ những nhà hoạch định chính sách để có thể bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và tận dụng các cơ hội thay vì làm phân tán nguồn lực và chậm mất cơ hội vì lưỡng lự và mong muốn chuyển trung tâm tài chính ra Hà Nội.

Việc tiếp theo là trung ương cần xem xét các cơ chế và chính sách cần thiết cho một trung tâm tài chính toàn cầu ở Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro, Việt Nam có thể áp dụng cơ chế đặc biệt hay đặc khu cho TPHCM, nơi đang chuẩn bị hình thành thành phố phía Đông.

“Lót ổ đại bàng” là điều mà lãnh đạo quốc gia đã nhắc đến. Trong bối cảnh hiện tại thì TPHCM có thể xem là nơi tốt nhất của Việt Nam. Do vậy, nguồn lực và cơ chế ưu tiên nên tập trung cho trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước.

Đối với TPHCM, với lợi thế có sẵn của vùng đất phía Đông, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết và nhanh chóng hình thành một mô hình đặc khu giống như Phố đông của Thượng Hải là việc cần làm ngay.

Tóm lại, cơ hội để đưa trung tâm tài chính của Việt Nam lên một quy mô và tầm cao mới gắn liền với những dịch chuyển trên thế giới hiện nay đang đến. Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cần bắt tay cho những việc cần làm để không bỏ lỡ cơ hội.

Huỳnh Thế Du

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: