Tư duy mới trong quản lý đô thị

Thứ tư, 07 Tháng 10 2020 09:13 Báo Xây dựng
In

Chính phủ vừa thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Theo đề án, mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM được tổ chức trên cơ sở chính quyền thành phố gồm có HĐND và UBND; chính quyền tại các quận là UBND quận; chính quyền tại các phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


(ảnh: Ashui.com)

Khái niệm chính quyền đô thị không có gì mới đối với nhiều nước, nhiều đô thị trên thế giới. Thế nhưng, để đi đến xây dựng một chính quyền đô thị theo đúng nghĩa của nó - sự ra đời của một thể chế quản lý - có lẽ, với các đô thị ở Việt Nam, không thể chỉ dựa vào ý chí chủ quan của một vài cá nhân nào đó mà phải xét đến quá trình phát triển khách quan từ nhu cầu nội tại và đòi hỏi ngoại tại từ thực tiễn của chính đô thị đó, quốc gia đó.

Trước hết, khi đã tổ chức chính quyền đô thị thì không những “chấp nhận tên gọi” mà còn là sự chấp nhận cách nghĩ, cách làm, các mối quan hệ từ các chủ thể lợi ích mới, các thiết chế mới của đô thị và đặc biệt là tư duy quản lý mới. Trong đó, một nhân tố hết sức quan trọng đó là phẩm chất của người đứng đầu, lấy lợi ích của dân làm lợi ích chung cho tôn chỉ phát triển của thành phố.

Nói khác đi, dù ở tên gọi nào đi nữa, thì người đứng đầu một thành phố phải tuân thủ theo nguyên tắc vì nhân dân phục vụ. Có nghĩa là anh sinh ra là để phục vụ nhân dân, đưa thành phố mà anh lãnh đạo, quản lý ngày càng hoàn thiện, phát triển trên mọi mặt của đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng ngày càng cao về nhu cầu vật chất và tinh thần của thị dân.

Thêm nữa, người đứng đầu đô thị ấy phải biết tập hợp đội ngũ trí thức, có am hiểu chuyên môn sâu về quy hoạch, kiến thiết, quản lý, vận hành đô thị tạo nên một hội đồng cố vấn đắc lực để tham mưu trước khi ra quyết định đúng, hợp pháp hợp hiến và đặc biệt là hợp lòng dân.

Thế nên, chúng ta sẽ khó có thể có được chính quyền đô thị - theo đúng nghĩa của nó - khi mà nhận thức và cách điều hành của người đứng đầu đô thị còn mang tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng”, “nóng đâu phủi đó”, thiếu hẳn tầm chiến lược trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý (quản lý không gian vật chất và quản lý cả không gian xã hội) khiến cho đô thị của chúng ta phát triển một cách lộn xộn, mất trật tự, không theo một chiều tích định hướng nhất định.

Thiết nghĩ, trước khi “có” chính quyền đô thị thì cần phải “có” đầu óc về quản lý theo kiểu chính quyền đô thị.

Ngay từ bây giờ, nghiêm khắc mà nói, sự ra đời của một thể chế quản lý không phải chỉ dựa vào ý chí chủ quan của một vài cá nhân nào đó, mà nó là kết quả của một quá trình phát triển khách quan từ nhu cầu nội tại và đòi hỏi ngoại tại từ thực tiễn của chính đô thị đó, quốc gia đó.

Ngọc Lý

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: