Công nghiệp, đô thị hóa và vấn đề sau dịch bệnh

Thứ bảy, 20 Tháng 11 2021 06:04 KTSG Online
In

Đô thị châu Á ngày nay hình thành tương tự các thành phố châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh và toàn cầu hóa, các đô thị công nghiệp bộc lộ nhiều lỗ hổng cần chỉnh trang.

Bình Dương năm 2009 có 1,06 triệu dân nông thôn, chiếm 70% dân số toàn tỉnh, theo Tổng cục Thống kê. Sau mười năm, một tỉnh nằm sâu trong nội địa, không cảng biển, cảng sông và chỉ có lợi thế duy nhất là ở cạnh TPHCM đã có một cuộc đổi ngôi ngoạn mục – 80% dân số Bình Dương là người thành thị, tỷ lệ cao hàng đầu cả nước, hơn Hà Nội và ngang với TPHCM.


Bình Dương nhanh chóng trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ sau TPHCM.
(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Đây là thời kỳ đỉnh cao của thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Bình Dương nhiều năm là tỉnh hấp dẫn thứ hai cả nước. Các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên khi dòng vốn chảy mạnh vào ngành sản xuất. Từ Sóng Thần – khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương được thành lập năm 1995, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 30 khu công nghiệp với gần 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Hết năm 2019, các dự án FDI đầu tư vào Bình Dương còn hiệu lực trị giá gần 35 tỉ đô la Mỹ, chỉ xếp sau TPHCM.

Bộ mặt thành phố thay đổi. Xung quanh các khu công nghiệp hệ thống bất động sản bán lẻ và căn hộ phục vụ đời sống cư dân phát triển. Hơn 50% dân số hiện tại của Bình Dương là người nhập cư từ các tỉnh thành khác đến lao động trong các nhà máy xí nghiệp. 24.000 căn hộ được xây dựng ở đây để phục vụ lượng lao động này, bằng một phần sáu số căn ở thành phố lớn dân cư đông đúc gấp năm lần như TPHCM. Mặt sàn bán lẻ 166.300 mét vuông.

Cả một hệ sinh thái đô thị hình thành phục vụ cho đời sống cư dân vùng công nghiệp. Đây là cách nền công nghiệp định hình các thành phố châu Á cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Câu chuyện của Bình Dương cho thấy bức tranh về sự thay đổi trong việc hình thành các đô thị hiện đại. Nếu như suốt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20, với các đô thị của Việt Nam được hình thành bên các cảng sông, cảng biển thì các thành phố hiện đại đã không còn đơn thuần xây dựng trên nền tảng thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán. Các đô thị hiện đại được dựng lên theo khung mẫu châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp và tương đồng với cách châu Á đang vận hành, đặc biệt 30 năm trở lại đây – khi Việt Nam thu hút lượng lớn vốn FDI.

Lượng lớn ca nhiễm virus tỷ lệ thuận với mức độ hoạt động của đô thị, đặc biệt ở các đô thị mới nổi, thị trường lao động còn nhiều lỏng lẻo. Cấu trúc phức tạp của các đô thị này và sự đa dạng của các kênh di chuyển là môi trường cho virus lây lan.

Các đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tương tự cách Trung Quốc lột xác 20 năm qua. Vốn FDI cho các lĩnh vực sản xuất tiếp tục đổ về. Năm 2019, vốn FDI vào ngành chế biến, chế tạo đạt kỷ lục 17,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 77,5% tổng số vốn đăng ký. Những năm trước, mỗi năm, ngành này nhận trên dưới 15 tỉ đô la Mỹ đầu tư.

Năm 2020, 2021, bất chấp những xáo trộn do dịch Covid-19 gây ra, dòng vốn FDI vào khu vực sản xuất vẫn duy trì ở mức cao theo quy luật. Cả năm 2020 vốn cho khu vực này là 13,6 tỉ đô la Mỹ và chín tháng đầu năm nay vốn vào khu vực này là 12,7 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất mở rộng, các thành phố công nghiệp hình thành theo cách thu hút người nhập cư bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt. Cư dân đô thị chủ yếu là người di dân. Dòng người lao động liên tục đổ về thành phố hoặc dời đi trở thành môi trường tuyệt vời cho dịch bệnh lây lan.

Và với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, Bình Dương nhanh chóng trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ sau đại đô thị TPHCM. Tính hết ngày 1/11, Bình Dương có 233.740 ca nhiễm – hầu hết xuất hiện trong vòng bốn tháng nay, chiếm 25% số ca nhiễm của cả nước.

Quan sát bản đồ bùng phát dịch bệnh từ đầu năm 2020, chúng ta có thể nhận thấy dịch bệnh đang bỏ qua phần lớn châu Phi, chậm chạp ở Nam Mỹ. Đến nay, sau gần hai năm chống chọi với dịch bệnh, tổng thể của xu hướng này cũng không có nhiều thay đổi, dù các nước phát triển đã tích cực phủ vaccine cho người dân.

Lượng lớn ca nhiễm virus tỷ lệ thuận với mức độ hoạt động của đô thị, đặc biệt ở các đô thị mới nổi, thị trường lao động còn nhiều lỏng lẻo. Cấu trúc phức tạp của các đô thị này và sự đa dạng của các kênh di chuyển là môi trường cho virus lây lan.

Với đại đô thị lâu đời như TPHCM, các ca bệnh chủ yếu lây lan ở các quận nội thành có mật độ dân số cao, nhà ở san sát chưa đảm bảo an toàn. Cần Giờ hay Củ Chi – vùng ngoại thành xa xôi ít chịu tác động của dịch bệnh hơn.

Chỉnh trang về cấu trúc và chất lượng đô thị là cấp thiết khi những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra không cần bàn cãi thêm, đặc biệt là chi phí về con người.

Cuộc cách mạng về nhà ở và môi trường sống là cần thiết trước sự đe dọa của dịch bệnh, dù việc này không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều và có nhiều tác động kinh tế xã hội cần tính đến.

Chỉnh trang về cấu trúc và chất lượng đô thị là cấp thiết khi những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra không cần bàn cãi thêm, đặc biệt là chi phí về con người. Nguồn cung lao động ảnh hưởng khi các công nhân nhiễm bệnh phải dừng hoạt động, nặng nề hơn là đóng cửa các khu công nghiệp để tìm cách dập tắt ổ dịch. Ở các khu đô thị được hình thành từ nền công nghiệp hóa, điều này càng nghiêm trọng. Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng tác động sâu sắc tới nền kinh tế, không chỉ riêng tại vùng nhiễm bệnh, ảnh hưởng có thể lan rộng toàn cầu khi thế giới ngày càng phẳng.

Nếu một loại virus đại dịch tương đương về khả năng gây bệnh của virus cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã trở lại trong bối cảnh toàn cầu hóa và đô thị hóa hiện nay, nó có thể sẽ giết chết nhiều hơn 100 triệu người, kể cả có vaccine, thuốc kháng virus và kháng khuẩn tiên tiến, theo nghiên cứu của Taubenberger và Morens năm 2006. (Thời điểm 1918, cúm Tây Ban Nha giết chết 50 triệu người, một phần ba dân số toàn cầu lây nhiễm. Đến nay, Covid-19 làm chết 5 triệu người).

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, nền kinh tế thế giới ước tính giảm 4,3% dưới tác động của dịch bệnh – một mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc Đại suy thoái và trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Chi phí hàng năm cho các đại dịch từ vừa đến nghiêm trọng là khoảng 570 tỉ đô la Mỹ, tương đương 0,7% thu nhập toàn cầu. Với một đại dịch nghiêm trọng như đại dịch cúm năm 1918, chi phí có thể chiếm tới 5% GDP toàn cầu.

Minh Tâm

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: