Những ý tưởng làm đẹp không gian Hà Nội: Không lẽ chỉ nằm trên giấy?

Thứ bảy, 12 Tháng 12 2009 23:36 Sức khỏe & Đời sống
In

Từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều cơ quan, cá nhân tổ chức những cuộc thi tìm ý tưởng làm đẹp cho các "không gian vàng" của Hà Nội... nhằm chỉnh trang trước ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội. Những cái tên cuộc thi ý tưởng làm đẹp Hà Nội được kể tới như: Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp, Góc phố đời thường... nhưng xem ra, chặng đường để các ý tưởng này trở thành hiện thực có lẽ vẫn còn dài...

Vẫn chỉ là ý tưởng!

Tháng 10 vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã trao giải thưởng cho 3 phương án xuất sắc nhất của cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và các vùng phụ cận". Không có giải Nhất, hai giải Nhì được trao cho phương án của  Nikken Sekkei Civil Engineering LTD - Nhật Bản do Kiến trúc sư Fujita Tetshushi chủ trì và đề án của nhóm "1+1>2" của KTS. Hoàng Thúc Hào, KTS. Marco Ferrera (Italia) cùng cộng sự. Với mục đích xây dựng một trung tâm văn hóa giao lưu cho người dân thành phố Hà Nội nhằm hài hòa giữa nhộn nhịp và thanh lịch, kiến trúc sư người Nhật này đã đề xuất bố trí chuyển đổi không gian, tạo một khu phố quay mặt về phía hồ. Lấy Bờ Hồ làm trung tâm, hình thành các tuyến phố đi bộ, không gian ngầm sẽ được tận dụng để phát triển đô thị, xây dựng một ga tàu điện ngầm. Phương án này dành sự chú trọng đặc biệt vào việc tạo tầm nhìn đẹp cho các quảng trường xung quanh hồ bằng mạng lưới cây xanh. Để tránh được tình trạng nhà cao tầng "nuốt" hồ, phương án cũng quy định chiều cao tối đa của các công trình kiến trúc dọc hồ là 16m, chiều cao các tòa nhà ở phía sau là 24m. Việc chiếu sáng cũng được đặc biệt coi trọng. Đây được coi là một thủ pháp để tạo cảm giác ấm áp cho các điểm nhấn của Hồ Gươm như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Bà Kiệu...

Phương án của nhóm 1+1>2 khá táo bạo khi đề xuất cải tạo lại một số công trình công sở. Theo KTS. Hoàng Thúc Hào, xung quanh Hồ Gươm còn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, ví như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ có vai trò như một đảo giao thông. Trong khi phía bên cạnh là một khu đất rộng lại chỉ dùng để đỗ ô tô và xe buýt. Phương án này đề xuất mở rộng diện tích cho Quảng trường kết nối các di tích đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá, chùa Vũ Thạch và Nhà thờ Lớn thành một không gian văn hóa tâm linh. Hình thành các tuyến phố đi bộ quanh hồ kết hợp với tuyến đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào. Trong diện tích nghiên cứu không gian Hồ Gươm và các vùng phụ cận, phương án này dành tới 33,24% cho chức năng văn hóa lịch sử cảnh quan. Để tạo khoảng mở cho các công sở, phương án cũng đề xuất cải tạo lại mặt đứng của một số tòa nhà quanh hồ, hạ bớt độ cao, thay thế một số vật liệu kiến trúc thân thiện với môi trường hơn đồng thời đưa lên tầng mái những khoảng xanh của cây cối để tạo không gian xanh cho "làng hoa giữa lòng thành phố".

Ngược lại 3 năm về trước, cuộc thi ý tưởng kiến trúc "Làm đẹp thành phố Hà Nội" do Viện Nghiên cứu kiến trúc, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức, đã nhận được 26 phương án dự thi, với nhiều ý tưởng khá lãng mạn nhưng vẫn hiện thực. Một trong hai giải Nhất thuộc về phương án mang tên "Dòng sông trở lại" của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu kiến trúc. Ý tưởng của họ xuất phát từ lịch sử hình thành đô thị gắn liền với các dòng sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và hệ thống sông nhỏ khác như sông Lừ, Sét, Kim Ngưu. Nhóm tác giả đề xuất: sử dụng hệ thống cống ngầm để tiêu thoát nước thải cho khu dân cư quanh bờ sông từ cầu Trung Tự đến hồ Xã Đàn. Toàn bộ dòng sông sẽ được ngầm hóa với cao trình nước dao động từ 30 - 50cm, hai bên bờ sông được kè lát gạch tạo không gian xanh cho đô thị.

Xa hơn, 7 năm trở về trước, cuộc thi ý tưởng làm đẹp thành phố lần đầu tiên được tổ chức có tên "Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp" do mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức. Ba đồ án đoạt giải cao, từng được giới chuyên môn đánh giá là rất khả thi đều vẫn chỉ dừng ở trên... giấy. Theo KTS. Lê Việt Hà - Chủ nhiệm mạng kiến trúc Ashui.com thì trong tiêu chí của mọi cuộc thi do Ashui.com tổ chức, tính khả thi của mỗi đồ án đều phải được đưa lên hàng đầu.  Việc áp dụng 3 đồ án đoạt giải cao trong cuộc thi "Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp" vào thực tiễn là việc hoàn toàn có thể thực hiện được bởi đây không phải là đồ án tốn kém, cũng không phụ thuộc quá nhiều vào việc giải phóng mặt bằng, chỉ cần có sự quyết tâm của cơ quan quản lý và sự đồng thuận của người dân phố cổ là chúng ta đã có được những "góc phố đẹp".

Chặng đường còn dài?

KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong quá trình xét duyệt giải thưởng, nếu ý tưởng hay mà không có tính khả thi sẽ không được lựa chọn để trao giải. Tuy nhiên, giữa ý tưởng về tổ chức không gian, chỉnh trang đô thị và khả năng thực thi bao giờ cũng còn một khoảng cách.

Khoảng cách đó được thu hẹp hay nới rộng phụ thuộc vào chính quyền đô thị hoặc người đặt hàng có quyết tâm thực hiện hay không. Lấy ví dụ từ cuộc thi ý tưởng Quy hoạch Hồ Gươm, KTS. Nguyễn Tấn Vạn cho biết, giải thưởng đã được công bố, nhưng mọi người đều lường được rằng, rất có thể 10 - 20 năm hoặc lâu hơn nữa mới được áp dụng vào thực tế.

Cái được trước mắt mà cuộc thi mang lại là đã đánh thức nhận thức của toàn xã hội, kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi người và cuộc thi cũng đã đưa ra thông điệp rằng, không gian đó là của cả cộng đồng, đừng ai chiếm đoạt nó làm của riêng cho mình. 

Việt Lam


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: