Làng trong phố

Thứ bảy, 17 Tháng 7 2010 15:28 TT&VH
In

Tiếng là ở phố thật - phố Thụy Khuê - nhưng làng Đông nơi tôi đang sống chẳng khác ở quê là mấy. Nghe các cụ kể lại, xưa kia đây chỉ là làng ngoại thành, phân biệt hẳn với vùng Kẻ Chợ sầm uất “ba mươi sáu phố phường”.

Cụ Tô Hoài xưa kia cũng sống ở gần đây - làng Nghĩa Đô cạnh chợ Bưởi, cụ kể lại trong một hồi ký chuyện mỗi khi đến Tết, cụ - khi ấy còn là thằng bé còn để chỏm, lại được mẹ đưa lên Kẻ Chợ sắm đôi guốc gỗ diện Tết. Ngày ấy hẳn là với cậu bé Nguyễn Sen (tên cúng cơm của cụ Tô Hoài) thì Kẻ Chợ dù chỉ cách làng cậu đường đất chẳng bao xa nhưng vẫn là “thứ nhất kinh kỳ”, khác hẳn với cái làng quê mùa của cậu.

Cho đến bây giờ, cái suy nghĩ mình chỉ là dân quê sống ở làng vẫn ăn sâu vào tiềm thức những cư dân ở làng này. Ông già bà cả, thậm chí một số thanh niên vẫn coi việc đi làm nhà nước hay chỉ là đi bán hàng ở phố nọ phố kia là “trên phố”, cứ như mình đang ở xó xỉnh nhà quê heo hút nào đó không bằng. Ngay cả chợ hay chùa ở đây cũng bị tình trạng “Bụt chùa nhà không thiêng”. Nam thanh nữ tú ở làng chả mấy khi đi chợ Bưởi hay sang thắp hương ở vô số những đình chùa rải rác quanh làng mà ngày rằm mùng một, người ta chuộng lên tận trên Phủ Tây Hồ cơ. Còn chợ Bưởi thì chả biết đắt hàng với những khách ở đâu tới, người làng chỉ đi mua thức ăn ở chợ là cùng, còn mua sắm bất cứ thứ gì chả mấy khi lai vãng ra đây. Người ta nếu không mua ở những hàng rong, hàng tạp hóa trong ngõ cho tiện thì lên hẳn phố hoặc ra siêu thị, đến mấy trung tâm mua sắm lớn kia.

Ai đã quen với khái niệm chi tiêu đắt đỏ ở “trên phố”, hẳn về làng này sinh sống sẽ ngạc nhiên vì giá cả phải chăng. Ở đây ăn sáng chỉ cần 6 ngàn đồng là có một ổ bánh mì có nhân đàng hoàng, 10 ngàn một bát bún, 13 ngàn bát phở… Buổi chiều, một hàng lòng lợn mời chào ngay đầu ngõ cùng tôm cá hồ Tây - toàn của “cây nhà lá vườn” (chả là nhiều nhà trong làng có nghề giết mổ) bán với giá cực “mềm” bởi kẻ bán người mua có khi toàn người trong làng trong họ. “Người làng với nhau cả, chả ai bán đắt…” là câu cửa miệng mà những người bán hàng vẫn thường nói với khách, bất kể khách có là người làng hay chỉ là khách vãng lai. Được nghe câu ấy, chả biết mua đắt hay rẻ, hẳn ai cũng thấy mát lòng!

Làng Đông, làng Hồ thông sang làng Võng với ngoắt ngoéo những ngõ nhỏ sâu hun hút, rối như mê cung. Ai không biết đường mà đi lạc vào thì cầm chắc chả tìm thấy đường ra. Nhà tôi ở làng Đông, đúng chỗ cái ngã ba rẽ sang làng Võng, từ sáng sớm cho đến tối khuya, khi nào ngoài ngõ còn có tiếng bước chân là trong nhà còn nghe thấy tiếng nói từ bên ngoài vọng vào. Ở riết rồi thành quen, có năm tôi về quê ăn Tết, mới ở được nửa buổi, đã thấy thiêu thiếu thế nào. Nghĩ mãi mới hay, thì ra tôi đã quá quen với những âm thanh, tiếng nói từ ngoài đường ngoài ngõ vọng vào, lao xao từ sớm đến khuya. Có cảm giác bốn xung quanh tường nhà mình bao giờ cũng có một ai đó, một tiếng nói nào đó bất thần vọng vào. Đến nỗi chẳng bao giờ còn cái cảm giác ở nhà một mình mà tôi từng có từ ngày còn bé, cái thời mà chỉ ở một mình một buổi thôi là đã thấy ngày dài đằng đẵng, hình như trên thế gian ngoài mình chẳng còn ai nữa. Từ ngày chuyển về làng Đông sống, kỳ lạ thay tôi chẳng bao giờ còn có cái cảm giác ấy nữa.

Giống như những làng quê khác, ở đây cũng có những mối quan hệ dòng tộc dây mơ rễ má chằng chịt. Hàng xóm của tôi là một đại gia đình mà cụ ông có hai bà vợ, mỗi bà có tám người con. Chưa tính anh em họ hàng của ông và hai bà, chỉ tính riêng dâu rể cộng lại đã vị chi 32 con cả thảy. Nếu tính thêm cả đám cháu chắt nữa thì nhà ấy mỗi khi có giỗ chạp, chỉ tập trung gia đình thôi cũng chẳng khác nào… hai trung đội liên hoan. Ở đây rất nhiều những gia đình tam, tứ đại đồng đường, tuy không cùng nhà nữa nhưng vẫn ở chung sân quây quần. Còn chuyện gần như cả làng có họ hàng dây mơ rễ má với nhau là chuyện thường.

Nơi đây cũng những ngõ nhỏ quanh co với những thói tục đầy tính làng xã. Một nhà có chuyện là cả xóm biết tin, chuyện không hay thì người nọ rỉ tai người kia, chỉ vài phút là cả làng biết chuyện, tin loan đi còn nhanh hơn… kết quả xổ số. Còn nếu có tin vui hoặc đám cưới đám hỏi là cả làng hoan hỉ phấn khởi. Trẻ con mặt mũi hớn hở chạy nhốn nháo khắp nơi, người lớn thì đôn đáo xem có việc gì thì phụ một tay y như việc nhà mình. Nhà ở ngã ba như nhà tôi thì chẳng cần ra đường, chỉ nằm nhà thôi cũng biết tất tật chỉ nhờ vào câu chuyện trao qua đổi lại của khách bộ hành ngoài ngõ.

Nhà ai có đám, chả cứ đám hiếu mà cả đám hỉ cũng bày ra ở ngoài sân, ngoài ngõ y như ở quê. Nhiều khi giao thông trong ngõ nhỏ đình trệ chỉ vì một đám cưới đám hỏi bày bàn ghế “la hà la hán” ra choán hết đường đi lối lại. Cả chủ lẫn khách hỉ hả vui chuyện của mình, mặc kệ khách qua đường muốn làm thế nào để đánh tay lái vượt qua chướng ngại vật thì làm. Ở đây hầu như dân làng không mấy khi tổ chức đám cưới ở nhà hàng, đừng nói là khách sạn. Nhà ai có đám cưới cũng mời khách hoặc ở sân nhà thờ hoặc ở cái sân chơi chung ngoài đầu ngõ. Chăng nhà bạt, thuê bàn ghế xếp vào rồi bày biện nấu ăn ở một góc sân. Thế mà tiệc cưới linh đình chả kém ai, cỗ cưới ngoài nhà hàng có khi còn gọi cỗ ở làng bằng… cụ vì trong làng có vài nhà chuyên nấu cỗ thuê, nấu ăn ngon đáo để! Chỉ nấu cho khách người làng thôi nên cỗ cực kỳ “ngon, bổ, rẻ”.

Nơi đây người ta quen phơi bày mọi sinh hoạt cho cả làng cả tổng nhìn thấy mà chả hề ngần ngại. Từ sáng sớm, vài chục cái bếp than tổ ong đủ kiểu được thượng ra ngoài ngõ, nằm chình ình giữa lối đi, bên cạnh là chủ nhân ngồi quạt phành phạch, xả khói mù mịt vào… nhà hàng xóm. Trong làng hầu như nhà nào cũng nuôi chó, cứ sáng ngày ra thả chó chạy rông trong làng, bạ đâu cũng “tương” ra mà chả ai kêu ai, chỉ lẳng lặng hót đi hoặc thậm chí rắc tí xỉ than tổ ong là xong. Các bà nhặt rau, trông cháu, ăn quà sáng quà chiều hoặc các ông ngồi uống nước trà, đấu cờ tướng, chơi tá lả… tất tật mọi sinh hoạt ấy diễn ra ngoài đường ngoài ngõ một cách tự nhiên nhất trên đời. Đêm hè oi bức quá, nhiều người còn bắc ghế ngồi ngoài đường ngoài ngõ quạt phành phạch hóng gió, tán chuyện cho vơi cái nóng.

Chị tôi kể chuyện đi làm dâu ở bên Bái (Bái Ân tức Nghĩa Đô ngày nay) họ khác làng mình lắm. Nhà ai mà gây ảnh hưởng đến mọi người là thế nào cũng bị tổ dân phố nhắc nhở kỳ cho phải sửa lại mới thôi. Có nhà hàng xóm của chị nuôi mấy con gà tre cho vui, sáng ra nó gáy te te khiến mấy bác hàng xóm phải dậy sớm đâm ra cáu bẳn, các bác phản ánh ngay với tổ trưởng dân phố. Thế mà nhà ấy phải thịt hết đàn gà đấy. Chả bù cho làng mình, nhiều nhà mua dàn karaoke về “tra tấn” hàng xóm đến nửa đêm mà chả ai dám ho he vì ngại mất lòng.

Mẹ tôi chép miệng, dân làng mình được cái là tình cảm với nhau. Cái nhà chị hàng xóm nhà mình mới mua nhà ở làng này từ năm ngoái ấy, cứ hay cửa đóng then cài, ít giao tiếp với ai. Đến nỗi nhà ấy về đây nửa năm rồi mà nhiều người còn chưa biết mặt. Thế mà nghe bác bí thư chi bộ kể rằng hôm trước chồng chị ấy sang xin xác nhận của chi bộ Đảng ở đây để làm lý lịch kết nạp Đảng, bác ấy đã phê bình là “chưa hoà đồng với xóm giềng” đấy. Kể ra thì tình cảm với nhau là quý nhưng mà những chuyện gây phiền toái cho xóm giềng cũng không ít. Quen cái cung cách sống ở làng lắm khi “tự nhiên chủ nghĩa”, nhiều người không ý thức được rằng việc mình làm có khi gây ảnh hưởng tới sự riêng tư của người khác. Rồi thì cái thói quen thích “tiện thể” khiến một cái chợ cóc họp ngay đầu ngõ, vừa cản trở đường đi vừa gây mất vệ sinh mà cứ dẹp được dăm bữa là lại thấy mọc lại. Chưa kể chuyện lớn hơn, cái này thì phải đánh vào tư duy rồi, ấy là cứ nhà mới mọc lên lại lấn ra ngoài ngõ một chút, có khi chỉ vài phân thôi nhưng cũng đủ khiến cho ngõ đã hẹp mỗi lúc lại càng hẹp hơn. Cái tâm lý chỉ cần biết nhà mình, chả cần biết đến cái chung nó ăn sâu bén rễ từ hồi xửa hồi xưa, đến nay vẫn chửa được “thông” là mấy.

Hồng Vân


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: