Kiến trúc hôm nay phản ánh cái gì?

Thứ hai, 02 Tháng 8 2010 00:05 Ashui.com
In

Kiến trúc sư có bổn phận đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Kiến trúc sư không làm bổn phận phản ánh hiện thực xã hội. Sản phẩm kiến trúc phản ánh hiện thực xã hội.

Kiến trúc là nghệ thuật thiết thực với đời sống và có bản chất xã hội hơn cả. Nó là sản phẩm phổ cập và tổng hợp nhất của mỗi xã hội và mỗi thời đại. Kiến trúc là cái gương phản ánh trung thực. Xã hội thế nào, kiến trúc thế nấy. Rọi xét các xã hội lịch sử, nhà sử học căn cứ vào các dữ liệu, khai thác từ những tàn tích kiến trúc. Chúng cho những thông tin chính xác hơn là những ghi chép của các sử gia đương thời, khách quan hơn là những gì mà các tác phẩm văn học và nghệ thuật đương thời phản ánh.

Trong kiến trúc, cái “Tôi” của sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng đứng sau sự đáp ứng các nhu cầu, các đơn đặt hàng của xã hội. Trong kiến trúc,  cái “Tôi” của thời đại bao giờ cũng tự mình khẳng định. Bản chất đích thực của nghệ thuật kiến trúc là ở đấy. Chính ở đấy, bộc lộ tính chuyên biệt của kiến trúc trong vai trò phản ánh hiện thực xã hội.

Đối với hiện thực xã hội, quan trọng hơn cả là kiến trúc phản ánh cái gì, chứ không phải là phản ánh thế nào. Cái vế thứ 2 thuộc về các lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Đối với kiến trúc, nhận ra và gọi tên ra những gì nó phản ánh từ hiện thực cuộc sống hôm nay, chẳng những cần cho sự phát triển của bản thân nó, mà còn cần cho cả sự thúc đẩy tiến triển xã hội.

Trên mình mẩy của những thiết chế kiến trúc, nhận ra chẳng những biểu hiện sức khoẻ và sự sung sức, mà cả những hội chứng lâm bệnh.

Kiến trúc hôm nay phản ánh cái gì?


Nhìn toàn cục, kiến trúc hôm nay phản ánh đầy đủ sự chuyển động mạnh và nhanh chưa từng thấy của đất nước, sức sống và khả năng tụ nạp và biến đổi của xã hội, bộc lộ sức khoẻ dồi dào của nó. Kiến trúc đồng thời thể hiện sự tiến bộ bứt phá và sự năng nổ trong hội nhập quốc tế.

Theo chúng tôi, kiến trúc đã bước vào cuộc hội nhập quốc tế lần thứ 2. Nói vậy, bởi từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, kiến trúc Việt Nam đã có cuộc hội nhập quốc tế lần đầu, sớm hơn so với văn học và nghệ thuật, thật sự hội nhập theo một cách hiểu nhất định từ thập kỷ 20. Ở cuộc hội nhập lần thứ nhất, nền kiến trúc Âu Châu đã du nhập, lấn át và đẩy lùi vào dĩ vãng nền kiến trúc cổ truyền, chí ít với những hình thái kiến trúc gỗ định hình từ xa xưa. Ở cuộc hội nhập lần thứ 2 đang diễn ra, nền kiến trúc và xây dựng bước thẳng vào công cuộc đô thị hoá rộng khắp, với việc mở rộng và đa dạng hoá hệ thống các đô thị, sự tạo lập và hiện đại hoá hệ thống kỹ thuật hạ tầng, sự tiếp nhận công nghệ và vật liệu xây dựng hiện đại, các chuẩn mực chất lượng và quan niệm thẩm mỹ quốc tế, các khuynh hướng và trường phái kiến trúc.

Đô thị hoá thường được nhìn nhận như là một quá trình nẩy sinh từ công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Ở bài viết này, chúng tôi thử nhìn nhận đô thị hoá như là một sự chuyển dịch ồ ạt, sâu xa về bản chất, của cộng đồng dân cư thôn quê ra thành thị, một hiện tượng xã hội bị che lấp bởi công cuộc tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cho rằng, đang diễn ra những biến đổi gốc rễ về phương diện dân số học, mà biểu hiện nổi trội hơn cả là cuộc đại chuyển dịch dân cư lần thứ 2 trong vòng vài chục năm gần đây. Cuộc chuyển dịch lần thứ nhất, ở miền Bắc xảy ra vào cuối những năm 50 và những năm 60 – 70 thế kỷ trước. Hàng vạn người lính nông dân, người dân quê dồn về các đô thị, thị xã nhỏ bé và cũ kỹ, tạo thành cộng đồng dân cư “hành chính sự nghiệp”, góp phần quyết định sự lưu cữu hoá hình ảnh đô thị thời bao cấp và cơ chế hoá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Nam Định, Vinh vv... biến đổi nhanh vượt bậc, song vẫn chưa thể nào xoá nhoà diện mạo đặc trưng cho một thời, nhất là cái nếp sống tích hợp vào một thể ba nhân tố: dân làng – dân phố – cán bộ. Ở miền Nam cũng khoảng thời gian ấy, diễn ra sự chuyển dịch ồ ạt dân cư về các thành thị nhằm tránh bom rơi đạn lạc. Bởi thế mà Sài Gòn, Đà nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Rạch Giá vv.... lan tỏa ra, vây kín bởi thứ kiến trúc đô thị tạm thời, tồn ứ lai rai đến nay. Đô thị Việt Nam dăm chục năm lại đây, mang chân dung - thân phận, chẳng khác là bao chân dung – thân phận người Việt mình.


Làng Chuông (Thanh Oai - cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Ảnh: Photo.vn

Làn sóng chuyển dịch dân cư lần này khởi nguồn và thôi thúc bởi công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá, bởi kinh tế thị trường. Người dân thôn quê, mới đây thôi chiếm 85% dân số, đã có được cơ may chọn lựa cho mình những kế sinh nhai, không lệ thuộc vào ruộng đồng, ở những chốn thị thành to nhỏ. Các đô thị và cấu trúc đô thị, một lần nữa trở thành những thiết chế trung chuyển, nơi cùng một lúc diễn ra quá trình đô thị hoá kiến trúc và đô thị hoá dân cư, trở thành những cổ máy sàng lọc và tinh thể hoá, với tốc độ ngày nay, nền văn hoá đô thị theo nghĩa rộng.


Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông. (nguồn: KT&ĐS)  

Từ phương diện khác, sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành thị đã góp phần làm cho các thiết chế quần cư nông nghiệp, vốn khép kín, trở nên mở hơn và động hơn, thúc đẩy quá trình kiên cố hoá và phố hoá quỹ kiến trúc, mà ta đôi khi gọi vội vàng là đô thị hoá. Dòng chảy dân cư ồ ạt cũng dẫn tới những biến đổi ghê gớm về dân số học, nhân lực và sinh lực vốn dồi dào ở chốn thôn quê đang dốc chảy về đô thị. Nông thôn hoá ra lập lại cái hoàn cảnh bi đát của nông thôn, các nước công nghiệp hoá, nơi trụ bám lại chỉ là những người không có cơ may bỏ đi. Phát triển chậm hơn nhiều các nước đi trước về hiện đại hoá, lại chịu sự ràng buộc gốc rễ với thôn quê, lẽ ra ta đã có thể tìm ra con đường riêng cho đô thị hoá nông thôn, cho đô thị hoá đất nước.

Nhìn toàn cục phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn, dễ dàng nhận ra sự thiếu quy củ, sự nhỏ vụn, tính tự phát. Nguyên nhân không chỉ ở những quy hoạch nhiều duy ý chí và thiếu tính khả thi, không chỉ ở nền quản lý thiếu uy lực, mà trước tiên ở nền sở hữu nhỏ, siêu nhỏ. Đang xảy ra sự giằng co giữa nhu cầu phát triển bứt phá và sở hữu tư nhân nhỏ lẻ, đi cùng tư duy nhỏ lẻ quán tính. Đô thị hoá thành thị và nông thôn ở ta gắn liền với quá trình chuyển hoá của ba thực thể lịch sử – xã hội : tiểu nông, tiểu thương và tiểu chủ. Sự chuyển hoá này chậm chạp hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều so với tốc độ hiện đại hoá và mở mang đô thị và nông thôn. Kiến trúc và văn hoá đô thị phụ thuộc bởi quá trình tích hợp hai chủ thể: cá nhân và cộng đồng. Chỉ khi cá nhân và cộng đồng hoà quyện thành văn hoá sống chung thì mới có thể có những chốn đô thị và thôn quê, đích thực tân tiến và nhân văn.


H
ình ảnh kiến trúc đô thị và nông thôn hôm nay bộc lộ thị sở những hội chứng, những chứng bệnh.
Lan rộng trào lưu “lên đời” các đô thị, không thuần tuý là sự xác lập cấp độ phát triển của quỹ vật chất – kỹ thuật, kiến trúc đô thị và dân cư đô thị hoá, mà xuất phát từ những động cơ khác là thị xã phải trở thành đô thị là đô thị thì phải nâng lên thứ bậc cao hơn. Có vẻ như đang xảy ra sự lạm phát trong phân loại đô thị, tương tự sự lạm phát chức danh và học vị. “Hành chính hoá” đô thị biểu hiện không chỉ ở phân chia thứ bậc, nó còn lộ rõ ở sự bành trướng các thiết chế kiến trúc công quyền. Đang trở thành hình ảnh điển hình ở các đô thị : mở ra những đoạn khúc đại lộ rộng thênh thang khác biệt, trang điểm bởi những dãy cột đèn mật độ cao dư thừa, với các toà nhà công sở đồ sộ về quy mô và hãnh diện về kiến trúc. Cả bề ngoài và lẫn bên trong, những toà nhà ấy giông giống những cung điện ở Âu Châu vài thế kỷ trước. Những lối xe lên đường bệ, những đại sảnh choáng lộng, những phòng khách bày xếp đăng đối, những chiếc nghế và chiếc kệ làm bằng gỗ quý và khảm nạm xà cừ, theo cung cách phong kiến Tàu và có kích thước lớn hơn người thường đến 1/3. Hoạt động trong những toà công sở như thế, người ta dễ quên mình chỉ là kẻ thực thi công vụ, còn những người dân bước vào hẳn e dè. Hoá ra kiến trúc không chỉ tạo ra sự tiện ích mà thôi.


Công trình trụ sở Bộ Tài chính (ảnh minh họa: Ashui.com)

Chứng bệnh phô trương cũng bộc lộ ở mọi thể loại công trình khác: các công trình công cộng và dân sinh, các toà trụ sở công ty và xí nghiệp, các công trình kiến trúc và điêu khắc tưởng niệm. Bộc lộ ngay trên cả mặt đứng nhà hàng phố, nhà ở thôn quê. Hội chứng, thuyên chuyển thành căn bệnh quái ác này sinh ra từ đâu? Tìm căn nguyên ở lịch sử, ở lực quán tính, ở tâm lý xã hội, ở thói quen hay “bệnh sĩ”? Chắc rằng mỗi toà nhà công sở phải dư thừa đến 1/3 diện tích, ¼ chiều cao, tốn phí phải hơn 1/3 cho những sự phù phiếm. Chắc rằng, chủ nhân các căn nhà mặt phố, các căn nhà ở thôn quê, cũng lãng phí chừng nấy về thể khối kiến trúc, chừng nấy về vốn liếng, để phô trương cho thoả cái “Tôi”.

Chưa thấy ai tính thử những sự phung phí ghê gớm ấy. Hễ tính ra, những con số sẽ phản ánh khách quan hơn căn bệnh của kiến trúc. Bởi kiến trúc không chỉ là nghệ thuật, kiến trúc còn là hàm số của những bài tính.

Căn bệnh hình thức chủ nghĩa cùng chung bản chất với căn bệnh phô trương. Kiến trúc trước tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng, song kiến trúc tương tự mọi vật và mọi giá trị mà con người tạo ra, phải đẹp. Đẹp bởi nó bao bọc ta, bởi ta nhìn thầy nó rõ và nhiều hơn cả, sau thiên nhiên. Song cái đẹp của kiến trúc trước hết phải xuất phát từ sự hoàn hảo trong tổ chức dòng chảy của công năng, từ sự tiện ích và tiện nghi, sau mới là từ đòi hỏi về sự thuận mắt và ưa nhìn. Trong một số trường hợp, cùng với cái đẹp là tính biểu đạt, một đòi hỏi đối với những công trình có chức năng tác động đến bộ não và con tim. Đối với hầu hết các công trình kiến trúc, cái đẹp hình thức không tách rời khỏi nội dung mà nó là hiện thân. Một khi cái đẹp – hình thức tách lìa ra khỏi bản chất của công trình, trở thành mục đích tự thân, thì nó là biểu hiện của nghĩa hình thức. Chủ nghĩa hình thức càng trở nên phi lý hơn, khi những hình thức mà ta bày vẽ ra để “làm đẹp” không tương thích với công năng, với trình độ và khả năng của công nghệ cùng vật liệu hiện đại, với xu hướng phát triển, với thời đại. Biểu hiện bức xúc nhất, phơi bày nhất và ngược đời nhất là căn bệnh “nhại”các hình thức kiến trúc và trang trí Âu Châu cách nay vài thế kỷ. Vì sao lại xảy ra sự bất trùng khớp như thế giữa công cuộc hiện đại hoá thúc bách và tư duy xây dựng? Hội chứng ngoái về dĩ vãng kiến trúc, không của người mình, nói lên bản chất gì?


Bảo tàng Bauhaus-Archiv (Berlin, Đức)

Vào đầu thế kỷ 20, đã từng xảy ra sự bất trùng khớp tương tự. Người ta chế tạo những con tàu viễn dương chở khách khổng lồ và tân tiến về kỹ thuật, nhưng hình bóng lại làm giả cung điện thế kỷ 18. Chẳng nhẽ, sau 100 năm, ta lặp lại các sự bất tương thích nội dung – hình thức và thời đại kiểu ấy.

Theo sở thích các người sở hữu ngân sách, các đại gia và đơn giản là những thân chủ có tiền, các kiến trúc sư mở sách Tây và tham khảo những mẫu ngoài phố, thiết kế những tòa nhà và những biệt thự, nhại và biến tấu những kiểu thức kiến trúc Âu Châu, mà ngay cả các ông Tây thực dân chẳng có ý định sao chép. Ai đó cho thế là sang, là đẹp. Chẳng nhẽ vật liệu và kỹ thuật thời nay chỉ để đem ra làm giả kiến trúc gạch đá, những hoa văn trang trí sinh ra từ kiến trúc gạch đá thời xưa? Ta ngại vận vào mình cái áo the và cái khăn xếp, bởi lẽ gì không chút ngần ngại choàng vào mình trang phục của quý tộc nước người vài ba thế kỷ trước? Vì sao mà cuộc sống thế kỷ 21, tiện nghi thế kỷ 21, lại phải bao bọc bởi cái vỏ kiến trúc giả nọ giả kia, mà không phải là chính mình? 

Thời mới sản sinh quan niệm mới về cái sự “sang” và “đẹp”. Thời mới sản sinh tinh thần mới và hình thể mới cho kiến trúc. Kiến trúc phải hướng tới thời đại mới, thúc đẩy thời đại mới.

Phô trương, hình thức chủ nghĩa là lụy cổ cản bước tiến của kiến trúc Việt Nam./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
(Bài viết cho hội thảo “Văn học và nghệ thuật phản ảnh hiện thực đất nước hôm nay” 12 – 13/7/2010, Đà Lạt) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: