Nhà Godard không dành cho người Việt

Thứ ba, 07 Tháng 9 2010 07:34 Thanh Niên
In

Ngay sau khi chiếm được hoàn toàn Hà Nội năm 1883, quân Cờ đen cũng không quấy nhiễu nữa, Công sứ Hà Nội là Bonnal đã bắt đầu nghĩ đến quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm. Năm 1884, kiến trúc sư Ernest Hébrard được giao thực hiện công việc này. Hébrard đã quy hoạch nhiều thành phố thuộc địa của Pháp. Bonnal ủng hộ triệt để Hébrard và ngầm ra lệnh cho lính ban đêm phóng hỏa đốt hết nhà lá ở Cầu Gỗ, Hàng Bè. Lửa cháy mấy ngày làm tiêu tan hàng nghìn ngôi nhà.

Trước phản ứng dữ dội của người dân và cả tờ Tương lai Bắc Kỳ (một tờ báo bằng tiếng Pháp) nên Bonnal không dám cho thực hiện hành vi phá hoại tài sản của dân nữa. Ngày 26.12.1886, Bonnal ra lệnh trong một năm phải phá bỏ hoàn toàn nhà lá và thay vào đó là nhà xây ở phố Hàng Thêu (Hàng Trống hiện nay), phố Paul Bert (từ Nhà hát Lớn đến hết phố Hàng Khay hiện nay). Xưởng đúc Tràng Tiền bỏ hoang. Song đường Tràng Tiền là con đường chính để quân lính Pháp đi từ Hoàng thành (nơi lính Pháp đóng quân) về Đồn Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay) ngày càng trở nên quan trọng, vì thế đám sĩ quan Pháp về hưu có tiền, thương nhân từ Pháp qua đến đây mua đất của xưởng đúc Tràng Tiền. Đất trên trục đường đắt như vàng và lên giá vùn vụt. Đến năm 1885, khu vực này có một quán giải khát có ga, một tiệm bánh mì, một cửa hàng kim khí, một cửa hàng bán văn phòng phẩm. Lúc này tại Hà Nội không kể binh lính thì số người Pháp qua đây kinh doanh, sinh sống đã lên đến 1.500 người.

Godard là tòa nhà hai tầng, tầng dưới cao 6m, tầng trên 5m. Diện tích mặt bằng xấp xỉ 4.500m2. Sàn tầng một lát đá thấm thủy khổ lớn để hạn chế nước vào ngày nồm. Trần trát vôi rơm, sàn tầng hai bằng gỗ lim. Mái bằng khung thép uốn thành vòm, dưới vòm cũng trát vôi rơm, trên lợp bằng miếng tôn nhỏ hình chữ nhật. Xung quanh là cửa kính để lấy ánh sáng. Từ tầng một lên tầng hai có bốn cầu thang bậc gỗ, lan can bằng thép có hoa văn và trụ cầu thang bằng đồng đúc. Godard có ba mặt phố, phía bắc là Tràng Tiền, phía nam là Hai Bà Trưng và phía tây là Hàng Bài. Ba cửa chính ra vào có dòng chữ tiếng Pháp "không dựng xe ở đây" bằng đá trắng gắn chìm trên vỉa hè. Vỉa hè rất cao so với mặt đường để phòng ô tô có lao lên sẽ bị chặn lại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người đi bộ. Vỉa hè bo bằng đá đen chôn sâu dưới đất hơn một mét để phòng ô tô đâm vào sẽ không đổ gãy.

Vì sao Godard không xây cao? Đơn giản vì chính quyền thời đó không cho phép các công trình quanh hồ Gươm xây quá cao, họ sợ hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà và như thế làm mất vẻ đẹp thơ mộng của khu vực này. Nhưng tại sao dân số Hà Nội đầu thế kỷ XX chỉ hơn 10 vạn người ta lại xây Godard lớn như vậy?

Năm 1940, lính Nhật vào Việt Nam kéo theo hàng hóa Nhật với quạt máy, đồ sứ, và đặc biệt là món kem que thì Godard cũng vơi dần khách. Năm 1950, lo sợ thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam, chủ nhà hàng Godard đã chia lô bán cho thương nhân Việt. Có rất nhiều nhà tư sản Hà Nội bỏ tiền mua, trong đó mua nhiều nhất có nhà tư sản Đức Minh - người nổi tiếng với bộ sưu tập tranh của các họa sĩ tên tuổi như: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... Điều này đã đặt một dấu chấm cho việc thống trị thương mại của các chủ người Pháp hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội. 

Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Nếu trước kia chợ họp theo phiên và chỉ bán nông sản, đồ thủ công, lương thực... sản xuất tại Hà Nội hay các vùng lân cận hoặc bán một số mặt hàng từ các tỉnh phía nam Trung Quốc mang qua thì Godard bán đủ các loại hàng hóa tiêu dùng gồm: vải vóc các loại, quần áo, giày dép, nước hoa, giường nằm, ghế... đến bơ, pho mát, bánh mì, bia... nhập từ Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông hay các nước thuộc địa của Pháp như Algérie, Maroc. Tuy nhiên, trong hàng chục năm đầu thế kỷ XX, khách đến Godard chủ yếu là lính, sĩ quan, công chức Pháp và vợ con họ cùng một số ít người Việt giàu có. Thậm chí thời kỳ đầu ngay cả những người Việt giàu có cũng không được phép bước chân vào. Phu kéo xe tay chờ khách cũng không được phép đỗ trên phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng hay Hàng Bài mà phải đỗ ở Hàng Khay, nếu thấy khách Tây vẫy mới kéo xe chạy lại.

Năm 1909, nhà hàng này xảy ra cuộc đình công. Nguyên nhân là chủ nhà hàng kiểm tra thấy mất hàng hóa đã ra lệnh cho nhân viên bảo vệ người Ấn Độ hằng ngày lục soát từng người bất kể nam hay nữ. Sáng ngày 6.5.1909, không thấy một số thông ký đi làm, chủ nhà hàng đã thuê ngay người khác và chiều hôm đó cuộc đình công xảy ra để phản đối việc thay nhân viên không báo trước và lục lọi vô cớ.

Để làm mới, cứ hai hay ba năm, viên quản lý lại cho quét vôi tường trong và ngoài, sơn hết các khung cửa gỗ và cửa kính. Do thời gian sơn sửa, quét vôi rất lâu, có khi phải mất cả tháng nên người ta phải chọn phường sơn vôi giỏi để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Dân sơn, vôi làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) bao giờ cũng là ứng cử viên đầu tiên và dĩ nhiên không thể ai khác ngoài cai Phảng, người có uy tín trong giới xây dựng thời đó. Khi sơn cửa, nước sơn của quân ông cai Phảng bao giờ cũng mịn hơn và không có vết bởi họ không dùng chổi lông nhập từ Pháp sang mà dùng nhánh cây đót bó lại. Còn khi họ quét vôi trần nhà Godard thì việc mua bán ở dưới vẫn diễn ra bình thường, vôi không rơi một giọt bởi họ có bí quyết khi lọc vôi, pha màu, đặc biệt là chọn cây đót để bó thành chổi. Nước vôi sánh nhưng không đặc nên bám tường và khi khô rất mịn.

Những năm 1920, khi các mặt hàng tơ lụa bán ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai... không còn đắt khách, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển sang bán giầy Tây, âu phục, nước hoa... thì nhà Godard hết độc quyền và họ bắt đầu cho người Việt ra vào tự do...

Nguyễn Ngọc Tiến


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: