Cần thông điệp rõ ràng và nhất quán

Thứ bảy, 06 Tháng 11 2010 06:59 Đầu tư
In

Mặc dù báo cáo kết quả tổng hợp việc thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chưa được công bố, song các thông tin ban đầu cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án này khá chậm.

Việc triển khai các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, sử dụng nhiều đất… dường như vẫn chứa đựng khá nhiều vấn đề.

Điều đáng nói là, mặc dù một số địa phương đưa ra thông điệp rất kiên quyết về việc xử lý dứt điểm các dự án chậm trễ, nhưng hành động thực tế lại rất khác. Hầu như chưa có quyết định cụ thể nào với các dự án được cảnh báo.

Vấn đề đáng bàn ở đây không phải là cách xử lý của các địa phương như thế nào với các dự án này, mà là thông điệp do chính quyền địa phương công bố với giới đầu tư  không rõ ràng và không nhất quán. Bản thân các nhà đầu tư thuộc diện chậm tiến độ thực sự phân vân, vì trong khi chịu sức ép của dư luận, thì công việc thúc đẩy tiến độ vẫn đang được phối hợp triển khai với chính quyền các địa phương.

Ở góc nhìn khác, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đang liên tục nhận thông tin tốt. Cùng thời điểm Phòng Thương mại châu Âu công bố kết quả rất khả quan của cuộc khảo sát lòng tin của doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh Việt Nam (70% doanh nghiệp được hỏi nhìn nhận tốt và rất tốt về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2011), thì Tập đoàn Intel đã chính thức khánh thành nhà máy 1 tỷ USD tại Việt Nam.

Cùng trong dịp này, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore đã phát đi thông cáo về việc các doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư và hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, hai tập đoàn lớn của Singapore là CapitaLand Limited, Keppel Land Limited đã ký kết các thoả thuận hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam.

Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore cũng thông báo về việc đã thu hút được Tập đoàn PepsiCo đầu tư nhà máy thứ 5 ở Việt Nam trị giá khoảng 73 triệu USD tại khu công nghiệp này. PepsiCo cam kết sẽ đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm tới, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2013…

Nếu như nhìn vào đánh giá tốt về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu, thì có lẽ, những động thái tương tự cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia, khu vực khác thể hiện rất rõ. Đặc biệt, trong những đánh giá khả quan về môi trường kinh doanh Việt Nam, lần đầu tiên, các doanh nghiệp đã ghi điểm cao cho sự cải thiện về nguồn nhân lực có đào tạo, có tay nghề tốt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những đánh giá trên đi ngược lại sự tụt hạng gần đây của Việt Nam trong đánh giá của một số tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế. Phải khẳng định rằng, chính thông điệp chính sách không rõ ràng là lý do làm môi trường Việt Nam mất điểm. Giới chuyên gia kinh tế cũng đang phát đi khuyến cáo rằng, vào thời điểm này, thông điệp chính sách nhất quán là điều kiện quan trọng góp phần đảm bảo tâm lý ổn định, tin tưởng của nhà đầu tư, một yếu tố quan trọng làm nên ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang nỗ lực theo đuổi.

Hơn thế, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, dòng vốn mà nhà đầu tư nước ngoài cam kết đổ vào Việt Nam thực sự cần sự hậu thuẫn lớn để giải ngân. Điều đầu tiên mà các nhà đầu tư nhìn vào khi đặt chân tới Việt Nam, đó chính là tình hình triển khai các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam…

Khánh Linh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: