Đà Lạt: dứt bỏ hoài niệm để tìm hướng phát triển

Thứ bảy, 11 Tháng 12 2010 09:15 SGTT
In

Cuộc thi ý tưởng quy hoạch đô thị với đề tài “Khu trung tâm thương mại Hoà Bình và chợ Đà Lạt” do sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức đang tiến hành chấm chọn. Dù kết quả ra sao [Liên danh Công ty TNHH Kiến trúc Lâm Đồng và Công ty TNHH kiến trúc ATA (TP.HCM) đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) - Ashui.com], cuộc thi cũng chứng minh được một điều: lâu nay Đà Lạt đã bị “bán rẻ” và điều này phải chấm dứt từ đây.

Nói đến Đà Lạt là nói đến những gì ưu đãi nhất mà thiên nhiên ban phát; những gì thanh lịch, sang trọng nhất mà một đô thị có thể hình thành. Nhưng Đà Lạt hiện tại còn giữ được bao nhiêu phần giá trị của một Đà Lạt mà kiến trúc sư Pháp Jacques Lagisquet thể hiện trong đồ án quy hoạch năm 1943 của mình?

Đồ án quy hoạch của Lagisquet dự phóng mức tăng trưởng dân số đến 80.000. Cho đến 1975, Đà Lạt đã phát triển đúng như tầm nhìn của vị kiến trúc sư ấy và trở thành một hình ảnh khắc sâu trong tâm thức và tình cảm của mọi người. Từ 1975 đến nay, dân số Đà Lạt đã tăng gấp bốn lần sức chứa 80.000 dân trong đồ án Lagisquet. Những cách nhìn thiển cận và cách làm thiếu quy hoạch trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương suốt 30 năm qua đã dẫn đến hệ quả là ngày nay chúng ta có một hình ảnh Đà Lạt trái ngược với mọi hoài niệm và kỳ vọng!

Là bộ mặt của Đà Lạt, khu trung tâm Hoà Bình hàng ngày trở thành bãi giữ xe và trạm xe buýt. Những đêm cuối tuần, khu vực này trở thành khu phố đi bộ nhưng thực tế là khu phố “chặn xe” với barrier chắn ở bốn con đường dẫn lên trung tâm và những chú công an, anh dân phòng lăm lăm dùi cui, hùng hổ quát nạt người dân và du khách lỡ đi xe vào hay chưa kịp ra khi đã tới giờ cấm đường. Khu trung tâm lẽ ra phải sầm uất vào những đêm cuối tuần lại buôn bán ế ẩm sau 7 giờ tối và trở thành sân chơi cho trẻ con đi xe đạp và những nhóm thiếu niên tập chơi ván trượt (skateboard). 

Nạn kẹt xe cũng đang ám ảnh Đà Lạt. Không chỉ là kẹt xe bất thường vào những ngày lễ tết tràn ngập du khách! Những con đường dốc với hai làn xe chật hẹp không còn chứa nổi lượng người xe địa phương. Khi Đà Lạt bắt đầu phát triển hệ thống taxi từ năm 2000 và hệ thống xe buýt công cộng từ 2008 thì chuyện kẹt xe cục bộ dần dần phổ biến. Kinh tế phát triển giúp nhiều người dân có điều kiện sắm ôtô riêng thì ùn tắc càng nhiều. Từ vài tháng gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông hàng ngày phải túc trực sáng chiều vào giờ cao điểm ở nút giao thông đường Ba Tháng Hai dẫn lên khu trung tâm Hoà Bình và các giao lộ khác.

Chọn phương án quy hoạch để kêu gọi đầu tư 

Theo 4 ý tưởng được đưa ra, khu Hoà Bình và chợ Đà Lạt được quy hoạch khoảng 29ha sẽ được thay thế bằng những toà nhà hiện đại, trong đó, khu Hoà Bình sẽ xây dựng khối nhà cao tầng trung tâm thương mại – dịch vụ có chiều cao đến 45m; khu chợ Đà Lạt được xây dựng với chiều cao tối đa là 49m. Ông Nguyễn Hữu Tâm, giám đốc sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, bốn ý tưởng này cơ bản phù hợp với quy hoạch do sở đưa ra; việc biến nơi đây trở thành một trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại là để xứng tầm một đô thị loại một. Theo lộ trình, sau khi hội đồng chọn ra một ý tưởng “hay nhất” trong bốn ý tưởng nói trên sẽ được sở Xây dựng Lâm Đồng trình UBND tỉnh phê duyệt, kế tiếp là công bố và kêu gọi thu hút đầu tư.

Quang Sáng 
Tất cả những sự kiện công cộng của Đà Lạt đều tổ chức ở khu trung tâm nhưng các hoạt động quần chúng này chỉ góp phần gây ách tắc giao thông hay phải chặn xe mới tổ chức được. Míttinh ư? – Ra đường đứng hưởng ứng! Triển lãm ư? – Ra đường đứng khai mạc! Ca nhạc ư? – Ra đường đứng xem! Hoạt động hàng đêm ở khu trung tâm chỉ là những hàng đồ xôn trải kín mặt đất khu vực cầu thang chợ Hoà Bình. Mọi người chen chúc đứng dọc đường xem hàng và những người bán cao giọng rao “Áo lạnh mười ngàn!” Nhiều người dân tự trào bảo rằng Đà Lạt đã trở thành thành phố… đứng đường! 

Không ai muốn hình ảnh Đà Lạt trở nên rẻ rúng như thế. Nhưng mọi viễn tượng về một Đà Lạt tương lai đều trở nên phi lý nếu cứ khư khư bám víu vào những hoài niệm đã mất và không đặt trên một nền tảng khoa học thực tiễn nào. Một quy hoạch hiện đại giải quyết được vấn đề hạ tầng, lưu thông, hài hoà với đặc thù địa hình tự nhiên và mở ra hướng đầu tư phát triển kinh tế xứng đáng là cách làm đúng để trả lại cho Đà Lạt những gì sang trọng, thanh lịch, văn minh vốn có của thành phố này và tăng thêm giá trị trong tương lai. Điều cần suy nghĩ là làm sao cho mọi nhà đầu tư có tầm cỡ và thực lực phải khao khát Đà Lạt chứ không phải chính Đà Lạt lại cầu luỵ hay liên kết với những nhóm đầu cơ. 

Trần Đức Tài

>> Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: